Nhà máy xăng sinh học nghìn tỷ: Từ “đi trước đón đầu” đến ngừng hoạt động

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) từng cho biết chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học mang tính “đi trước, đón đầu”, đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất Bio-Ethanol đặt tại Bắc, Trung, Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Nhà máy nghìn tỷ "hấp hối"

Lãnh đạo CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BRS-BF) cho biết, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất phải tạm dừng hoạt động do chi phí sản xuất cao khiến giá thành phẩm cao hơn giá thị trường dẫn tới thua lỗ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành xăng sinh học E5 không thể cạnh tranh được với xăng RON 92, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng sinh học cũng là lý do được dẫn ra khiến nhà máy từng phải sống “thoi thóp” sau một thời gian dài và đóng cửa, dừng hoạt động.

xang-sinh-hoc_uwqp.jpg

BSR- BF được thành lập với 3 cổ đông sáng lập là 3 đơn vị thành viên của PVN bao gồm Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco), Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).
Dự án nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất có tổng mức đầu tư 2.219 tỷ đồng, công suất của nhà máy đạt 100 triệu lít ethanol/năm.

Ngoài Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất do BSR- BF khai thác, vận hành, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng là thành viên nắm cổ phần chính tại Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF), CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB).

Cụ thể, CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) được thành lập vào ngày 27/12/2007 trên cơ sở vốn góp của PV Oil, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và một số cổ đông khác xây dựng nhà máy sản xuất ethanol tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng với công suất 100 nghìn m3 ethanol tuyệt đối/năm (99,7%).

Trong khi OBF được thành lập ngày 14/05/2009, hợp tác giữa PV Oil 51% vốn và Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản (49%) đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất ethanol tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất 300 nghìn lít/ngày.

Thông tin trên website PV Oil cho thấy, năm 2012, lãnh đạo PVN cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đối với vấn đề an ninh năng lượng, PVN đã xây dựng chiến lược mang tính “đi trước, đón đầu”.

“Việc phát triển nhiên liệu sinh học là một trong các mục tiêu nằm trong Quy hoạch phát triển ngành dầu khí và là một hướng phát triển đặc ưu tiên đặc biệt. Mục đích của Chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học của PVN đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025 là phát triển nhiên liệu sinh học đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập của nông dân, đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của PVN trong việc thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời và phát triển của ngành công nghiệp mới mẻ và đầy triển vọng”, lãnh đạo PVN từng cho biết.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, dự án Ethanol nguyên liệu sinh học Tam Nông từ cuối năm 2011 đã dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng tạm thời đóng cửa, thuê lực lượng bảo vệ, bố trí một số người bảo dưỡng.

Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước sau gần 2 năm thi công đã đi vào chạy thử nghiệm nhưng khi xăng sinh học ethanol được sản xuất ra lại không có nơi tiêu thụ, công nhân nghỉ việc, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động.

Như vậy, việc nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất phải hoạt động cầm chừng, sống “thoi thóp” từ tháng 4/2015 cũng không khiến dư luận quá bất ngờ.

Bên cạnh 3 nhà máy sản xuất ethanol của PVN kể trên, cả nước còn 4 dự án là Nhà máy sản xuất ethanol Đại Tân - CTCP Đồng Xanh, Nhà máy sản xuất ethanol Đại Việt, Nhà máy sản xuất ethanol Đăk Tô, Nhà máy sản xuất ethanol Tùng Lâm cũng trong tình cảnh tương tự.

Đề xuất ưu đãi thuế

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay có 5 doanh nghiệp tổ chức sản xuất, pha chế xăng E5 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S, Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

Xăng E5 đã được kinh doanh tại 7 tỉnh mục tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và bước đầu mở rộng ra các địa phương khác.

Mặc dù chưa thừa nhận những khó khăn các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đang đối mặt song trong thông tin báo chí hồi cuối năm 2015, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện một số giải pháp.

Trong đó đáng lưu ý là đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất ethanol, cơ chế về giá cho E100, giá thuế các loại đối với E5.

Đồng thời đưa ra giải pháp các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành cơ chế bắt buộc sử dụng xăng E5 đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

NGUYỄN THẢO - Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top