Mỏ Đại Hùng: Số phận kỳ lạ của mỏ dầu khí trị giá... 1 USD

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Có lẽ đây là chuyện hy hữu nhất trên thế giới này khi người ta lại bán một mỏ dầu khí với giá 1USD. Trước những khó khăn nan giải, các nhà đầu tư nước ngoài đành “bỏ của chạy lấy người” để lại cho Việt Nam mỏ dầu Đại Hùng với giá… tượng trưng. Cái tên “Big Bear Gấu Lớn” trùng với tên chòm tinh tú sáng nhất bầu trời nhưng có lẽ đây là một trong những đại công trình trải qua nhiều thăng trầm nhất của ngành Dầu khí.

Câu chuyện 40 năm trước

Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, ngành công nghiệp dầu khí thế giới có những bước chuyển biến quan trọng, nhiều quốc gia thành lập công ty dầu khí của mình và hoạt động hợp tác thăm dò khai thác bùng nổ.

Thời đó tại miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN khác đã bắt đầu tìm kiếm dầu khí bằng việc thành lập Đoàn Địa chất 36 (thuộc Tổng cục Địa chất) vào ngày 27/11/1961 với nhiệm vụ khảo sát, điều tra về dầu khí tại Đồng bằng sông Hồng và miền Bắc Việt Nam.

Tại miền Nam, sau khi một số công ty nước ngoài vào tìm kiếm, đánh giá và công bố phát hiện, rất nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới quan tâm đến tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Năm 1970, chính quyền Sài Gòn ban hành Đạo luật Dầu hỏa số 011/70, ấn định việc thăm dò, khai thác dầu mỏ cùng điều kiện thuế khóa và hối đoái có liên quan, mở đầu cho việc cấp quyền đặc nhượng thăm dò và tìm kiếm dầu mỏ.

Mỏ Đại Hùng nằm ở Lô 05 thuộc phần trung tâm của bể Nam Côn Sơn, cách TP Vũng Tàu 265km. Vào tháng 8/1973, Công ty Mobil Oil của Mỹ đã được chính quyền Sài Gòn cũ chọn thầu và tiến hành các hoạt động dầu khí tại đây. Mobil đã đưa các công ty địa vật lý vào tiến hành khảo sát chi tiết về địa chấn, trọng trường và từ trường để nghiên cứu cấu trúc địa chất, tìm các cấu tạo và xác định những địa điểm sẽ khoan và tiến hành khoan thăm dò giếng Đại Hùng 1X vào ngày 10/3/1975.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên là Trưởng nhóm phụ trách tại Cuộc Dầu hỏa của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (chính quyền Sài Gòn cũ) kể lại thì ông Peter Gelpke, Tổng Giám đốc Mobil định đặt tên giếng là Big Bear (Gấu Lớn), sau đó được ông Vĩnh khuyên nên chuyển sang tên Việt Nam là Đại Hùng. Cái tên này ra đời từ đó và tồn tại đến nay. Giếng khoan Đại Hùng 1X được khoan với độ sâu dự kiến là 3.871m nhưng đã kết thúc sớm ở 1.819m khi chưa đạt tới chiều sâu dự kiến của tầng trầm tích có khả năng chứa dầu khí.

so%20phan%20ky%20la%201.jpg
Cụm mỏ Đại Hùng

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã giải phóng miền Nam, đất nước ta bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh với chồng chất gian nan, kinh tế khó khăn và bị bao vây cấm vận. Căn cứ vào những tài liệu thu thập được về tài nguyên dầu khí từ chính quyền cũ, Đảng và Chính phủ ta đã quyết tâm phát triển ngành dầu khí, đặt mục tiêu năm 1980-1981 phải bắt đầu khai thác dầu ở thềm lục địa Nam Việt Nam và tới năm 1985, Nhà nước phải có trong tay 1.520 triệu tấn dầu thô. Nhiều đoàn cán bộ của ta đã được cử đi khắp thế giới để học hỏi, tìm kiếm sự trợ giúp trong thời gian này.

