Nga sẽ nối lại Dòng chảy phương Nam vì khát tiền?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các quan chức Nga thừa nhận có khả năng Dòng chảy phương Nam sẽ được khôi phục.

Ngày 18/3, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết cần "xem xét chi tiết" tuyên bố trước đó cùng ngày của Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Vygaudas Usackas, rằng Brussels sẵn sàng thảo luận đề xuất khôi phục dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam".

Ông Peskov nói rằng dự án Dòng chảy phương Nam đã bị đình hoãn do quan điểm của Ủy ban châu Âu (EC) và hiện cơ quan này vẫn chưa thay đổi quan điểm.

Trước đó, Đại sứ Usackas tuyên bố EU sẵn sàng thảo luận "các đề xuất cụ thể" nếu có, để khôi phục dự án Dòng chảy phương Nam.

Ông Usackas cho rằng do EU không phải là bên ngừng thực hiện dự án nên họ không phải khôi phục dự án. Ông Usackas cũng nói trong trường hợp được nối lại, dự án phải tuân thủ tất cả các yêu cầu pháp lý của EU.

Ngày 16/3, đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov thừa nhận khả năng khôi phục Dòng chảy phương Nam.

Ông cho biết: "Theo quan điểm khách quan, theo quan điểm về nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt Nga, triển vọng này là có".

Tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam có công suất chuyển tải thiết kế 63 tỷ m3 khí đốt, đi ngầm dưới Biển Đen, từ trạm nén khí Beregovaya ở Nga đến bờ biển Bulgaria. Việc hủy bỏ dự án được Nga công bố ngày 1/12/2014. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, nguyên nhân quyết định này là do quan điểm của EU dường như đã buộc Bulgaria đình chỉ dự án trên phần lãnh thổ nước này.

Không có Dòng chảy phương Nam đồng nghĩa với việc Moscow mất đi nguồn lợi từ việc bán 63 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm sang châu Âu. Trong khi đó, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là dự án thay thế Dòng chảy phương Nam cũng đã phải ngừng lại do căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Ankara bắn rơi máy bay Su-24 của Moscow vào tháng 11 năm ngoái.

Kể từ tháng 6/2014, giá dầu đã lao dốc khoảng 70% do tình trạng cung vượt cầu cũng như những quan ngại về viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Giá dầu giảm mạnh trong năm ngoái chủ yếu do sản lượng dầu của Mỹ “bùng nổ” và OPEC muốn đẩy mạnh xuất khẩu để bảo vệ thị phần.

Giá dầu giảm khiến kinh tế các nước vốn coi xuất khẩu dầu làm nguồn thu ngân sách chủ yếu lao đao, trong đó có Nga. Một nửa doanh thu của Nga đến từ tiền thuế dầu mỏ và khí đốt. Trong năm 2015, Nga đã phải cắt giảm ngân sách quốc phòng gần 4% và dự kiến sẽ giảm 5% vào năm 2016 do tình hình kinh tế đất nước.

nga-se-noi-lai-dong-chay-phuong-nam-vi-khat-tien_191028275.jpg

Thiếu tiền cũng khiến Nga phải cắt giảm 30% ngân sách liên bang chi cho chương trình vũ trụ. Điều này khiến Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) phải trì hoãn dự án phóng tàu vũ trụ có người lái lên Mặt Trăng thêm 5 năm, từ năm 2030 lui xuống năm 2035, đồng thời hủy kế hoạch nghiên cứu công nghệ sản xuất tên lửa tái sử dụng.

Cũng bởi đang khát tiền nên dù giá dầu xuống thấp, sản lượng dầu thô của Nga vẫn cao kỷ lục và nước này vẫn cần bán dầu. Giá dầu càng thấp thì Nga càng phải bán ra nhiều hơn để duy trì doanh thu, lấy số lượng bù vào giá giảm. Tháng 2/2016, Nga và Saudi Arabia đạt thỏa thuận đóng băng sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng 1/2016 nhằm giữ ổn định thị trường dầu mỏ thế giới nhưng sản lượng này cũng đang ở mức cao kỷ lục với 10,9 triệu thùng/ngày.

Bởi thế, nguyên nhân Nga tuyên bố xem xét nối lại dự án Dòng chảy phương Nam có lẽ một phần xuất phát từ việc quốc gia này đang thiếu tiền. Ngoài ra, điều này cũng là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Nga và châu Âu đang dần được cải thiện. Hôm 14/3, ngoại trưởng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ nhằm thảo luận và xem xét lại mối quan hệ với Nga vốn bị phủ bóng đen do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng EU "cần có cách giải quyết rõ ràng đối với mối quan hệ với Nga trong tương lai," khẳng định liên minh này cần duy trì mối quan hệ với Moscow trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị châu Âu.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, từng là Ngoại trưởng Italy, bà Federica Mogherini và Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius cũng nhận định đã đến lúc cần có "cái nhìn khác" và "đúng đắn" đối với mối quan hệ EU-Nga.

An Nhiên - Báo Đất Việt (Tổng hợp)​
 

Việc làm nổi bật

Top