Nga, Israel, Iran “kích nổ” cuộc chiến mới vì dầu lửa?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Hiện tại, Nga đã ký kết những hiệp định hợp tác quân sự với Lebanon đồng thời đưa các công ty năng lượng của Nga vào đấu thầu để thăm dò dầu khí tại vùng ngoài khơi của đất nước này. Điều này, có vẻ đang chọc giận Israel và có nguy cơ nổ ra một cuộc chiến mới tại Trung Đông.

Một cuộc chiến địa chính trị mới đang được định hình tại Trung Đông, không chỉ giữa Israel, Syria và Iran. Giống như mọi cuộc xung đột trong khu vực, cuộc chiến này liên quan tới các nguồn dầu mỏ và khí đốt. Vấn đề hiện tại xảy ra giữa Israel và Lebanon trong việc xác định chính xác giới tuyến của vùng đặc quyền kinh tế giữa 2 nước.

mideastlebanonpresident759_2222018.jpg

Ông Michel Aoun tổng thống Lebanon đã ký kết thỏa thuận với các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới để khai thác dầu khí ngoài khơi Lebanon.

Các nhân vật chính trong cuộc xung đột hiện tại ngoài chính phủ Israel và Lebanon là Nga, nhóm Hezbollah tại Lebanon, Syria, Iran và Mỹ ở sau màn trướng. Những cuộc tấn công mới nhất của người Israel vào các căn cứ của Iran hay những trại của người Hezbollah tại Syria có vẻ như để ngăn chặn liên kết giữa Iran với các cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở Lebanon qua lãnh thổ Syria. Tình huống trong khu vực có khả năng dẫn đến mở rộng một cuộc chiến mà không bên nào mong muốn.

Vào năm 2010, vấn đề địa chính trị của dầu mỏ và khí đột ở vùng Địa Trung Hải đã thay đổi một cách sâu sắc. Đó là khi Noble Energy - một công ty dầu mỏ Mỹ thuộc bang Texas tìm thấy nguồn khí đốt tự nhiên lớn ở ngoài khơi vùng biển phía đông Địa Trung Hải của Israel. Vùng này được gọi là Leviathan - một trong những nguồn khí đốt lớn nhất được tìm ra trong hơn một thập kỷ vừa qua. Cũng chính Noble Energy lại tìm ra những mỏ khí đốt lớn được gọi là Aphrodite ở ngoài khơi vùng Cyprus gần Leviathan của Israel.

Kể từ đó đến nay, tình trạng tê liệt về mặt chính trị tại Lebanon và cuộc chiến tại Syria đã ngăn Lebanon thăm dò những vùng dầu khí tiềm năng ở ngoài khơi. Hiện tại, hoàn cảnh đã thay đổi. Căng thẳng đã tăng cao giữa Israel và Lebanon. Nga đang tích cực can thiệp vào tình trạng ở Lebanon.

Ngày 9.2 tại Beirut, cùng với tổng thống Lebanon ông Michel Aoun, các lãnh đạo của Total, ENI và tập đoàn Novatek của Nga đã ký những thỏa thuận đầu tiên để khoan dầu khí tại khu vực ngoài khơi thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Lebanon. Sự kiện này bị Bộ trưởng Quốc phòng Israel ông Avigdor Lieberman phản đối mạnh mẽ. Ông đã gọi hành động thăm dò của Lebanon là "rất khiêu khích", đồng thời tuyên bố Lebanon đã kêu gọi các nhà thầu quốc tế đấu thầu vùng dầu khí "hoàn toàn thuộc về Israel".

Những hợp đồng năng lượng tại Lebanon chỉ ra mối quan hệ mới về quốc phòng giữa Nga và Lebanon và tính toán mới về mặt chính trị trong khu vực Địa Trung Hải.

Sự giàu có của lưu vực vùng Cận Đông

Điểm rõ ràng là sau 8 năm thăm dò tại vùng ngoài khơi của đông Địa Trung Hải, hiện tại vấn đề của khu vực là lượng dầu khí có sản lượng lớn - thứ mà cả Israel và Lebanon trước đây đều không tìm ra. Với Lebanon, tự phát triển nguồn khí tự nhiên là cơ hội trời cho. Lebanon có vấn đề về điện kể từ cuộc nội chiến năm 1975. Hiện tại, mỗi ngày đất nước này đều phải cắt giảm lượng điện sử dụng do cầu lớn hơn cung rất nhiều. Nếu thiếu nguồn dầu khí tự nhiên, Lebanon phải nhập khẩu nguồn dầu diesel đắt đỏ và mỗi năm sẽ tiêu tốn của nền kinh tế khoảng 2,5 tỷ USD.

screenshot20151019at121644pm1_2222018.png

Lebanon cũng là một nước có nợ công lớn nhất thế giới với con số lên tới 145% GDP. Cuộc chiến Syria cùng tình hình chính trị nội địa đang bế tắc khiến việc thăm dò năng lượng của Lebanon ở ngoài khơi Địa Trung Hải bị bế tắc cho đến nay.

