Mặt tối của tham vọng dầu mỏ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Một trật tự năng lượng thế giới mới có thể nổi lên - điều sẽ tốt cho nước Mỹ nhưng đối với toàn hành tinh thì chưa hẳn

Lần gần đây nhất, Mỹ khai thác 10 triệu thùng dầu thô/ngày, ông chủ Nhà Trắng lúc đó là Richard Nixon. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên vẫn chưa khiến người Mỹ sợ mua ô tô.

Kỹ thuật nứt vỡ thủy lực được các kỹ sư nước này thử nghiệm nhưng kết quả đạt được quá khiêm tốn nên chưa thể phổ biến. Đó là vào năm 1970, thời điểm một thùng dầu có giá 1,8 USD.

dau-my-1518011727626481550804.jpg

Gần 5 thập kỷ sau, giá dầu đang ở mức gần 65 USD/thùng, sản lượng dầu thô hằng ngày của Mỹ lại cán mốc 8 con số một lần nữa. Đó là cột mốc quan trọng trên con đường hoàn thành giấc mơ mà chỉ mới cách đây một thế hệ dường như là điều xa vời: Vào cuối năm nay, Mỹ có thể "lên ngôi" nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Việc Mỹ vươn tới đỉnh cao vốn do Ả Rập Saudi và Nga thay phiên nắm giữ sẽ khuấy đảo địa chính trị. Một trật tự năng lượng thế giới mới có thể nổi lên. Sự đổi ngôi này sẽ tốt cho nước Mỹ nhưng đối với toàn hành tinh thì chưa hẳn.

Trước mắt, ảnh hưởng của một trong những thế lực mạnh nhất trong nửa thế kỷ qua - quốc gia dầu mỏ hiện đại - sẽ giảm sút. Các nhà ngoại giao "nước Mỹ trên hết" không cần phải "để ý thái độ" các ông lớn dầu mỏ như Ả Rập Saudi nữa.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi thống nhất chính sách sản xuất và giá cả có thể thấp hơn, từ đó khiến các vết thương cũ tái phát. Điều đó cũng có thể giảm bớt sức mạnh chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga V.Putin.

Tổng thống Donald Trump đang hướng đến cái gọi là sự thống trị năng lượng toàn cầu. Chính quyền của ông có kế hoạch bật đèn xanh cho thăm dò dầu khí ngoài khơi tại hầu hết các vùng biển Mỹ và lần đầu tiên trong 40 năm qua cho phép làm như vậy tại khu bảo tồn quốc gia Đời sống hoang dã Bắc Cực. Có thể cần nhiều năm mới khai thác được dầu song trữ lượng đủ gây choáng ngợp - ước tính 11,8 tỉ thùng.

Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng phải cẩn trọng với ham muốn này. Ba năm qua, hành tinh chứng kiến tình trạng nóng lên tới kỷ lục kể từ thế kỷ XIX trong khi kế hoạch năng lượng của ông Trump hầu như không để tâm tới môi trường.

Hơn nữa, việc thêm nguồn cung có thể làm giảm giá thành, từ đó không khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế khác như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió. Điều này khiến tương lai của những nguồn năng lượng sạch trở nên ảm đạm.

Chỉ mới vài năm trước, chiến thắng của ngành dầu đá phiến Mỹ dường như là điều không thể. Cuối năm 2014, thay vì cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức cao, Ả Rập Saudi thuyết phục OPEC tăng cường khai thác, khiến giá dầu xuống thấp hơn 40 USD/thùng vào tháng 12 cùng năm (trong khi chỉ 4 tháng trước, con số này còn ở mức 100 USD/thùng).

Riyadh ôm hy vọng bóp chết cuộc cách mạng dầu đá phiến. Ban đầu, họ dường như đã thành công. Sản lượng lúc đó của Mỹ rớt từ đỉnh 9,6 triệu thùng/ngày xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày.

Phá sản "viếng thăm" nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến và hàng chục ngàn người mất việc. Không bỏ cuộc, các công ty dầu đá phiến cố thủ, cắt giảm chi phí và vay nợ như điên để sống sót.

Đến cuối năm 2016, Ả Rập Saudi đổi ý, thuyết phục OPEC và Nga cắt giảm sản lượng, giúp giá dầu tăng dần trở lại. Sau khi thoát "chết", ngành công nghiệp dầu đá phiến càng mạnh mẽ hơn.

Nhờ công nghệ và với mức giá như hiện nay, các nhà khai thác có thể vừa nâng sản lượng vừa tăng lợi nhuận.

Những kết quả đạt được mang tầm vóc lịch sử. Hồi tháng 10 năm ngoái, nhập khẩu ròng dầu thô và dầu tinh chế của Mỹ đã giảm xuống dưới 2,5 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ khi các dữ liệu chính thức được thu thập lần đầu tiên năm 1973. Một thập kỷ trước, nhập khẩu dầu ròng của Mỹ ở mức hơn 12 triệu thùng/ngày.

Đối với OPEC, sự trỗi dậy của một siêu cường dầu mới đặt ra thách thức chưa từng có tiền lệ. Nếu họ cắt giảm sản xuất, các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể phản ứng bằng cách tăng sản lượng, đánh cắp thị phần từ các nước OPEC và hạn chế nỗ lực thao túng giá của họ.

Giải pháp duy nhất đối với OPEC là kéo dài biện pháp hạn chế sản lượng khai thác như những gì đang làm và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất. Nếu sự hợp tác giữa OPEC và Nga đổ vỡ, OPEC cũng không thể đối mặt nguy cơ tan rã.

Nếu giá dầu đá phiến Mỹ vẫn duy trì ở mức thấp, Nga cũng sẽ bị thiệt hại lớn. Giải pháp duy nhất là tiếp tục hợp tác với Ả Rập Saudi để duy trì sản lượng ở mức thấp, điều mà các tài phiệt Nga chẳng thích thú gì.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải đều thuận lợi với Mỹ. Nước này không tránh khỏi tác động của sự thăng trầm trong thị trường thế giới. Giá dầu bên trong nước Mỹ chịu chung số phận khi giá thế giới tăng, bất kể sản lượng khai thác nhiều đến đâu.

Ngoài ra, sự bùng nổ dầu đá phiến có thể làm tổn thương các nhà máy lọc dầu đã đổ hàng tỉ USD cho các thiết bị đặc biệt để xử lý dầu thô chất lượng thấp từ Mexico, Venezuela, Canada và Ả Rập Saudi.

Những hạn chế như vậy có thể không đáng kể song sự thống trị của Mỹ còn lâu mới là thuốc chữa bách bệnh. Nó sẽ không đảo ngược biến đổi khí hậu, cũng không giảm bớt ảnh hưởng chính trị của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở Washington, cũng chẳng vô hiệu hóa hoàn toàn ảnh hưởng chính trị của các quốc gia dầu mỏ truyền thống.

Với nhu cầu tăng bất chấp sự nổi lên của các nhiên liệu thay thế hoặc sự phát triển của xe điện, dầu đá phiến có thể vật lộn để đáp ứng sức tiêu thụ của toàn cầu.

Thế giới sẽ có cơ hội chứng kiến hiện tượng hiếm thấy của thị trường - giá dầu cao cũng như Mỹ tăng sản xuất. Thế nhưng, Ả Rập Saudi và Nga có thể vẫn là trở ngại ghê gớm đối với sự độc lập năng lượng của Mỹ.

THU HẰNG (lược dịch từ trang Bloomberg Businessweek)
nld.com.vn/
 

Việc làm nổi bật

Top