Đảng và Chính phủ không những đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, mà còn vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể như “Tổng công trình sư” của một đề án mang tầm vóc quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (Petrovietnam) được thành lập và cho phép thảo luận với các công ty nước ngoài trên 810 lô ở thềm lục địa Nam Việt Nam trên cơ sở bản Kế hoạch triển khai thăm dò dầu mỏ và khí đốt được Bộ Chính trị phê chuẩn. Tổng cục đã tiếp xúc với rất nhiều công ty và Nhà nước Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, Đức, Australia, Canada, Na Uy, Italia, Nhật Bản, Mexico, Anh… (chưa tiếp xúc với các công ty Mỹ do cấm vận).

Ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác Quốc tế của Petrovietnam, kể lại: “Việc hợp tác với các công ty dầu khí phương Tây vào đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là một vấn đề mới, trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, quản lý mang nặng dấu ấn “tự lực tự chủ” khép kín, đầy sự hoài nghi khi giao tiếp với nước ngoài. Chính vì vậy, lãnh đạo Tổng cục rất chú trọng việc nghiên cứu cặn kẽ để trình xin chủ trương của Đảng, Chính phủ về lựa chọn đối tác hợp tác, về hình thức hợp tác và về nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí”.

Được biết, vào thời gian đó, điểm gay cấn và nhạy cảm nhất trong hợp đồng dầu khí là điều kiện phân chia quyền lợi kinh tế giữa chủ tài nguyên và người đầu tư, vì hầu như các chuyên gia của ta đều còn rất bỡ ngỡ với các lý thuyết kinh tế của phương Tây.

Kiểu hợp đồng chia sản phẩm (Production Sharing Contract - PSC) được Indonesia đề xuất năm 1967. Vì sự linh hoạt của nó đối với các thể chế chính trị và hệ thống luật pháp, nhiều nước đã áp dụng và phát triển hình thức hợp đồng này. Đối với các nước không mạnh về tiềm lực tài chính mà tiềm năng dầu khí không lớn hoặc chưa rõ (như Việt Nam), hợp đồng “chia sản phẩm” thích hợp với nước chủ nhà vì trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò (rủi ro cao) không phải bỏ tiền đầu tư. Các nhà thầu nước ngoài phải bỏ tiền và chịu rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò (có thể mất trắng), nhưng khi thành công phát hiện ra mỏ và khai thác thì được thu hồi toàn bộ chi phí đã bỏ ra và còn được chia một phần “dầu lãi”.

Xét tổng thể, thì hình thức hợp đồng không quyết định quyền lợi kinh tế, vì nhà đầu tư chú ý nhiều đến tiêu chí “tỷ suất doanh lợi đầu tư”, còn chủ tài nguyên quan tâm đến phần dầu thu được từ mỏ cho quốc gia. Một điểm mấu chốt của hợp đồng dạng này là giai đoạn thăm dò thường kéo dài khoảng 5 năm, phía nhà thầu có trách nhiệm thực hiện toàn bộ cam kết công việc và tài chính, phải gánh chịu phần chi phí của nước chủ nhà, nếu tìm thấy dầu khí thì các chi phí đó được thu hồi và nước chủ nhà mới chính thức bắt đầu góp vốn.

Lãnh đạo và các chuyên gia của Petrovietnam đã rất “vất vả” để thuyết phục và bảo vệ quan điểm của mình. Cuối cùng, một giải pháp trung gian, dung hòa được Chính phủ chấp nhận là dạng hợp đồng hỗn hợp giữa “chia sản phẩm” và “dịch vụ” được áp dụng cho các hợp đồng dầu khí. Cũng cần nói thêm rằng, loại hợp đồng “dịch vụ” có lợi cho chủ tài nguyên, còn các công ty dầu khí phải đi làm thuê nên họ mất vị thế độc quyền kỹ thuật công nghệ để thu lợi nhuận lớn.

Ngày 29/12/1977, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30CT/TW quyết định một số chủ trương nhằm đẩy mạnh công tác dầu mỏ và khí đốt. Trong đó, nhiều quan điểm, nhiều mục tiêu vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay, ví dụ: “Vấn đề hợp tác với nước ngoài và tự lực khai thác dầu khí: Về lâu dài ta phải tiến tới tự lực. Nhưng hiện nay do khó khăn về vốn, kỹ thuật, quản lý… nên ta phải chủ động tranh thủ hợp tác với nước ngoài. Ngay từ bây giờ ta thuê dịch vụ để tự mình triển khai thăm dò và khai thác vài điểm trên đất liền và ở thềm lục địa. Phải ra sức đào tạo nguồn nhân lực. Tổng cục Dầu khí phải sớm có một đề án toàn diện về tự lực”.