Spectrum - một công ty Anh quốc đã nghiên cứu địa vật lý tại vùng ngoài khơi của Lebanon tại lưu vực vùng Cận Đông trong nhiều năm (bao gồm cả những nghiên cứu địa chấn 3D) đã dự đoán sản lượng dầu khí ở khu vực này có thể lên tới con số 708 nghìn tỷ m3. Việc khai thác nguồn dầu khí này có thể thay đổi hoàn toàn kinh tế của Lebanon. Cho tới nay, cuộc chiến Syria và tình trạng tê liệt về chính trị tại Lebanon đã ngăn cản việc khai thác ở khu vực ngoài khơi của nước này.

Viễn cảnh tươi sáng đã khiến cho các tập đoàn tài chính quốc tế được lãnh đạo bởi tập đoàn Pháp Total, tập đoàn Ý ENI và Novatek của Nga đã đấu thầu để có quyền khai thác. Total thông báo sẽ khoan thăm dò vùng thăm dò số 4 trong năm tới (vùng không tranh chấp) và tiếp theo sẽ thăm dò vùng số 9 (vùng tranh cãi với Israel). Total cũng nhanh chóng làm rõ việc thăm dò vùng số 9 sẽ được thực hiện cách vùng tranh cãi với Israel 24km. Nhưng Israel vẫn kịch liệt phản đối việc khoan thăm dò. Lebanon có biên giới tranh cãi về hàng hải với Israel xung quanh khu vực biển hình tam giác có diện tích khoảng 854km2. Khu vực này chiếm 3/10 vùng dầu khí.

Người Nga là "giảm xóc" cho mối quan hệ giữa Hezbollah và Israel?

Do xung đột tiềm tàng với nguồn dầu khí trong khu vực, không ngẫu nhiên khi Lebanon đóng chào Novatek một trong những công ty dầu khí lớn của Nga tham gia vào việc khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi của nước này. Chính phủ Nga cũng đã bật đèn xanh cho Bộ Quốc phòng chuẩn bị hiệp ước hợp tác quân sự bao gồm một "khuôn khổ hợp tác toàn diện" với quân đội Lebanon. Sự hợp tác này cũng bao gồm các cuộc tập trận chung và việc Nga có thể sử dụng các cảng và sân bay của Lebanon.

Hợp tác của Nga và Lebanon cũng bao gồm việc: "trao đổi thông tin quốc phòng và nâng cao khả năng an ninh quốc tế; xây dựng liên minh chống khủng bố; cải thiện hợp tác song phương về huấn luyện quân sự; xây dựng và vũ trang cũng như tập trận quân sự; trao đổi kinh nghiệm thông tin; thiết lập một cơ cấu hợp tác giữa quân đội hai nước". Trước hết đây là những điểm hợp tác chính của hai nước.

Điều này cùng với việc duy trì sự hiện diện tại các căn cứ của Nga tại Syria như căn cứ không quân ở Khmeimim hay hải quân tại Tartus là một bước đi chính của Nga để thiết lập vai trò không thể thay thế trong một khu vực mất ổn định như là một nhà điều đình hòa bình giữa các bên hay người dàn xếp khi sự tín nhiệm của Washington đã bị sụp đổ.

Thỏa thuận giữa Nga và Lebanon không phải là điều thủ tướng Israel ông Netanyahu mong muốn. Những cuộc tấn công trong không phận Syria kể từ ngày 10.2 cho thế quyết định ưu tiên của Israel trong việc phá vỡ thực tiễn là Iran-Syria-Lebanon đang tiếp tế cho Hezbollah để nhóm này có thể tồn tại ở Lebanon - điều đã được bộ 3 này thực hiện trong vài tháng vừa qua.

Israel cảnh báo ông Putin về Hezbollah

Nếu có vụ nổ súng giữa người Israel, Lebanon và Syria thì nó không đơn giản là cuộc chiến để kiểm soát nguồn dầu khí tiềm năng ngoài khơi Lebanon. Mục tiêu thật sự là nhóm Hezbollah tại Lebanon. Đây là đảng bao gồm các dân quân người Shi'a do Iran chống lưng và là một thành viên chính ở bên chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad và Nga trong cuộc chiến Syria. Nếu Lebanon thành công trong việc phát triển nguồn dầu khí ngoài khơi, họ sẽ có thể ổn định nền kinh tế, giảm thất nghiệp. Và như cách nhìn của ông Netanyahu thì điều này sẽ là yếu tố ổn định chính về mặt quyền lực cho nhóm Hezbollah ủng hộ Iran.

