Nga thắng trên chiến trường dầu mỏ?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nga không cần cắt giảm quá nhiều dầu khi đang đạt đỉnh ở mức 11,231 triệu thùng mà chỉ ra tay khi muốn thể hiện bình ổn thị trường dầu mỏ.

Business Insider cho rằng, thỏa thuận giảm khai thác dầu mỏ của OPEC đã chính thức được ký kết, khiến giá dầu vượt ngưỡng 50 USD/thùng, và các chuyên gia tin rằng giá dầu sẽ còn tăng trong năm tới.

Giám đốc điều hành ngân hàng VTB (Nga) Andrey Kostin cho biết, điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ là quốc gia được lợi nhiều nhất. Nguyên nhân là bởi thỏa thuận trên sẽ khiến giá dầu tăng lên, giúp lợi nhuận xuất khẩu của Nga được cải thiện, đồng thời giá đồng ruble cũng sẽ tăng lên.

Đặc biệt là khi Nga đã đạt mức 11,231 triệu thùng, mức cao nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã, họ không cần phải giảm bớt quá nhiều số thùng dầu được sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodtsov cho biết, Nga chỉ phải giảm bớt 300.000 thùng/ngày mà họ đã thống nhất để giúp OPEC bình ổn thị trường dầu mỏ.

Theo nhà kinh tế học người Nga Natalia Orlova, bản dự thảo ngân sách năm 2017 của Nga khẳng định rằng giá dầu ít nhất sẽ đạt mức 40USD/thùng trong năm tới, và cứ 1 USD cao hơn ngưỡng này đồng nghĩa với việc Nga sẽ thu về khoảng 2 tỉ USD.

Ông Pavel Sorokin, Giám đốc Trung tâm phân tích, thuộc Bộ Năng lượng Nga, nhận định trong bối cảnh các nước OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cùng thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, sẽ giúp đẩy giá dầu tăng, và nguồn thu ngân sách của Nga có thể sẽ tăng đến 600 tỷ ruble (khoảng 9,3 tỷ USD).

Giới chuyên môn ước tính nguồn thu từ dầu mỏ của Nga trong năm 2017 sẽ tăng khoảng từ 9-19 tỷ USD.

Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, tỉ lệ thâm hụt ngân sách của Nga trong năm 2016 ước tính sẽ vào khoảng trên 3% trong trường hợp giá dầu giảm xuống dưới 50USD/thùng. Điều này có rất ít khả năng xảy ra, do đó tỉ lệ thâm hụt ngân sách gần như chắc chắn sẽ vào khoảng dưới 3%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tin rằng về lâu dài, các công ty dầu mỏ của Nga sẽ mất đi một thị phần quan trọng bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường “vàng đen” thế giới.

Phân tích của công ty dịch vụ tài chính Société Générale chỉ ra rằng việc giảm sản lượng của OPEC sẽ có ảnh hưởng rất khiêm tốn đến nguồn cung dầu mỏ năm tới. Điều này là do dự trữ dầu mỏ trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang ở mức rất cao do các nước đã tận dụng giá dầu rẻ trong suốt 2 năm qua để tích trữ.

nga-chien-thang-tren-chien-truong-dau-mo_9733291.jpg

Thêm vào đó, theo nhận định của các chuyên gia Oxford Economics, thì nhu cầu dầu thô trên toàn cầu hiện thời là thấp, nên việc cắt nguồn cung cũng không thể đẩy giá dầu qua ngưỡng 60 USD/thùng, ít nhất là cho đến cuối năm 2018.

Hơn nữa, trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ tạo động lực cho các nhà khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ tăng cường sản xuất. Các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ cũng đang có những điều kiện thuận lợi khi chi phí sản xuất cận biên liên tục giảm. Một khi những hãng này mở rộng khai thác tăng nguồn cung cấp dầu, giá dầu sẽ tự động điều chỉnh xuống mức thấp hơn.

Các hãng lọc dầu ở châu Á thì lo ngại việc giá dầu tăng cao sẽ làm giảm lượng cầu và lợi nhuận hơn là việc OPEC cắt giảm sản lượng, vì họ có thể tìm nguồn cung khác.

Ông Zhang Liucheng, Phó chủ tịch Tập đoàn Hóa dầu Dongming, hãng lọc dầu lớn nhất ở Trung Quốc, cho ví dụ, những nhà máy dọc dầu độc lập của Trung Quốc thường mua dầu từ Nam Mỹ và Tây Phi. OPEC giảm sản lượng chủ yếu xuất phát từ Ảrập Xêút và các đồng minh Trung Đông của họ như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Kuwait, những nước mà các hãng lọc dầu Trung Quốc ít nhập, nên tác động sẽ nhỏ.

Đối với bất kỳ động thái tăng giá dầu đáng kể nào, “việc có tác động đến nhu cầu dầu mỏ của các hãng lọc dầu Trung Quốc hay không chúng tôi sẽ cần quan sát lượng cầu trong nước đối với nhiên liệu tinh chế. Lượng cầu này hiện không lớn và tăng chậm hơn”, ông Zhang nói.

Ngọc Dương - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top