Trong năm 1978, Petrovietnam đã ký các hợp đồng chia sản phẩm với Công ty Deminex (CHLB Đức) ở Lô 15, Công ty Agip thuộc Tập đoàn ENI (Italia) ở Lô 04, 12 và Công ty Bow Valley (Canada) trên các lô 28, 29 thềm lục địa Việt Nam.

Những năm sau đó, nhiều hợp đồng dầu khí với nước ngoài được ký kết, nhiều sự kiện quan trọng về tổ chức xảy ra đối với ngành dầu khí, nhiều hoạt động dầu khí được triển khai ở các vùng trong cả nước, tuy nhiên, trong số tất cả những sự kiện đó, không ai nhắc đến cái tên Đại Hùng. Tiềm năng dầu khí nơi đây tưởng chừng đã bị lãng quên...

Rất nhiều người cho rằng dầu khí sẵn dưới lòng đất, chỉ việc múc lên là có tiền. Câu chuyện sau đây về số phận Đại Hùng sẽ là lời đáp thỏa đáng nhất cho tư duy kiểu võ đoán này.

Trong chặng đường 10 năm ấy Đại Hùng đã qua tay các công ty dầu khí có tiếng tăm, có tiềm lực và kinh nghiệm nhưng không vượt qua được trầm luân. Điều đó cho thấy, khai thác dầu khí không hề dễ dàng như người ta tưởng tượng, cũng lý giải vì sao trên thế giới, không một quốc gia nào có thể tự “làm tất ăn cả” mà phải kêu gọi hợp tác đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này.

Phát hiện mỏ Đại Hùng

Để bảo đảm triển khai công việc không gây trở ngại đến hoạt động của các công ty nước ngoài, thời gian đó Thường vụ Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành ngân hàng, tài chính, hải quan, nội vụ, quốc phòng, bưu điện, hàng không dân dụng… phải cải tiến cách làm việc, phối hợp chặt chẽ để phục vụ công tác dầu khí được nhanh chóng, kịp thời. Nhưng dù phía Việt Nam đã cố gắng hỗ trợ, việc hợp tác với các công ty Deminex, Agip và Bow Valley do nhiều nguyên nhân, đặc biệt dưới sức ép của Mỹ cấm vận và sự phá hoại của các thế lực thù địch chống Việt Nam, đã không đạt được kết quả mong muốn. Giai đoạn 1979-1980 các công ty này đã bỏ dở giữa chừng và lần lượt rút khỏi Việt Nam.

TS Ngô Thường San - Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Petrovietnam là một trong những nhân chứng lịch sử đã chứng kiến những ngày tháng thăng trầm và cả những giây phút hạnh phúc khi Việt Nam khai thác dòng dầu đầu tiên. Vào thời gian đó ông giữ chức vụ Giám đốc Công ty Dầu khí II rồi sau đó làm Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và vì vậy, với trọng trách của mình, ông đã có mặt trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao trong và ngoài nước. TS Ngô Thường San khẳng định rằng, dầu khí là lĩnh vực liên quan chặt chẽ và rất nhạy cảm với các vấn đề đối ngoại, địa chính trị. Chúng ta lúc ấy vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, đất nước còn rất khó khăn... muốn có dầu, có tiền, lại mở mang được quan hệ quốc tế, cần phải hết sức linh hoạt, khôn ngoan, thậm chí phải mạo hiểm để giải những bài toán khó đầy áp lực về kinh tế, về năng lượng cho đất nước. Chúng ta cũng từng phải trả giá rất nhiều, mất mát không nhỏ do những hiểu lầm, do thiếu kinh nghiệm, do “cân đối” chưa khéo các mối quan hệ quốc tế.

so%20phan%20ky%20la%202.jpg
Giàn Đại Hùng 01

Mặc dù hợp tác với các công ty phương Tây không thành công, nhưng trong những năm tiếp xúc, đàm phán hợp đồng, làm việc với các công ty này, cán bộ Việt Nam đã có cơ hội làm quen, học tập, nắm bắt được công nghệ mới, trưởng thành rất nhiều về mặt quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Sau này nhiều cán bộ trở thành nòng cốt cho giai đoạn hợp tác đa phương khi có Luật Đầu tư nước ngoài (tháng 12/1987).