Trước những cuộc tấn công gần đây nhất của Israel tại Syria, báo chí Israel đã có những tiêu đề gây khiêu khích như phiên bản tiếng Anh của tờ Jerusalem Post: "5 lý do để Israel chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến với Hezbollah tại Lebanon". Vào tháng 9 năm ngoái, IDF - lực lượng phòng vệ Israel đã mô phỏng một trận chiến với Hezbollah. Trong đó, IDF đã chuyển từ vị trí phòng thủ sang tấn công và triển khai những kế hoạch quân sự thiết kế cho khu vực phía nam Lebanon.

Tháng 11 năm ngoái, một mặt trận thứ 2 của Israel chống lại Hezbollah có thể đề cập tới là khi thái tử và vị vua tương lai của Ả rập Xê-út ông Mohammed bin Salman đã bất ngờ triệu tập thủ tướng Lebanon - Saad Hariri tới Riyadh để động một tuyên bố từ chức được chuẩn bị từ trước. Trong tuyên bố, ông Hariri cảnh báo trừ phi Hezbollah chấm dứt việc hỗ trợ các lực lượng chống Ả rập Xê-út tại Yemen cũng như ngừng tham gia vào các đội quân ủng hộ chế độ tổng thống Assad, còn nếu không Ả rập Xê-út sẽ tăng thêm các lệnh trừng phạt kinh tế với Lebanon như với Qatar. Điều này sẽ phá hủy nền kinh tế của Lebanon khi họ phải dựa vào 400.000 người Lebanon lao động ở vùng Vịnh và gửi về nền kinh tế nước nhà mỗi năm 8 tỷ USD.

Sau chuyến thăm bí mật của thủ tướng Netanyahu tới Riyadh năm ngoái thì Israel đang trong mối quan hệ rộng mở với thái tử Ả rập bin Salman cùng với Washington ở sau màn trướng để chống lại Iran và ảnh hưởng của người Iran tại Syria cũng như Lebanon và Yemen.

Với những tuyên bố thù địch với Iran cũng như sự khiêu khích bằng tuyên bố đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của chính quyền tổng thống Trump, cuộc chiến thứ ba tại Lebanon của Israel với sự chống lưng của Mỹ và các lệnh trừng phạt kinh tế của Ả rập Xê-út cùng lý do tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngoài khơi của Lebanon, cuộc chiến có khả năng sẽ lao thang ra khỏi vùng Trung Đông. Bằng sự hiện diện quân sự trực tiếp tại Syria cũng như khai thác năng lượng tại Lebanon, Nga có thể là tấm chắn duy nhất cho cuộc xung đột lớn nổ ra tại Trung Đông.

Sự leo thang nguy hiểm trong các cuộc tấn công của Israel vào Damascus và vụ Syria bắn rơi máy bay chiến đấu F-16 của Israel (máy bay đầu tiên của Israel rơi kể từ năm 1982) cùng sự đáp trả không cân xứng của lực lượng Israel với các mục tiêu tại Syria cho thấy sức nóng trong toàn bộ khu vực. Giống như Ghassan Kadi viết cho Blog Saker với một phân tích kỹ càng về tình hình khu vực: "Sự leo thang giữa Syria và Israel không phải là mào đầu cho một cuộc chiến lớn hơn. Không ai muốn một cuộc chiến. Không phải ở thời điểm hiện tại khi mọi bên đều nhận thức được những tổn thất họ sẽ phải chịu. Israel vẫn đang thử đối thủ ở khu vực ngoài khơi, thử khả năng phòng không của Syria và hơn hết thử khả năng của Nga trong việc giải quyết các vấn đề và xác định tạo ra một cán cân quyền lực tại Trung Đông". Những dòng này được viết ra khi Israel bắn hạ máy bay không người lái của Iran và Syria bắn rơi F-16 của Israel. Người Israel đã thăm dò khả năng của Nga và Iran trong việc đáp trả lại các hành động của họ.

Khả năng của Nga để ngăn chặn các lực lượng khỏi một cuộc chiến toàn diện vẫn chưa rõ ràng. Nhưng quyết định của người Nga ký kết hợp hiệp định hợp tác quân sự với Lebanon cũng như cùng lúc đưa các công ty năng lượng Nga trúng thầu để thăm dò dầu khí tại khu vực ngoài khơi của Lebanon không phải là một quyết định tức thời. Đây là một nước cờ có tính toán tại một vùng đất phức tạp nhất trên thế giới. Hy vọng Nga có thể ngăn chặn được chiến tranh.

viettimes.vn
 

Việc làm nổi bật

Top