Nga tăng bán dầu cho châu Á, cạnh tranh quyết liệt với OPEC

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các nhà sản xuất dầu của Nga đang nâng cao vị thế tại châu Á khi cung cấp gần ¼ lượng dầu thô cho châu lục này trong năm 2015.

Hưởng lợi từ việc rúp giảm giá và hệ thống đường ống mới đi vào hoạt động, Nga đã thế chân Iran trở thành 1 trong 5 nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho châu Á, với khối lượng bán tăng 23% lên 1,3 triệu thùng/ngày trong 11 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Reuters dựa vào thông tin hải quan.

Tỷ trọng của Nga trên thị trường dầu thô lớn nhất thế giới này - châu Á - đã tăng lên 7,3% từ 4,7% trong 5 năm trước và cho thấy nỗ lực “thu hút” các nước châu Á như Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mang lại kết quả tích cực và giúp ngành dầu khí của Nga giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống như châu Âu.

Nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc và Hàn Quốc tăng mạnh nhất. Do thuận lợi về vị trí địa lý gần gũi với những nước tiêu thụ dầu thô ở Bắc Á, Nga có thể xuất khẩu dầu thô bằng các tàu chở dầu đi qua Đảo Sakhalin và qua hệ thống ống dẫn dầu trực tiếp đến Trung Quốc hoặc qua cảng Kozmino của Nga trên Biển Nhật Bản (Sea of Japan).

Một lợi thế khác của Nga là rúp mất giá hơn 50% so với USD kể từ giữa năm 2014, giúp kéo giảm chi phí sản xuất trên thị trường dầu thô quốc tế giao dịch bằng đồng bạc xanh.

newsimage-1-newsimage-1-avd43214-25795.jpg

Trong số các nước thành viên OPEC, Iraq đang là kẻ chiến thắng, tăng nguồn cung dầu thô sang thị trường châu Á thêm ¼ nhờ sản lượng kỷ lục và mạnh tay giảm giá bán - làm trầm trọng thêm cuộc chiến giá dầu trong nội bộ OPEC.

Việc “bành trướng” của Nga và Iraq trên thị trường dầu thô châu Á trong năm 2015 đã phần nào kìm hãm đà tăng trưởng của Arab Saudi và khiến chiến lược bơm thêm dầu để giành thêm thị phần của thành viên lớn nhất OPEC không đạt kết quả như mong đợi.

Trong phiên họp hồi tháng 11/2014, OPEC - dẫn đầu là Arab Saudi - đã quyết định không giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu mà tiếp tục duy trì mục tiêu sản lượng kỷ lục để giành và giữ thị phần trước sự cạnh tranh của các nước sản xuất khác như Nga hay Mỹ.

Emril Jamil, nhà phân tích cao cấp tại Thomson Reuters Oil Research & Forecast, cho rằng, chiến lược này của OPEC có thể không thể kéo dài nhất là khi Nga liên tục “bành trướng” trên thị trường dầu thô châu Á.

Tuy Arab Saudi đã thành công trong việc giữ được thị phần trên thị trường dầu thô châu Á trong năm 2014 và vẫn là nước cung cấp hàng đầu cho thị trường này khi xuất khẩu tăng 2,7% trong 11 tháng đầu năm 2015 lên 4,2 triệu thùng/ngày, song số liệu của OPEC cho thấy, doanh số bán dầu của Arab Saudi sang châu Á đạt đỉnh 4,59 triệu thùng/ngày trong năm 2013.

Trong khối OPEC, Iraq đã vượt Kuwait trở thành nước cung cấp dầu thô lớn thứ 3 sang thị trường châu Á, chỉ sau Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Xuất khẩu dầu thô của Iraq sang Ấn Độ tăng 1/3 lên trên 600.000 thùng/ngày, gần bằng xuất khẩu sang Trung Quốc khi các nhà máy lọc dầu như Reliance Industries tăng mua vào và khi Ấn Độ quyết định tiến hành dự trữ dầu chiến lược.

Theo: Nhịp Cầu Đầu Tư​
 

Việc làm nổi bật

Top