Kinh tế Ảrập Saudi vật vã thoát dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Kế hoạch đại tu kinh tế của Ảrập Saudi, kèm theo việc cắt giảm chi tiêu công, giảm tiền lương và tăng phí... đang tạo ra cơn chấn động tại quốc gia mà từ lâu người dân đã quen nhận được sự trợ cấp hậu hĩnh của nhà nước.

Almarai là một công ty sản xuất sữa lớn ở Ảrập Saudi. Để duy trì một cơ sở như vậy ở giữa vùng sa mạc nóng như thiêu đốt, cần có 180.000 con bò Holstein, chuồng trại được làm mát, nước bơm từ dưới lòng đất sâu, thức ăn nhập từ Argentina, hệ thống giữ lạnh hiện đại và khoảng 9.000 chiếc xe để vận chuyển sữa ướp lạnh cho toàn bán đảo Ảrập.

Những công ty như Almarai đang phải hoạt động dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ được nhà nước cung cấp. Điều này sắp kết thúc. Giá dầu giảm mạnh cùng với cuộc chiến tranh ngày càng tốn kém ở Yemen đã làm trầm trọng thêm lỗ thủng trong ngân sách Ảrập Saudi, tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở vương quốc này.

Lệ thuộc dầu thô

Dầu khí đã “thấm” vào gần như tất cả các phần của nền kinh tế Ảrập Saudi. Dầu thô không chỉ mang lại hàng tỉ đô la lợi nhuận cho công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco và tập đoàn hóa chất khổng lồ Sabic, nó cũng là trụ cột cho các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất xi măng và luyện nhôm.

Ảrập Saudi đốt dầu thô hết thùng này tới thùng nọ để sản xuất điện, cách mà rất ít quốc gia làm trên quy mô lớn. Tại các trung tâm mua sắm, hệ thống điều hòa làm không khí mát lạnh, khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 38 độ C trong mùa hè. Trẻ em thậm chí có thể chơi trò trượt tuyết tại một trung tâm giải trí mới ở thủ đô. Phần lớn nước sạch của quốc gia được cung cấp từ hệ thống khử muối, lọc nước biển thành nước ngọt, tốn rất nhiều năng lượng.

“Mọi ngành công nghiệp ở Ảrập Saudi đều chủ yếu dựa vào năng lượng giá rẻ, dù trực tiếp hay gián tiếp”, Glada Lahn, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Chatham House ở London nói và cảnh báo nếu không có những thay đổi đáng kể, vương quốc này có thể phải nhập khẩu dầu trong một vài thập kỷ tới.

Thâm hụt ngân sách của Ảrập Saudi đã lên tới gần 100 tỉ đô la năm ngoái. Dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm một phần tư kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm năm 2014. Chính phủ đã phải vay tiền từ các ngân hàng nước ngoài và sẽ vay mượn thêm từ thị trường trái phiếu toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Ảrập Saudi phải cắt giảm đột ngột các dự án xây dựng, buộc nhà thầu phải sa thải công nhân. Việc tăng giá nước sạch bất ngờ cũng khiến người dân phàn nàn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Vụ việc được đẩy lên cao trào khi Bộ trưởng phụ trách vấn đề điện và nước tuyên bố, khách hàng nếu không hài lòng với giá cả thì có thể tự đào giếng riêng. Phát ngôn này đã khiến ông bộ trưởng bị sa thải.

“Nếu bạn là một người Saudi thì bạn đã lớn lên trong sự trông đợi vào sự hào phóng tài chính của nhà nước. Việc đối phó với tâm lý thất vọng của người dân sẽ tạo khó khăn cho chính phủ”, Adel Hamaizia, chuyên gia Diễn đàn Oxford nghiên cứu về vùng Vịnh và bán đảo Ảrập nói.

Chính phủ phải chịu thêm một áp lực nữa, đó là dân số của vương quốc đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1990. Một nửa dân số Ảrập Saudi dưới 25 tuổi khiến cho khu vực tư nhân không tạo được cơ hội cho khoảng 300.000 người trẻ bước vào lực lượng lao động mỗi năm, đặc biệt là phụ nữ.

Cải cách mạnh

Công ty Sữa Almarai là một trong những ví dụ điển hình của việc Ảrập Saudi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc từ dầu mỏ. Do chính phủ giảm bớt nguồn trợ cấp lớn cho nhiên liệu, điện và nước, Almarai sẽ bị giảm 133 triệu đô la lợi nhuận sau thuế trong năm nay.

