Nhọc nhằn nghề khoan biển lấy dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Những người lao động dầu khí trên giàn khoan ngoài biển khơi đang ngày đêm đương đầu với sóng to gió lớn, hiểm nguy rình rập để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế và bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Để có những thùng dầu thô và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, những người lao động dầu khí đang ngày đêm âm thầm, lênh đênh giữa sóng gió trùng khơi, chấp nhận làm việc trong những môi trường khắc nghiệt nhất, thậm chí nhiều người trong số họ còn phải đánh đổi cả hạnh phúc riêng tư.

Môi trường lao động khắc nghiệt

Mỏ Chim Sáo nằm ở vùng nước sâu xa bờ do Premier Oil điều hành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp 15% cổ phần trong công ty liên doanh khai thác dầu khí.

173637_thumb-img-2269-1024.jpg

Nếu không được tận mắt chứng kiến những người lao động làm việc ngoài giàn khoan PV Drilling VI mỏ Chim Sáo, chắc khó ai có thể hình dung được sự nhọc nhằn của nghề bám biển khoan dầu này.

Nắng rát, mưa sa, tiếng ồn đinh tai nhức óc, mùi dung dịch hóa chất khoan nồng nặc, nguy cơ nhiễm phóng xạ, tai nạn lao động luôn rình rập là những gì dễ thấy đối với nghề khoan biển hút dầu.

Trong khi đó, một ngày làm việc trên giàn khoan theo thông lệ quốc tế chỉ được chia làm 2 ca, mỗi ca kéo dài 12 tiếng liên tục và chỉ được nghỉ khoảng 10 - 15 phút giữa giờ để uống nước, giải lao và nửa tiếng cho ăn trưa hoặc ăn đêm luân phiên.

Đặc biệt, với những người làm việc trên giàn khoan, tập trung cao độ để hoàn thành chính xác từng thao tác trong dây chuyền công việc là yêu cầu đầu tiên bởi chỉ không tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình công việc hoặc quy định về an toàn lao động giàn khoan thì tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhẹ thì dập tay, dập chân, hỏng mắt do mạt sắt và hóa chất bắn vào. Nặng thì rơi xuống biển khi trèo lên các bậc cầu thang dốc đứng, chênh vênh ngoài biển khơi. Điển hình như trường hợp một công nhân ở giàn khai thác khác đã tử nạn chỉ vì không đi giầy đặc chủng khi di chuyển trên bậc thang trơn dầu mỡ. Chẳng thế mà Phó Trưởng phòng quản lý các hoạt động khoan PVN Trương Hoài Nam luôn nhắc nhở đoàn chúng tôi đi găng tay bảo hộ, bám hai tay vào lan can khi di chuyển trên cầu thang.

Tại khu vực sàn khoan - khu vực được coi là “trái tim” của toàn bộ giàn khoan dầu khí, dưới ánh đèn đêm sáng rực, kíp thợ khoan gần chục người đang khẩn trương lắp các dụng cụ khoan siêu trường siêu trọng vào vị trí để chuẩn bị khoan giếng dầu vào sáng hôm sau.

Sau khi choòng khoan được thả qua miệng giếng khoan, khẩu lệnh di tản được kíp trưởng ngồi trong phòng điều khiển khoan (trên giàn khoan gọi là chuồng chó) phát ra nhằm giúp công nhân di chuyển cách xa 3 m phục vụ công đoạn đưa nguồn phóng xạ vào vị trí.

Ngay khi khẩu lệnh kết thúc, kỹ sư phóng xạ Nguyễn Tiến Quỳnh bắt đầu mở hòm chứa, dùng gậy chuyên dụng khéo léo đưa nguồn phóng xạ vào vị trí của thiết bị phía trên choòng khoan dưới sự chứng kiến của giám sát Phạm Nguyễn Thành Khoa.

173755_la-p-thie-t-bi-khoan-.jpg

Thao tác càng nhanh thì nguy cơ nhiễm phóng xạ càng giảm. Tuy nhiên, yêu cầu vẫn phải đảm bảo đúng quy trình, chính xác và không được để xảy ra bất cứ sai sót nào, kỹ sư phóng xạ Nguyễn Tiến Quỳnh chia sẻ.

Mỗi một giếng khoan, thông thường đôi bạn trẻ Quỳnh và Khoa thường phải lắp 3 lần phóng xạ như vậy vào bộ dụng cụ khoan. Việc đưa phóng xạ vào bộ dụng cụ khoan giúp thu nhận các thông tin chính xác về các vỉa chứa dầu khí dưới lòng đất, từ đó điều hướng mũi khoan đi đúng mạch dầu và các chỉ huy kíp khoan có được những quyết định đúng đắn.