Ngày 3/7/1980, tại Điện Kremlin Mátxcơva, Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ký kết. Sau đó Hiệp định Dầu khí Việt - Xô năm 1981 Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro được thành lập là một bước ngoặt cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định, đây là một sự kiện lớn thể hiện sự hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em giúp Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này để phá thế bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và các thế lực khác do Mỹ ủng hộ chống phá Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước thời điểm này là rất cần thiết, nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn nhân dân Liên Xô, Chính phủ Liên Xô về sự kiện này.

Đến cuối năm 1985, Nghị định thư giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô-viết về việc tiếp tục phát triển hợp tác trong thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam Việt Nam được ký kết.

Như vậy là từ năm 1980 đến năm 1989, sau các ký kết hợp tác, các tàu nghiên cứu khoa học của Liên Xô là Poisk, Iskatel, Viện sĩ Gambursev, Malưgin tập trung khảo sát ở 7 lô (lô 09, 15, 16, 04, 05, 10 và 11) có triển vọng dầu khí nhất thuộc trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn (trên 50.000 km tuyến địa vật lý).

Việc phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu trong tầng chứa đá móng granitoid nứt nẻ là thành tựu khoa học và công nghệ của Petrovietnam, đi tiên phong là Vietsovpetro, đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn và là sự đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới. 3 mỏ có trữ lượng công nghiệp là Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng được phát hiện trong thời gian này được coi là sự mở màn cho kỷ nguyên dầu khí Việt Nam.

Lúc đó, Vietsovpetro tiến hành khảo sát địa chấn bổ sung và khoan 2 giếng thăm dò ở Lô 05 trên cấu tạo Đại Hùng. Giếng ĐH01 được khoan vào năm 1988 đã có phát hiện dầu khí. Giếng ĐH02 được khoan vào năm 1990 và ngày 31-8-1990 khi tiến hành thử vỉa số 02 đã phát hiện dầu khí công nghiệp.

Vào giai đoạn 1991-1992, trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga tiếp quản quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô cũ cũng đang gặp nhiều khó khăn, Petrovietnam (sau khi báo cáo và được Chính phủ cho phép) đã bàn với đối tác Nga trong Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro đưa mỏ Đại Hùng (051A) và Thanh Long (051C) vào đấu thầu quốc tế nhằm lôi kéo đầu tư nước ngoài vào sớm thăm dò, khai thác các mỏ này.

Thời kỳ 1990-1995 có thể coi là thời kỳ mà đất nước bứt phá khỏi vòng vây cô lập và cấm vận để thoát ra không gian kinh tế rộng mở mà mỗi quốc gia trong thế giới ngày nay đều cần có để phát triển.

Năm 1992, Petrovietnam đã ký được hàng chục hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế tại các vùng do Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro trả lại, trong số đó một số hợp đồng đã phát hiện ra các mỏ dầu khí có tính thương mại.

Tháng 4/1993, nghĩa là gần 20 năm sau giếng khoan của Mobil Oil, Hợp đồng dầu khí PSC Lô 05-1A Đại Hùng lần đầu tiên được ký kết với tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia), Petronas Carigali Overseas (Malaysia), PVEP (Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí thuộc Petrovietnam), Total (Pháp) và Đại Hùng Oil Development (Sumitomo - Nhật Bản) tiến hành hoạt động thăm dò và phát triển mỏ Đại Hùng.

Sau khi khoan các giếng thăm dò, giếng phát triển và mua bán cải hoán thiết bị, xử lý, minh giải tài liệu địa chấn, lắp đặt hệ thống khai thác sớm với tổng chi phí lên đến 394,35 triệu USD (cam kết tối thiểu là 178,70 triệu USD), ngày 14/10/1994, tổ hợp nhà thầu đã khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Đại Hùng. Từ thời điểm đó đến đầu năm 1996 nhà thầu đã khai thác được 7,5 triệu thùng dầu và bán được 129,9 triệu USD. Kết quả này cho thấy trữ lượng dầu khí thực tế giảm đáng kể so với tính toán kỳ vọng ban đầu.

