Mỹ có vỡ nợ nếu Nga-Trung dùng dầu mỏ hạ đồng dollars?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tổng nợ của Mỹ đã vượt quá 19.500 tỷ USD và tiềm tàng khả năng lên tới 20.000 tỷ, làm dấy lên câu hỏi “liệu có ngày nào Mỹ vỡ nợ”?

Mỹ “tràn đầy hy vọng” chạm mốc nợ 20.000 tỷ USD


Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, trong tuần vừa qua, tổng số nợ công của Hoa Kỳ lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 19,5 nghìn tỷ USD, tăng so với thời điểm tháng 1 năm 2016 thêm 500 tỷ USD nữa.

Vào năm 2009 - khi ông Barack Obama lên làm tổng thống - tổng số tiền nợ các loại của Mỹ mới chỉ là 10,63 nghìn tỷ USD. Sau 7 năm, khi còn một năm nữa mới hết nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2, ông Obama đã làm khoản nợ của Mỹ phình ra, tăng gần gấp đôi.

Cho đến giữa tháng 3 năm 2017 mức tăng nợ sẽ không còn hạn chế bởi chính quyền, vì vậy, theo dự báo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, tính đến hết nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Obama, số nợ sẽ tăng lên 20 nghìn tỷ USD, một di sản không mấy vui vẻ mà người kế nhiệm phải nhận.

Mức tăng nợ kỷ lục của ông Obama còn lớn hơn so với khoản nợ khổng lồ trước đây diễn ra dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.

Washington Examiner đưa tin, vào cuối tháng 8, Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ thông báo rằng, đến cuối năm tài khóa (Mỹ tính đến tháng 9 năm 2016), tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng lên đến 77%.

Đây là mức cao nhất kể từ năm 1950, khi Hoa Kỳ tích cực chi trả các khoản nợ của Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong 10 năm tới, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng lên đến 86%, như Ủy ban dự đoán.

Trung Quốc là chủ nắm phần lớn nhất các khoản nợ với 1,244 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản (1,137 nghìn tỷ USD), quần đảo Cayman đứng thứ ba (265 tỷ USD). Nga đứng trong top 20 nước cho vay của Mỹ, sở hữu trái phiếu 86 tỷ USD - nhiều hơn cả Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

my-co-vo-no-neu-ngatrung-dung-dau-mo-ha-dong-dollars_5184109.jpg

Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, tờ The Washington Times của Mỹ lại cho rằng, hiện Mỹ đang là con nợ lớn nhất thế giới, tổng số nợ của chính quyền Liên bang Hoa Kỳ đã lên tới con số kỷ lục gần 19.500 tỷ USD, tương đương gần 105% GDP của Hoa Kỳ.

Trong đó có 13,7 nghìn tỷ USD nợ công do các công ty và cá nhân nắm giữ, còn lại khoảng 5,3 nghìn tỷ chính phủ nợ Cục dự trữ liên bang. Trong số 5,3 nghìn tỷ USD đó, 2 chủ nợ lớn nhất của Washington là Bắc Kinh và Tokyo đã chiếm tới 2500 tỷ USD.

Trước đó, vào hồi tháng 2, Washington Times cũng cho biết rằng, tính đến tháng 1/2016, tổng số nợ của Mỹ là hơn 19.000 tỷ USD, tương đương gần 103% GDP của Hoa Kỳ vào thời điểm năm 2015. Và hiện nay, số nợ của Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên không có điểm dừng.

Vào tháng 7/2015, cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Paul đã kêu gọi chính quyền Barak Obama phải tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề món nợ khổng lồ này. Nếu không, Hoa Kỳ sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế theo kịch bản kiểu Hy Lạp.

Mỹ “sống ung dung” không hề lo vỡ nợ?

Với con số nợ khổng lồ như trên, nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu có một ngày nào đó Mỹ sẽ vỡ nợ?

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế, tài chính và đầu tư đánh giá rằng, “chúa chổm Mỹ” sẽ không bao giờ sợ vỡ nợ bởi đồng USD vẫn đang thống trị toàn cầu, có mặt trong mọi giao dịch của thế giới, đặc biệt là về dầu mỏ - nguồn vàng đen chi phối nền kinh tế thế giới.

Tuy gánh khoản nợ khổng lồ lên tới hơn 19.500 tỷ USD trái phiếu chính phủ, nhưng từ trước đến nay Mỹ chưa bao giờ lo ngại tình trạng vỡ nợ. Bởi vì, Ngân hàng trung ương các nước khác trong quá trình tái đầu tư, thường lựa chọn đồng USD, chủ yếu là mua trái phiếu của Chính phủ Mỹ.

Điều đó cho phép người Mỹ vay nợ trên khắp thế giới mà không lo hậu quả cho bản thân, bởi họ có thể in tiền thêm tiền USD, vốn từ sau khi bãi bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971, đã biến thành đồng tiền “không cần đảm bảo và không bao giờ chết”.

Chừng nào tất cả các giao dịch toàn cầu vẫn còn diễn ra thông qua đồng USD và các nước trên thế giới vẫn sử dụng đồng dollars Mỹ để làm đồng tiền dự trữ quốc gia thì nhu cầu về đồng nội tệ Mỹ sẽ không bao giờ giảm sút và Washington sẽ không bao giờ lo vỡ nợ.

Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, các mối quan hệ đồng minh của Washington có khả năng chi phối cả các quy luật ngẫu nhiên của thị trường tiền tệ, tài chính và giao dịch thương mại. Và tất nhiên là siêu cường Hoa Kỳ ung dung vay nợ khắp thế giới mà không bao giờ lo vỡ nợ!

Các chuyên gia phân tích kinh tế thống nhất cho rằng, việc Mỹ vỡ nợ tuy khó nhưng không hẳn là không thể xảy ra. Nó có thể diễn ra khi Mỹ gặp phải những biến cố lớn, ví dụ như khủng bố giống vụ 11/9/2001 hay sự can thiệp của những cường quốc cạnh tranh khác.

Ngoài nguy cơ khủng bố, các chuyên gia cho rằng, nếu một ngày có một loại tiền tệ có thể thay thế đồng USD thì Mỹ sẽ vỡ nợ. Trên thế giới hiện có một số đồng tiền mạnh có thể đe dọa soán ngôi đồng dollars như đồng Bảng Anh, đồng euro hay đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc

Trong đó, Anh và Liên minh châu Âu rất khó để biến thành đối thủ của Mỹ, chỉ còn lại đồng Nhân dân tệ là rất có khả năng sẽ khiến đồng USD Mỹ ôm hận, đặc biệt là nếu nó liên kết với đồng Rúp Nga. Trong đó, Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất, còn Moscow là chủ nợ thứ 15 của Washington.

Trong thời gian qua, Nga đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng dollars trong các giao dịch của mình - trước tiên là trong lĩnh vực dầu mỏ, đồng thời mở rộng nó trên toàn thế giới để hạ bệ đồng USD. Nếu Moscow làm được điều này, Washington sẽ biến thành con nợ của chính mình.

Nga-Trung sẽ khiến Mỹ vỡ nợ?

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 29/4/2016 bình luận rằng, Moscow đã thu hút thành công thương nhân thế giới đến với sàn giao dịch dầu mỏ Urals theo chuẩn Nga, giao dịch bằng Rúp và trong tương lai là Nhân dân tệ, với mục đích nhằm hạ bệ đồng USD Mỹ.

Trên thị trường giao dịch dầu mỏ thế giới có 2 mác dầu chính là Brent (dầu mỏ Biển Bắc) và WTI (West Texas Intermediate-dầu mỏ Bắc Mỹ). Mác Brent được dùng để đánh giá khoảng 2/3 các hợp đồng "vàng đen" trên thị trường thế giới, mặc dù thị phần của nó trong tổng khối lượng khai thác nguyên liệu mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 1%.

Trước đây, để xác định giá dầu mỏ Nga vẫn đang dùng mác Brent. Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, trên sàn giao dịch hàng hóa-nguyên liệu quốc tế Saint-Peterburg, Nga đã bắt đầu tổ chức những phiên bán xuất khẩu đầu tiên với loại dầu riêng của Nga là Urals.

Bloomberg bình luận rằng, với việc từ bỏ đồng dollars Mỹ và sử dụng đồng Rúp trong giao dịch thương mại dầu, Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang hiện thực hóa “Giấc mơ thập kỷ" là thoát khỏi sự áp đặt của các nhà định giá dầu phương Tây.

Theo quan điểm của tờ báo Đức, việc tạo ra các "chuẩn Nga" dành cho dầu mỏ dầu Urals, cách cạnh tranh với một trong những loại dầu nổi tiếng nhất thế giới là dầu thô Brent sẽ có hệ quả sâu rộng đối với nền thương mại thế giới, cho đến nay vẫn tiến hành hầu như chỉ bằng USD.

Động thái này sẽ phá vỡ “cây cột chịu lực” duy trì sự thống soái trên thị trường giao dịch thương mại và tiền tệ của Mỹ. Bởi chừng nào tất cả các giao dịch còn diễn ra thông qua Brent và WTI, thì nhu cầu đối với đồng USD trên sàn giao dịch dầu sẽ không bao giờ giảm sút.

_5185156.jpg

Nợ công của Hoa Kỳ có lên tới hàng trăm nghìn tỷ cũng không gây hại cho họ nhờ sự ràng buộc của đồng USD với dầu mỏ, và nếu một ngày dầu mỏ giao dịch theo chuẩn riêng của Nga, thanh toán bằng đồng rúp hay Nhân Dân Tệ của Trung Quốc thì đồng USD sẽ bắt đầu lâm nguy.

Ngoài ra, nếu đồng rúp của Nga hay đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng thay tiền Mỹ trong các giao dịch thương mại, trong dự trữ ngoại hối, trong định giá các hàng hóa trên thế giới, thì đồng USD mới “chết” và khi đó Washington sẽ thực sự đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten đánh giá, rõ ràng bước đi này của Nga là một bộ phận trong chiến lược dài hạn, nhằm hóa giải sự phụ thuộc của nền công nghiệp dầu mỏ Nga và thế giới vào đồng tiền Mỹ. Nếu Nga thành công với chiến lược này thì Mỹ sẽ lâm nguy thực sự.

Ngoài ra, việc đồng Nhân Dân Tệ được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế của IMF và dự trữ ngoại hối toàn cầu cũng khiến Trung Quốc nhen nhóm hy vọng nó sẽ cạnh tranh và làm suy yếu đồng tiền Mỹ trong giao dịch thương mại thế giới, biến Washington thành con nợ thực sự từ đồng USD.

Thiên Nam - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top