Công việc lắp đặt dụng cụ khoan kết thúc thì cũng đã 12 giờ đêm. Mặc dù trời khá lạnh, gió thổi ù tai, nhưng trên khuôn mặt của kíp thợ trẻ vẫn ướt đẫm mồ hôi.

Lương giảm theo giá dầu

Làm việc ngoài giàn khoan không chỉ nặng nhọc, nguy hiểm rình rập mà cũng đồng nghĩa với việc phải “cách ly” gia đình, người thân và không có ngày nghỉ cuối tuần trong suốt 1 tháng.

Bác sỹ giàn khoan PV Drilling VI Tô Bửu Dân cho biết, hầu hết mọi người làm việc trên giàn khoan dầu khí ngoài biển đều có những vấn đề nhất định về tâm sinh lý.

Do áp lực công việc rất nặng trong suốt 12 tiếng, cuối ngày lại lủi thủi một mình về căn phòng nhỏ bé không sóng điện thoại, không internet và phương tiện giải trí hạn chế nên hầu hết anh em trong tuần cuối cùng trên giàn (tuần “đèn đỏ” theo cách gọi của bác sỹ Dân) thường căng thẳng và rất dễ nổi nóng.

Còn giám sát an toàn trên giàn khoan Nguyễn Quang Nhật chia sẻ, anh đã có 5 mối tình “dứt áo ra đi” chỉ vì nghề bám biển lấy dầu này không cho phép anh có thời gian ở bên cạnh chăm sóc người yêu.

Đồng cảm với các kỹ sư trẻ giàn khoan, giám sát khoan Trần Thanh Long của Nhà điều hành Premier Oil Vietnam - người đã lăn lộn với hàng chục giàn khoan dầu khí ngoài biển cho biết, tình trạng anh em làm việc ngoài giàn khoan thời nay bị vợ hoặc người yêu bỏ khá phổ biến bởi đi biển cả tháng trời không có thời gian chăm sóc được người thân, trong khi tiền lương cũng hạn hẹp.

Thực tế từ đầu năm 2015 đến nay khi giá dầu giảm xuống, lương của người lao động trên giàn khoan cũng bị cắt giảm từ 40 - 50%.

174004_hai-ky-su-pho-ng-xa-sau-khi-hoa-n-tha-nh-la-p-pho-ng-xa-.jpg

Ví như lương công nhân khoan (thực tế là kỹ sư) Nguyễn Văn Công, sinh năm 1984, quê Hưng Yên, công việc hàng ngày phải trèo lên, trèo xuống tháp khoan cao 60 m hàng chục lần với mức khoảng 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, khi lên bờ lương chỉ còn hơn 6 triệu đồng/tháng và các khoản phụ cấp trước kia khi giá dầu cao đều bị cắt sạch. Vì vậy, tính trung bình lương công nhân khoan chỉ khoảng 13 triệu/tháng.

Mức lương của nhân viên phục vụ trên giàn khoan như nhà bếp, giặt là, công nhân kéo cáp còn thấp hơn, chỉ bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng, giám sát khoan Trần Thanh Long cho biết.

Bám biển để khẳng định chủ quyền

Mặc dù điều kiện lao động khắc nghiệt, nguy hiểm luôn rình rập và mức lương là thế, nhưng những người lao động dầu khí làm việc ngoài các giàn khoan trên biển vẫn vững vàng vượt lên đầu sóng ngọn gió để bám biển khoan dầu mang lại nguồn thu cho đất nước.

Kể từ khi chính thức đưa vào khai thác thương mại năm 2011, đến nay mỏ Chim Sáo vẫn đóng góp quan trọng cho sản lượng khai thác dầu khí chung của toàn PVN với hơn 8 triệu thùng dầu thô/năm.

Bằng việc bám biển, triển khai hiệu quả và an toàn các công trình giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, các đơn vị thành viên của PVN như Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) không chỉ góp phần mang lại giá trị kinh tế quan trọng cho đất nước mà còn đóng vai trò “chốt tiền tiêu”quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo Tổng Giám đốc PVDrilling Phạm Tiến Dũng, Tổng Công ty thường xuyên quản lý vận hành khoảng 6 giàn khoan sở hữu, mỗi giàn khoan có khoảng 110 người làm việc.

Vì vậy, sự hiện diện các giàn khoan của PVD trên biển với ngọn đuốc luôn rực sáng và lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới chính là điểm tựa quan trọng cho ngư dân đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

Chia tay đoàn chúng tôi, giám sát an toàn Nguyễn Quang Nhật cho biết, Tết này anh lại không được ở nhà sum họp như 4 cái Tết trước. “Buồn lắm, nhưng việc đã chọn người rồi nên phải cố gắng hoàn thành tốt. Đến giờ ở ngoài biển riết, khi lên bờ lại nhớ biển, nhớ giàn khoan cồn cào bởi không biết tự bao giờ nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình”./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
 

Việc làm nổi bật

Top