Lúc đó, nhà thầu liên doanh vẫn chưa hoàn thành khối lượng khoan thẩm lượng theo quy định của Hợp đồng PSC tại cấu tạo Đại Hùng nhưng vì kết quả các giếng khoan không khả quan khiến họ rất thất vọng, họ cương quyết không khoan thêm nữa (mỗi giếng khoan lúc đó chi phí hàng chục triệu USD) và liên tục kiến nghị phía Việt Nam điều chỉnh lại nội dung hợp đồng. Thậm chí còn gây sức ép là sẽ phải ngừng hệ thống khai thác sớm nếu phía Việt Nam cùng các nhà thầu không thể tìm được giải pháp thích hợp.

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, giá dầu thế giới xuống thấp, hiệu quả đầu tư vào ngành dầu khí không cao, lại quá nhiều rủi ro. Cần phải biết rằng, với các hợp đồng PSC các nhà thầu bị ràng buộc bằng các cam kết đầu tư ban đầu, các điều khoản kinh tế, thương mại chặt chẽ, nếu không tính toán chính xác thì sẽ tổn thất lớn.

Do tình hình kinh tế khó khăn, nhà thầu ở Đại Hùng không muốn bỏ thêm chi phí vào thăm dò thẩm lượng nữa mà muốn “ăn non”, lấy gần hết tiền bán dầu thu được để bù vào những khoản đầu tư bỏ ra, tìm đủ mọi lý do và ra thêm các điều kiện để ép Việt Nam nhượng bộ. Tuy không muốn các nhà thầu đóng mỏ nhưng phía Việt Nam kiên quyết không chấp nhận sửa đổi các hợp đồng đã ký. Trong suốt năm 1996, ba cuộc đàm phán căng thẳng đã được tổ chức nhưng đều bế tắc.

Không chỉ vậy, trong thời điểm ấy, BHPP còn tự ý mời Công ty AMDEL và Công ty Geoservices của nước ngoài vào lắp đặt thiết bị phân tích mẫu dầu khí của mỏ Đại Hùng trái phép, vi phạm các điều khoản của Hợp đồng PSC, vi phạm pháp luật Việt Nam và nghiêm trọng hơn, BHPP đã cung cấp toàn bộ tài liệu (thuộc loại tối mật) về cấu tạo mỏ Đại Hùng cho Công ty SSI (Mỹ) trong khi chưa xin phép các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam.

Vào lúc khó khăn đó, Công ty Total (Pháp) lại quyết định rút khỏi liên doanh và đòi bán lại số cổ phần tham gia của họ, theo thỏa thuận từ trước của liên doanh tổ hợp nhà thầu, nếu không thu xếp được đối tác nhận gánh vác 10,625% hợp đồng của Total thì đương nhiên tổ hợp nhà thầu tan vỡ và hợp đồng bị chấm dứt. Tới cuối năm 1996, Petronas Carigali Việt Nam và Đại Hùng Oil Development đã đồng ý nhận lại phần vốn của Total.

Khi không đạt được mục đích trong cuộc chơi không dễ dàng này, giữa năm 1997 BHPP cũng quyết định “bỏ của chạy lấy người”, chuyển nhượng toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của mình cho Petronas Carigali. Sau khi được Chính phủ Việt Nam cho phép, từ tháng 7/1997, Công ty Petronas Carigali Việt Nam chính thức trở thành nhà điều hành dự án Đại Hùng. Petronas Carigali Việt Nam không đầu tư vào khoan thẩm lượng bổ sung mà tiếp tục duy trì khai thác tại khu vực khai thác sớm với các giếng khai thác có sẵn, họ chỉ khoan thêm một giếng và đưa vào khai thác từ tháng 10/1998 với lưu lượng ban đầu khoảng 3.000 thùng/ngày.

Tháng 2/1999, sau hơn một năm thực hiện vai trò nhà điều hành, nhận thấy việc tiếp tục dự án không mang lại hiệu quả kinh tế, nên 2 bên nhà thầu nước ngoài là Petronas Carigali và Đại Hùng Oil Development của Sumitomo đã “bó giáo đầu hàng” và xin rút khỏi Dự án Đại Hùng.

