Nguy cơ căng thẳng ở Biển Đông liên quan kế hoạch khai thác dầu khí của Philippines

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giới truyền thông nhận định rằng tình hình ở Biển Đông có thể sẽ nóng lên một cách đáng kể liên quan hoạt động khai khác dầu khí của Philippines, sau khi Tòa trọng tài ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết trong vụ kiện do nước này đứng nguyên đơn bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.

Theo báo Gazeta.ru, Philippines dự định bắt đầu vận hành các mỏ khí đốt trên thềm lục địa gần quần đảo Trường Sa. Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye, Trung Quốc vẫn cho rằng khu vực này là của họ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa phát động cuộc chiến tranh nếu hoạt động khoan dầu mỏ diễn ra trên vùng biển tranh chấp.

Reuters cũng dẫn lời người đứng đầu Bộ Năng lượng Philippines Ismael Ocampo tuyên bố hoạt động tại Bãi Cỏ rong trên Biển Đông có thể “sẽ gia tăng đáng kể từ nay cho tới tháng 12”.

Theo đánh giá của giới khoa học, ước tính Bãi Cỏ rong có chứa lượng dầu mỏ và khí đốt đáng kể. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, trong khu vực Bãi Cỏ rong có trữ lượng dầu mỏ khoảng 5,4 tỷ thùng và khí đốt có thể lên tới 55,1 nghìn tỷ mét khối. Ông Ocampo từng tuyên bố tại khu vực này có tới hơn 20 mỏ khai thác và tháng 12 năm nay có thể sẽ tiến hành đấu thầu quyền khai thác.

Vấn đề ở chỗ Trung Quốc cho rằng vùng nước Bãi Cỏ rong và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc sở hữu của nước này. Trung Quốc đang xây dựng các các hầm chứa tên lửa, radar và các thiết bị khác trong hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự tại đây. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng kể từ vài năm trước khi mà Manila quyết định đòi chủ quyền ở Bãi Cỏ rong.

Các hoạt động khai thác tại vùng nước Bãi Cỏ rong đã bị đóng băng từ hồi năm 2014 sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài. Phán quyết của tòa này hồi tháng 7/2016 ủng hộ Manila, song Trung Quốc không công nhận và không thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài.

Thời gian gần đây, quan hệ Philippines-Trung Quốc bắt đầu được cải thiện. Tuy nhiên, các kế hoạch sắp tới của Philippines lại có thể dẫn đến những căng thẳng kế tiếp. Bà Evfrasiya Teylor, nhà phân tích của Công ty Bảo hiểm Verisk Maplecroft, trả lời phỏng vấn CNBC nhận định: “Manila hy vọng vào những kết quả tốt hơn, nhưng những hy vọng này có thể bị Trung Quốc cản trở”.

legazpi-1.jpg

Tập đoàn năng lượng Philippines PXP Energy nằm trong số các công ty hoạt động tại vùng nước Bãi Cỏ rong đã ngừng hoạt động từ năm 2014. Theo bà Teylor, “khả năng tiếp tục khai thác có thể sẽ gây sốt, mặc dù các công ty cũng rất ngại hoạt động trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc”.

Ngoài ra, theo CNBC, quyết định tiếp tục khai thác dầu khí cũng liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng của Manila, đặc biệt là sau khi khu vực dầu mỏ Malampayskoe, cũng nằm trong vùng Biển Đông, đang bắt đầu cạn dần. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2024, Malampayskoe sẽ cạn.

Tình hình cũng có thể diễn biến theo một kịch bản khác. Đó là Philippines có thể có được sự đồng ý của Trung Quốc để hoạt động ở Bãi Cỏ rong, trong trường hợp thay đổi quan điểm về chủ quyền trên Biển Đông để nhận lại quyền khai thác dầu khí. Hiện nay, Philippines đang làm việc về dự án Thỏa thuận khung với các quốc gia có tranh chấp trong khu vực để bắt đầu tiến hành khai thác. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho biết Bộ này đang lên kế hoạch đạt được một số sự thống nhất nhất định với các quốc gia láng giềng.

Ông Petr Moziac, Phó Giáo sư kinh tế thế giới thuộc trường Kinh tế cao cấp, nói: “Theo phán quyết của Tòa Trọng tài, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn vùng Biển Đông đã bị bác bỏ. Philippines tất nhiên không đồng tình với các yêu sách của Trung Quốc và ý định bắt đầu khai thác tại vùng Bãi Cỏ rong là để khẳng định quan điểm của họ. Mặc dù mối quan hệ có chút nồng ấm hơn nhưng những tranh chấp lãnh thổ cho tới nay vẫn chưa được giải quyết”.

Tuy nhiên, ông Moziac tin rằng mối quan hệ Trung Quốc-Philippines không xấu đi một cách nghiêm trọng. Ông Moziac nhận định mối quan hệ Manila-Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể trong những tháng qua. Theo đó, Tổng thống Duterte đã tiến hành những bước đi nhằm xoa dịu tình hình và làm giảm mức độ đối đầu mà đỉnh điểm là quá trình xét xử ở La Haye năm ngoái.

vietnamplus.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top