Nga nên bán ngân hàng để chống đỡ giá dầu thấp

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Gaidar ở Moscow (Nga), Bộ trưởng Alexei Ulyukayev cho hay giới chức Nga nên xem xét ý tưởng cắt giảm số cổ phần mà nhà nước đang nắm giữ trong hai ngân hàng lớn nhất quốc gia là Sberbank và VTB. Ông Ulyukayev cho rằng có nguy cơ giá dầu sẽ ở mức thấp trong thời gian dài, có thể là “nhiều thập kỷ”.

Chính phủ Nga đang nắm giữ cổ phần đa số 60,9% trong ngân hàng lớn thứ nhì VTB và sở hữu 50% cổ phần cùng cổ phần có quyền biểu quyết trong ngân hàng lớn nhất nước Sberbank. Việc Nga cần xem xét bán cổ phần cho thấy khó khăn mà nước này phải đối mặt giữa tình hình giá dầu rẻ.

Nga bước vào suy thoái từ năm 2015, sau khi giá dầu sụt giảm sâu và các biện pháp trừng phạt quốc tế có hiệu lực. Sberbank từ chối bình luận về thông tin trên nhưng nhấn mạnh ý kiến mà giám đốc điều hành ngân hàng này đưa ra trong một buổi phỏng vấn với tờ Handelsblatt hồi tháng 11. Khi đó, sếp Sberbank đưa ra tín hiệu về sự chấp thuận ngầm cho kế hoạch tư nhân hóa, cho hay đây sẽ là động thái “cải thiện đáng kể tình hình của chúng tôi”. Ngân hàng VTB hiện chuẩn bị cho một thông báo trong thời gian tới.

taixuong_JNBY.jpg

Chuyên gia Chris Weafer thuộc hãng Macro-Advisory nhận định ý kiến của Bộ trưởng Kinh tế Nga gia tăng suy đoán cho rằng việc tư nhân hóa các tài sản nhà nước sẽ diễn ra. “Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn chung có thể muốn làm vậy… song nhiều quan chức cao cấp tại các công ty nhà nước lớn có thể cản trở được kế hoạch bán”, ông Weafer nói.

Cũng tại diễn đàn Gaidar diễn ra hôm 13.1, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov dự báo dầu sẽ có giá rẻ trong thời gian dài hơn. Ông Siluanov cho biết thâm hụt ngân sách nhà nước vào khoảng 2,6% GDP trong năm 2015 và ông sẽ xem xét lại ngân sách vì giá dầu thấp.

Ngân sách Nga cân bằng khi giá dầu là 82 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức cận 30 USD/thùng mà dầu Brent và WTI chạm đến trong những ngày vừa qua. Để chống đỡ tình hình này, ông Siluanov cho hay sẽ đề xuất cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách.

Nga không phải là nước duy nhất hiện tìm cách giảm thiểu tác động của giá “vàng đen” lên ngân sách. Sáu quốc gia sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh (Ả Rập Xê Út, Kuwait, Bahrain, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đang có kế hoạch lần đầu tiên áp dụng thuế giá trị gia tăng.

Khi giá dầu sắp rơi xuống mốc tâm lý quan trọng 30 USD/thùng hôm 12.1, có thông tin cho hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ tổ chức họp khẩn vì một số thành viên yêu cầu thay đổi chiến lược. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - thành viên OPEC - bác bỏ thông tin trên và cho biết sẽ không có sự thay đổi nào về sản lượng dầu kỷ lục của OPEC.

Theo: Báo Thanh Niên​
 

Việc làm nổi bật

Top