Để không làm gián đoạn quá trình khai thác mỏ, từ ngày 12/2/1999 Petrovietnam đã tạm giao cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiếp quản.

Trước tình hình các nhà thầu nước ngoài lần lượt rút khỏi Dự án Đại Hùng, ngày 26/3/1999, Petrovietnam đã trao đổi với đối tác RVO Zarubezhneft (Liên bang Nga), là đối tác nước ngoài duy nhất còn lại của Dự án Đại Hùng, về việc 2 phía tiếp tục đầu tư thăm dò và khai thác dự án này và giao cho Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro thay mặt 2 phía điều hành. Sau đó, được sự chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 5/1999 Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã chính thức điều hành mỏ Đại Hùng.

Vào thời điểm đó, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tập trung hoàn thiện bộ máy điều hành và đặt mua thiết bị thay thế, sửa chữa các thiết bị kỹ thuật, duy trì khai thác; tiếp tục khoan được 14 giếng, gồm 9 giếng khoan tìm kiếm, thăm dò và 5 giếng khai thác, 1 giếng bơm ép nước duy trì áp suất vỉa.

Tuy nhiên, bởi gặp quá nhiều khó khăn do yêu cầu đầu tư lớn, do thời tiết không thuận lợi và những rủi ro khách quan, sản lượng khai thác không thể đạt được như kỳ vọng, phía Nga khẳng định, việc tiếp tục khai thác dầu ở Đại Hùng là không hiệu quả về mặt kinh tế, chi phí khai thác dầu cao hơn doanh thu bán dầu. Lại xét thấy mỏ Đại Hùng là mỏ dầu khí nhỏ, có điều kiện địa chất rất phức tạp, ở vị trí biển có độ sâu nước lớn, hằng năm chịu ảnh hưởng mạnh của dòng chảy ngầm, nên tháng 5/2003, sau 4 năm vật lộn không thành, RVO Zarubezhneft đã xin rút khỏi Đại Hùng, bàn giao “gấu lớn khó nhằn” Đại Hùng lại cho phía Việt Nam tự quyết định.

Trong chặng đường 10 năm ấy Đại Hùng đã qua tay các công ty dầu khí có tiếng tăm, có tiềm lực và kinh nghiệm nhưng không vượt qua được trầm luân. Điều đó cho thấy, khai thác dầu khí không hề dễ dàng như người ta tưởng tượng, cũng lý giải vì sao trên thế giới, không một quốc gia nào có thể tự “làm tất ăn cả” mà phải kêu gọi hợp tác đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này.

Hôm nay, Đại Hùng vẫn ngày đêm cần mẫn vận hành toàn bộ hệ thống công trình biển hiện đại, bảo đảm khai thác liên tục dòng vàng đen cho Tổ quốc cũng như miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm lần tìm các mạch dầu ở mỏ và đưa ra các giải pháp công nghệ - kinh tế tối ưu cho dự án.

Ý chí nội lực Việt

Để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10/2003, theo đề nghị của Petrovietnam, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho PVEP thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi tiếp nhận mỏ Đại Hùng, PVEP đã được chuyển thành đơn vị hạch toán độc lập (và đến nay là Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC), đơn vị thành viên của PVEP) để việc điều hành khai thác mỏ được thuận lợi.

Ở vào thế không thể lùi được nữa, PVEP đã khẩn trương triển khai các hoạt động như khoan thăm dò thẩm lượng 2 giếng Đại Hùng 14X và 15X và thử vỉa lại giếng Đại Hùng 9X; giám sát việc sửa chữa giàn DH-01; hoàn thiện các giếng khoan khai thác 8P, 9P, 10P, 7X và 12X và đấu thầu cung cấp dịch vụ, thiết bị, vật tư, đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại từ đầu năm 2005, sản lượng khai thác của mỏ đã được nâng lên đáng kể sau khi kết nối thêm 5 giếng khai thác mới. Đến cuối năm 2009, tổng sản lượng dầu đã khai thác đạt gần 5 triệu tấn. Khoan được 11 giếng khai thác, trong đó hiện có 6 giếng đang hoạt động, khoan thêm 1 giếng bơm ép và chuyển 1 giếng khai thác sang giếng bơm ép, công tác thẩm lượng và phát triển mỏ được duy trì đều đặn theo kế hoạch.

so%20phan%20ky%20la%203.jpg
Người lao động PVEP trên giàn Đại Hùng 01

Năm 2009, Đề án phát triển tổng thể mỏ Đại Hùng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 731,821 triệu USD gồm xây lắp giàn Đại Hùng 2 (DH-02), khoan 11 giếng phát triển khai thác, xây dựng đường ống từ giàn đầu giếng về giàn DH-01, sửa chữa lớn giàn DH-01 và giao kế hoạch khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn công nghệ khai thác DH-02 vào quý IV/2011.

