Ngôi vị không ai muốn giữ trong thị trường dầu mỏ

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là nước giữ vững vị trí nhập khẩu số một. Năm ngoái, Trung Quốc lần đầu vượt lên lúc nhu cầu ngày càng tăng và sản xuất dầu đá phiến Mỹ làm lu mờ những chuyến hàng nhập khẩu. Quốc gia châu Á trông sẵn sàng để trở thành trung tâm trong thế giới nhập khẩu dầu thô.

Sau đó, dầu thô 30 USD/thùng xuất hiện. Các hãng dầu khí Mỹ đóng cửa nhiều giàn khoan nhất trong lịch sử hiện đại, sản xuất bắt đầu giảm và nhập khẩu lại tăng lên. Các doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc cũng hạ sản lượng, giữ nhu cầu ngày càng tăng. Giờ đây, Mỹ và Trung Quốc ở trong trạng thái “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

“Tôi không nghĩ rằng có nước nào lại muốn khoe về chuyện nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới. Ai có thể lo lắng hơn nữa khi các cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra? Ai dễ bị tổn thương trước những sự gián đoạn nguồn cung, vấn đề địa chính trị hay chủ nghĩa dân tộc tài nguyên?”, chiến lược gia John Driscoll của hãng JTD Energy Services ở Singapore nói với hãng tin Bloomberg.

Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên là nỗ lực của những nước giàu tài nguyên, với mục đích để các công ty nội địa và quốc doanh của họ có quyền kiểm soát kinh tế, chính trị trong các ngành khai thác mỏ và năng lượng. Đây là yếu tố góp phần xúc tác việc giá dầu và các hàng hóa cơ bản đi lên.

shutterstock_256233727_0_KCQF.jpg

OPEC cần khách mua để làm giảm đợt dư thừa nguồn cung khiến giá dầu sụt giảm một nửa từ mức cách đây hai năm. Dầu Brent được giao dịch ở 47,93 USD/thùng hôm nay 17.6 ở London, Anh.
Mỹ nhập khẩu 8,04 triệu thùng dầu/ngày hồi tháng 3, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA).

Đây là số dầu nhập khẩu lớn nhất kể từ tháng 8.2013, hơn lượng dầu Trung Quốc nhập vào 330.000 thùng cùng kỳ. Sản lượng dầu Mỹ giảm 5,9% từ mức đỉnh vào tháng 4.2015, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động 80% giàn khoan dầu của nước này kể từ tháng 10.2014.

Dầu nhập khẩu vào Mỹ gia tăng sau nhiều năm giảm vì đợt bùng nổ sản xuất dầu đá phiến. Đại lục đẩy mạnh nhập khẩu lên gấp bốn lần kể từ đầu năm 2015, trở thành nhà tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ nhì thế giới. Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu hơn Mỹ lần đầu tiên vào tháng 4.2015, sau đó là tháng 2.2016.

Sản lượng dầu Đại lục giảm mạnh nhất trong 15 năm qua vào tháng 5 vì các nhà sản xuất, từ PetroChina đến Cnooc đều ngưng hoạt động các giàn khoan không đem lại lợi nhuận. Chuyên gia nghiên cứu dầu khí Gordon Kwan tại Nomura Holdings cho biết sản lượng thấp hơn khiến Đại lục gia tăng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Đông và Nga.

“Tôi không nghĩ rằng Mỹ vượt Trung Quốc liên tục, đặc biệt là khi các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang có nhu cầu dầu thô cao, bền vững”, chuyên gia kinh tế Amrita Sen thuộc Energy Aspects nhận định.

Thu Thảo - Báo Thanh Niên​
 

Việc làm nổi bật

Top