Mỹ cho thuê mỏ dầu lớn, chuẩn bị cuộc chiến giá dầu?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hơn 30 triệu ha ngoài khơi Vịnh Mexico đã được Bộ Nội vụ thông báo cho thuê để khai thác khí đốt.

Bộ Nội vụ Mỹ sẽ có hợp đồng cho thuê lớn nhất trong lịch sử tại Vịnh Mexico khi cho thuê 31,2 triệu ha để thăm dò và phát triển các nguồn năng lượng.

my-cho-thue-mo-dau-cuc-lon-o-vinh-mexico_22743786.jpg
Hôm 21/3 là phiên đấu giá đầu tiên việc cho thuê hơn 31 triệu ha ngoài khơi Vịnh Mexico - diện tích gấp đôi Florida.

Truyền thông Mỹ đánh giá, đây là một phần nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Mỹ bằng cách giảm mức thuế tài nguyên thiên nhiên, giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời mở rộng diện tích cho thuê để tăng khai thác.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, quốc gia này có thể sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ việc cho thuê ở Vịnh Mexico. Con số này chiếm khoảng 15% tổng lượng khai thác quốc gia.

Vincent DeVito, một cố vấn về chính sách năng lượng trong nước nói: "Sản xuất năng lượng của Mỹ có thể cạnh tranh. Mọi người cần việc làm, các tiểu bang của Vùng Vịnh cần doanh thu, và người Mỹ không muốn phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài".

Một số khác lại cho rằng việc cho thuê diện tích lớn bất thường như vậy là bất hợp pháp và cần được xem xét.

Chính quyền Mỹ hiện đang trông chờ việc cho thuê một phần diện tích rất lớn ngoài khơi trong thời gian tới ở Bắc Cực, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương - một ý tưởng từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của thống đốc các vùng sở hữu bờ biển ở Mỹ.

Hiện nay, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Mỹ đã phá vỡ các kỷ lục khai thác trong lịch sử.

Với năng suất hơn 10 triệu thùng mỗi ngày, Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới sau Nga và bỏ xa Saudi Arabia nhờ vào cuộc bùng nổ dầu đá phiến cùng các kỹ thuật khoan và sản xuất mới.

Vào năm 2015, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu mỏ, chính sách được áp dụng kéo dài kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.

Nắm bắt cơ hội này, các công ty năng lượng của Mỹ đã mở rộng sản xuất, xuất khẩu tới 1,1 triệu thùng mỗi ngày đến 37 quốc gia trong năm 2017.

Ngoài điểm đến truyền thống là Canada, dầu thô Mỹ cũng đang được xuất khẩu nhiều hơn tới châu Á, khu vực vốn được xem là thị trường chủ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga.

Với việc cho thuê 31 triệu ha ngoài khơi Vịnh Mexico, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hiện thực hóa dự định biến Mỹ thành nước xuất khẩu năng lượng vủa mình.

Các chuyên gia Nga chắc chắn rằng việc thực hiện các kế hoạch của ông Trump có thể dẫn đến việc giảm giá dầu thế giới hiện đang được Nga và OPEC nỗ lực điều chỉnh.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu Sergei Guriev, việc thực hiện kế hoạch của Trump chắc sẽ dẫn đến sự mất giá của đồng rúp, nhưng một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga sẽ được hưởng lợi.

"Nếu giá dầu giảm xuống dưới mức tối thiểu tính toán, khấu hao tiếp theo của đồng rúp sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế của một số lĩnh vực của thị trường Nga. Những ngành công nghiệp cạnh tranh với hàng nhập khẩu, chẳng hạn như nông nghiệp, tất nhiên sẽ giành chiến thắng." - ông Guriev nói.


Sơn Dương
Báo Đất Việt
 

Việc làm nổi bật

Top