18 giờ 30 phút ngày 10/8/2011, ngọn đuốc trên giàn DH-02 đã bùng cháy trên mỏ Đại Hùng. Ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc đơn vị trực tiếp điều hành Dự án mỏ Đại Hùng (PVEP POC) bày tỏ: “Anh em chúng tôi không biết nói như thế nào để diễn tả niềm vui, hạnh phúc này. Bởi từ mấy tháng qua ai cũng háo hức chờ đợi giờ phút khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn DH-02. Đây là niềm tự hào của tập thể lao động ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành, làm chủ công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí vùng nước sâu của người Việt”.

DH-02 là công trình dầu khí lớn đầu tiên do chính các kỹ sư, công nhân của Việt Nam chế tạo và lắp đặt. Đây là công trình dầu khí biển đặc chủng chuyên khai thác ở vùng nước sâu xa bờ, có kích thước, trọng lượng lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để chế tạo, lắp đặt trên biển. Trong đó, việc hạ thủy chân đế giàn khoan ngoài khơi đã được áp dụng phương pháp “phóng lao” thay vì “đánh chìm” như trước đây. Dự án hoàn toàn do các công ty dịch vụ của Petrovietnam đảm trách, không phải thuê nước ngoài nên đã làm lợi cho Nhà nước nhiều triệu USD, trong đó giá chi phí quản lý, điều hành dự án chỉ bằng 1/3 so với giá phải thuê nhà điều hành nước ngoài.

Bằng bản lĩnh và sự học hỏi nhanh, các kỹ sư chế tạo của Việt Nam đã vượt qua sự kiểm định khắt khe của các hãng đăng kiểm nổi tiếng thế giới. Thành công của giàn DH-02 đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật xây lắp công trình khai thác dầu khí ở vùng biển sâu, xa bờ của lao động và các công ty dịch vụ Việt Nam.

Bên cạnh việc đưa vào khai thác giàn khoan DH-02, trước đó PVEP POC cũng đã đưa giàn nổi DH-01 vào khai thác thành công tại mỏ Đại Hùng sau khi đã tiến hành cải tạo, nâng cấp trang thiết bị. Cũng cần phải nói thêm, DH-01 vốn là một giàn khoan nửa nổi - nửa chìm cũ hoạt động tại Biển Bắc (Vương quốc Anh) từ năm 1974 được Công ty BHPP (Australia) hoán cải thành giàn khai thác nổi và kéo về lắp đặt tại mỏ Đại Hùng từ giữa năm 1994.

Tại hai giàn DH-01 và DH-02 của Đại Hùng hiện có 50 kỹ sư, công nhân Việt Nam làm việc trên 11 giếng dầu đang khai thác với tổng sản lượng dầu khoảng 14-15 nghìn thùng/ngày đêm. Thời Petronas Carigali của Malaysia điều hành Đại Hùng, sản lượng khai thác chỉ đạt mức 2-3 nghìn thùng/ngày đêm.

Có thể khẳng định rằng, bằng những nỗ lực bền bỉ và quyết liệt, đội ngũ người Việt Nam tại Đại Hùng của PVEP POC đã làm được điều mà các công ty dầu khí lớn trên thế giới không thể làm được là ứng dụng công nghệ phù hợp, linh hoạt, tối ưu nhất trong triển khai hoạt động khai thác mỏ, đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu gia tăng trữ lượng và nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Năm 2013 vừa qua, PVEP POC đã khai thác từ mỏ Đại Hùng 594.000 tấn dầu, doanh thu đạt trên 8.800 tỷ đồng (120% kế hoạch năm), nộp ngân sách Nhà nước 1.885 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.500 tỷ đồng.

