Lộ diện "tân vương" dầu mỏ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã góp phần giúp Mỹ lấy lại vị thế cường quốc năng lượng cũng như bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài

Nước Mỹ có thể trở thành "vua" mới của ngành công nghiệp dầu thế giới trong năm 2018 với sản lượng khai thác được dự báo tăng 10%, lên 11 triệu thùng/ngày, theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Rystad Energy (Na Uy) hôm 3-1.

Có lợi cho an ninh quốc gia

Báo cáo của Rystad Energy nhận định sự gia tăng của sản lượng dầu đá phiến cho phép Mỹ soán ngôi Nga và Ả Rập Saudi để trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Kể từ năm 1975 đến giờ, Washington đã không còn nắm giữ vị trí này hoặc có sản lượng khai thác nhiều hơn Nga và Ả Rập Saudi. "Thị trường đã hoàn toàn thay đổi do hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ" - bà Nadia Martin Wiggen, phó chủ tịch phụ trách thị trường của Rystad Energy, nhận định.

16-chot-1515076081496.jpg

Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới năm 2018 Ảnh: Bloomberg
Dự báo trên cho thấy cuộc cách mạng dầu đá phiến đã góp phần giúp Mỹ lấy lại vị thế cường quốc năng lượng cũng như bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, trong đó có Venezuela và khu vực Trung Đông đầy biến động. Bà Wiggen cho rằng việc Mỹ sản xuất nhiều dầu hơn là diễn biến có lợi cho an ninh quốc gia.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu nhập khẩu của nước này đã giảm 25% trong 9 năm qua. Cùng lúc đó, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ không ngừng gia tăng kể từ khi được phép nối lại năm 2015. Năm ngoái, lượng dầu xuất khẩu đã tăng hơn 3 lần lên mức cao kỷ lục. Mỹ hiện vẫn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu dầu nhưng khoảng cách này đang thu hẹp dần.

Sản lượng dầu của Mỹ từng sụt giảm nhưng không hoàn toàn sụp đổ sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả Rập Saudi đứng đầu phát động cuộc chiến giá năm 2015 nhằm lấy lại thị phần bị mất vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến. Tình trạng thừa mứa nguồn cung trên toàn cầu khiến giá dầu tụt dốc không phanh từ 100 USD/thùng xuống có lúc chỉ còn 26 USD/thùng. Giá dầu thấp khiến các công ty dầu đá phiến ở Mỹ phải giảm bớt quy mô khai thác. Theo EIA, sản lượng dầu khai thác xuống mức thấp nhất là 8,55 triệu thùng/ngày vào tháng 9-2016.

Hồi phục ấn tượng

Dù vậy, ngành công nghiệp dầu đã hồi phục ấn tượng năm ngoái, nhờ giá dầu cải thiện và công nghệ mới giúp khai thác dầu đá phiến dễ và rẻ hơn. Không quá lạc quan như Rystad Energy, EIA gần đây dự báo sản lượng dầu thô Mỹ sẽ tăng lên bình quân 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, cao hơn mức kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày năm 1970. Để so sánh, dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga cho thấy sản lượng dầu bình quân hằng ngày của nước này trong năm 2017 tăng lên 10,98 triệu thùng, mức cao nhất trong 30 năm qua. Con số này của Ả Rập Saudi là khoảng 10 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng tin vào những dự báo sáng sủa trên. Nhà đầu tư Byron Wien dự báo hoạt động khai thác dầu đá phiến sẽ gây "thất vọng" trong năm nay, khiến giá dầu tăng có thể đạt mức hơn 80 USD/thùng. Theo Reuters, con số này hôm 4-1 tăng lên hơn 61 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi qua. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi tình hình căng thẳng ở Iran, một vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Libya và nhất là việc OPEC - Nga nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018.

Theo đài CNBC, các cuộc biểu tình ở Iran không đe dọa tức thì đến hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump có thể cứng rắn hơn với Tehran, làm gia tăng nguy cơ gián đoạn một nguồn cung quan trọng và đẩy giá dầu lên cao hơn. Sản lượng khai thác của Iran hiện đạt mức gần 4 triệu thùng/ngày sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc, trong đó có Mỹ, năm 2015.

Trước mắt, nguồn cung không còn thừa mứa giúp giá dầu trở nên ổn định, từ đó mở đường cho các công ty dầu đá phiến Mỹ tăng cường khai thác. Ngoài ra, ngành công nghiệp dầu của Mỹ còn nhận được cú hích từ Tổng thống Donald Trump, người hứa hẹn về một kỷ nguyên thống trị năng lượng của Mỹ, bằng cách cắt giảm những quy định không cần thiết liên quan đến khoan dầu. Tuy nhiên, Rystad Energy cho rằng chính yếu tố thị trường, không phải việc bãi bỏ quy định, đứng đằng sau sự gia tăng của sản lượng dầu thô Mỹ.

HOÀNG PHƯƠNG
NLD.COM.VN
 

Việc làm nổi bật

Top