45917_saudi2.jpg

Kế hoạch đại tu nền kinh tế của Thái tử thứ hai (deputy crown prince) Mohammed bin Salman, đang tạo ra một cơn địa chấn tại đất nước mà từ lâu người dân đã quen được hưởng sự bao bọc của nhà nước. “Chính phủ đang cải cách rất nhanh, còn người dân cảm thấy mình bị tụt lại đằng sau. Cuộc sống và kinh doanh như trước đây không thể tiếp tục”, bà Lama Alsulaiman, thành viên ban lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp, nhận xét.

Vị thái tử 31 tuổi này đang đánh cược cả danh tiếng cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế Ảrập Saudi. “Mọi người đang theo dõi xem ông có làm được không”, Ibrahim Alnahas, một giáo sư chính trị học tại Đại học King Saud ở Riyadh, nói. “Nếu thành công, ông sẽ trở thành vua. Còn không, tương lai của ông sẽ mất”.

Tháng trước, tại cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Algeria, Ảrập Saudi đã bất ngờ thay đổi quan điểm, đồng ý với chủ trương cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu thô. Thái tử Mohammed bin Salman cũng tuyên bố kế hoạch bán một phần Công ty Dầu khí nhà nước Saudi Aramco, để lấy tiền đầu tư.

Trên khắp đất nước, những tấm bảng quảng cáo mới xuất hiện, trên đó có ảnh nhà vua, thái tử thứ nhất, thái tử thứ hai cùng nhìn về phía chân trời nơi có “kế hoạch Tầm nhìn 2030”. Kế hoạch này kêu gọi đa dạng nền kinh tế trong 14 năm tiếp theo.

Điều đó bao gồm mở rộng ngành công nghiệp khai thác mỏ của đất nước để khai thác vàng, phosphate và uranium; xây dựng các ngành tài chính, công nghệ, giải trí và du lịch. Ảrập Saudi có thánh địa Mecca, nơi mà bất cứ ai trong số hơn 1,6 tỉ người Hồi giáo đều muốn hành hương tới một chuyến trong đời.

Thái tử Mohammed bin Salman đã tập hợp các nhà kinh doanh, quan chức chính phủ và thậm chí cả các vận động viên, nghệ sĩ tại khách sạn sang trọng Ritz-Carlton Riyadh vào cuối năm ngoái để thảo luận các mục tiêu kinh tế mà ông đang phát triển. Nhiều nhân viên tư vấn đang tản ra trên khắp đất nước, khảo sát người dân để xác định xem liệu chính phủ có thể cắt bớt các khoản trợ cấp đến đâu mà không làm nổ ra các cuộc biểu tình.

Chính phủ đã công bố kế hoạch tìm cách tăng nguồn thu ngân sách ngoài dầu mỏ tăng gấp 3 lần vào năm 2020, bắt đầu bằng tăng phí thị thực, tăng tiền phạt vi phạm giao thông, và tăng thuế đồ uống có đường.

Sau khi giảm lương bộ trưởng, đóng băng việc tuyển dụng và giảm bớt tiền thưởng thường xuyên cho toàn bộ lực lượng lao động khu vực nhà nước, Chính phủ Ảrập Saudi tuần trước tuyên bố rằng người lao động sẽ được trả lương theo lịch Gregorian (tức dương lịch, khác với lịch Hồi giáo Hijri), nghĩa là thêm một ngày làm việc mỗi tháng.

Một trong những cách để tạo thêm việc làm cho người địa phương là loại bỏ lao động nước ngoài. Chính sách này từng được Ảrập Saudi theo đuổi từ đầu những năm 1980 nhưng luôn luôn thất bại với số lượng người lao động nước ngoài đang phình to từ khoảng 1-10 triệu người hiện nay.

Giờ đây chính phủ đang ép các công ty thực thi chính sách này bằng cách phạt và từ chối cấp visa mới cho lao động nước ngoài, nếu doanh nghiệp không đạt một tỷ lệ phần trăm nhất định người bản xứ. Vương quốc đặt chỉ tiêu tăng 450.000 việc làm mới trong khu vực tư nhân vào năm 2020.

Công ty sữa Almarai hiện đang sử dụng 8.000 người Ảrập Saudi trong lực lượng lao động hơn 40.000 người, chiếm khoảng 20%. Tony Gavin, người quản lý mang quốc tịch Ireland cho biết, trong khi mọi chi phí đều tăng cao thì doanh nghiệp chưa được phép tăng giá sữa. Stuart Gouk, quản lý sản xuất tại nhà máy cho hay: “Giá sữa cao hơn có thể có ảnh hưởng đến chính trị”.

Ông Gavin cho hay, việc cắt giảm trợ cấp từ nhà nước có thể tiếp tục diễn ra ở nhà máy. Có thể sự cắt giảm này sẽ tới một điểm mà các nhà hoạch định chính sách phải quyết định xem liệu sản xuất sữa trong điều kiện sa mạc như vậy có nên không?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Theo The NYT)​
 

Việc làm nổi bật

Top