Năm 2013 là năm thứ 5 liên tiếp PVEP POC hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Hoàn thành thu nổ gần 500km2 địa chấn 3D mỏ Đại Hùng phục vụ cho nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch thăm dò mở rộng và cập nhật Kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 và triển khai tiếp Dự án thu gom khí Đại Hùng, thực hiện nghiên cứu tiền phát triển các mỏ đã có phát hiện dầu khí…

Năm 2014 vừa tròn 20 năm Đại Hùng cho tấn dầu đầu tiên, kế hoạch khai thác dầu khí của PVEP POC trên mỏ Đại Hùng là duy trì khai thác tối ưu các giếng hiện hữu và tiếp tục đưa các giếng mới vào khai thác. PVEP POC đã khẩn trương hoàn thành chương trình khoan thăm dò thẩm lượng mở rộng, cập nhật mô hình và kế hoạch phát triển mỏ đảm bảo gia tăng khả năng khai thác dầu cho toàn mỏ những năm tiếp theo.

Dự án 1USD

Để khép lại câu chuyện về số phận gian truân của Gấu Lớn - Đại Hùng, xin trích đánh giá của Tiến sĩ Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng Giám đốc Petrovietnam vào cuối tháng 2/2014:

“Trong quá trình đấu thầu quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác mỏ Đại Hùng, Petrovietnam đã cung cấp cho các tổ hợp nhà thầu tài liệu địa vật lý - địa chất và kết quả khoan - thử vỉa của các giếng có phát hiện dầu khí trên mỏ (trừ tài liệu địa chấn 3D mới tiến hành khảo sát và chưa xử lý, minh giải xong) với yêu cầu các tổ hợp này phải tự đánh giá tiềm năng dầu khí của mỏ và lập báo cáo kỹ thuật tổng thể trình Petrovietnam cùng với đề xuất thương mại. Các nhà thầu quốc tế, số lượng lên đến 9 tổ hợp gồm các công ty dầu khí lớn của thế giới như Shell, BP, Total, BHPP… đã tuân thủ yêu cầu và đều đánh giá đây là một mỏ dầu khí lớn với trữ lượng có thể từ 500 đến trên 1.000 triệu thùng dầu (khoảng 70 đến trên 150 triệu tấn).

Cuộc đua vô cùng quyết liệt, hoa hồng chữ ký được chào rất cao, từ 25-80 triệu USD với các cam kết đầu tư và thương mại rất có lợi cho nước chủ nhà.

Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc kỹ và chọn tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia) - nhà điều hành, Petronas Carigali (Malaysia), Total (Pháp), Sumitomo (Nhật Bản) và PVEP (Petrovietnam) với hoa hồng chữ ký 80 triệu USD. Đây là một khoản tiền hoa hồng lớn nhất từ trước đến nay và rất cần thiết cho Việt Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, kết quả triển khai dự án không được như mong đợi và từ tháng 5/2003 các nhà thầu nước ngoài đã phải rút lui và để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư với giá tượng trưng là 1USD để Petrovietnam nhận lại toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của dự án.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Petrovietnam thông qua đơn vị thành viên là PVEP tiếp tục dự án. Tính tới nay, thời gian đã trôi qua 11 năm, dự án vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ và tiếp tục đóng góp tích cực cho Petrovietnam và nền kinh tế nước nhà. Công lao này trước tiên thuộc về những người lao động - những cán bộ, đảng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên… Việt Nam cả ở trên bờ và ngoài biển đã triển khai một cách sáng tạo cùng với sự kiên định quyết tâm của lãnh đạo Petrovietnam tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án Đại Hùng đầy khó khăn thách thức.

Hôm nay, Đại Hùng vẫn ngày đêm cần mẫn vận hành toàn bộ hệ thống công trình biển hiện đại, bảo đảm khai thác liên tục dòng vàng đen cho Tổ quốc cũng như miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm lần tìm các mạch dầu ở mỏ và đưa ra các giải pháp công nghệ - kinh tế tối ưu cho dự án. Chúng ta cần phải biết ơn tất cả những anh chị em đã không quản khó khăn, gian khổ phụng sự Tổ quốc và phấn đấu vì màu cờ sắc áo của Petrovietnam”.

Tháng 3/2014 - Petrotimes.vn
Nguyễn Tiến Dũng​

 

Việc làm nổi bật

Top