Petrovietnam bán Nhà máy xơ sợi PVTex 7.000 tỷ: Ai mua?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
“Chúng ta phải chấp nhận chịu thua lỗ để bán PVTex còn hơn phương án ôm lấy và tiếp tục gây ra thiệt hại, thất thoát tiền của cho nhà nước”.

Bằng mọi giá, phải bán...

Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) cho biết đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020.

Đặc biệt, PVN nhấn mạnh sẽ bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) Hải Phòng nếu như tìm được đối tác phù hợp.

pvn-muon-ban-nha-may-xo-soi-7.000-ty-ai-mua_3637349.jpg

Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng trong bối cảnh khó khăn như PVTex hiện nay, đây là lựa chọn phù hợp để tìm cách cắt giảm thua lỗ.

“Chuyện tái cơ cấu ngành thì đương nhiên phía PVTex muốn làm nhưng trách nhiệm như thế nào mới quan trọng. Tôi cho rằng quan trọng ở đây ai là người mua, giá bán sẽ như thế nào để phù hợp và hơn hết khi thua lỗ thì ai là chịu trách nhiệm?

Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Nếu cái nào kinh doanh thua lỗ cũng nghĩ đến việc bán đi thì không thể được. Đó sẽ là tiền lệ xấu”, PGS.TS Bình nhận định.

Trong khi đó, TS Phạm Quang – Viện trưởng Viện kế toán – Kiểm toán – Trường đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, khi PVTex có ý định bán Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thì cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng dựa trên các phân tích: số tiền đầu tư vào đó là bao nhiêu và giá trị lợi nhuận khi tái đầu tư.

“Phải xem xét rất cụ thể về năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng tiêu thụ khi tính đến phương án bán ra. Bây giờ nếu mua PVTex về rồi bán hết cơ sở vật chất đi thì chả để làm gì và cũng không giải quyết được vấn đề giá trị doanh nghiệp.

Một cơ sở vật chất nếu trước đầu tư 100 bây giờ bán lấy 1 thì bán được nhưng như vậy nhà nước mất nhiều quá.

Việc tập đoàn dầu khí PVN đầu tư vào đây rồi khai thác, hoạt động không hiệu quả nên bây giờ bán cũng rất khó”, TS Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS Quang cho rằng, việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy xơ sợi tại Hải Phòng sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Thậm chí càng kéo dài bao lâu thì tổn thất nhà nước phải chịu càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy quan trọng vào thời điểm này cần đánh giá đúng giá trị doanh nghiệp để đưa ra giá bán hợp lý nhằm cắt lỗ.

“Chúng ta phải chấp nhận chịu thua lỗ còn hơn phương án là ôm lấy nó và tiếp tục gây ra thiệt hại, thất thoát. Chúng ta tưởng tượng khi có ung nhọt thì phải cắt đi, nếu cứ để cũng không tốt.

Phải bán bằng mọi giá để những nhà kinh doanh có kế hoạch khôi phục lại nhà máy, sản xuất chứ bình thường. Ở đây tôi nghĩ, cần đánh giá chính xác giá trị doanh nghiệp tức là khả năng sinh lời của nó.

Nếu chúng ta cứ bám lấy giá trị kế toán, tức là đầu tư vào đấy không chịu mất mà yêu cầu bán cao hơn hoặc bằng giá trị kế toán thì không bao giờ bán được”, TS Quang nêu quan điểm.

Từ lập kế hoạch đến lựa chọn công nghệ đều có vấn đề

PGS.TS Bùi Quang Bình đánh giá, tình trạng trì trệ và thua lỗ hiện nay tại nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một việc đáng buồn. Bởi lẽ từ ý tưởng ban đầu, PVTex được kỳ vọng sẽ giúp nội địa hóa ngành dệt may, cung cấp xơ sợi cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chỉ đi vào hoạt động một thời gian ngắn, nhà máy này đã liên tục thua lỗ, hàng sản xuất ra không bán được và thậm chí hiện nay phải đắp chiếu.

Lý giải điều này, PGS. TS Bình khẳng định, 2 vấn đề cốt lõi ở đây là khâu lập kế hoạch đầu tư và lựa chọn công nghệ từ phía Việt Nam có vấn đề.

“Chủ trương thì tôi cho rằng rất đúng, nhưng cách làm của chúng ta phải xem xét lại. Rõ ràng quản lý đầu tư công của chúng ta kém nên không thể nào xử lý các vấn đề sau khi nhà máy đi vào sản xuất.

Từ khi lập kế hoạch đầu tư cho đến lựa chọn công nghệ, nhà thầu rồi giám sát thực thi đều có vấn đề.

Theo tôi, công nghệ Trung Quốc không phải là kém. Ngay cả Trung Quốc, với công nghệ đó, hàng hóa sản xuất ra vẫn bán được. Vấn đề là tại sao chúng ta lựa chọn của Trung Quốc nhưng lại kém và hàng hóa phải đắp chiếu như vậy?

Không đồng tình với quan điển trên, TS Phạm Quang cho rằng cần nhìn lại vấn đề quy hoạch vùng cũng như công nghệ ban đầu khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy xơ sợi Hải Phòng.

“Chúng ta phải có công nghệ hiện đại thì mới mong sản xuất được hàng hóa tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn ở đây chúng ta sử dụng công nghệ cũ. Đương nhiên vẫn sản xuất được nhưng hàng hóa bán ra thị trường giá thành cao, không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Tiếp theo là khi tiến hành xây dựng, đầu tư thì Việt Nam lại có tư tưởng cá nhân ở trong đó. Chúng ta thích lựa chọn công nghệ giá rẻ hơn là công nghệ hiện đại, để đễ dàng cho những toan tính cá nhân, nhằm trục lợi.

Cũng cái nhà máy đó, cũng số tiền đó nếu tư nhân mà đầu tư thì tôi cho rằng chắc chắn lãi. Bởi vì tư nhân chả bao giờ họ đội giá lên cả", TS Quang nói.

Quy trách nhiệm cá nhân đến cùng

Trước ý kiến lo ngại, với làn sóng đầu tư mạnh của Trung Quốc vào ngành công nghệ dệt nhuộm Việt Nam, đối tác tìm đến PVN có thể là các doanh nghiệp Trung Quốc, TS Quang cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc có nhiều lợi thế về vốn, thị trường tiêu thụ, nhân công giá rẻ, nguyên liệu sản xuất nên các doanh nghiệp nước này có nhiều lợi thế hơn các công ty trong nước hay các đối tác nước ngoài khác. Tuy nhiên, để tránh những thua thiệt có thể gặp phải sau này, Việt Nam nên có những quy định ràng buộc rõ ràng, cụ thể.

“Tự chúng ta hiểu cần cái gì ở nhà máy này và đặt ra các tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn như đảm bảo môi trường, phải sử dụng lao động trong nước, hướng kinh doanh phải rõ, chỉ được sản xuất sợi thôi chẳng hạn.

Chúng ta đặt ra các yêu cầu như thế rồi đấu thầu. Trên cơ sở đó nhà thầu Trung Quốc hoặc nước nào đó trúng thì triển khai dự án. Tất cả cần rõ ràng, minh bạch như vậy”, TS Quang nói.

Bên cạnh đó, TS Quang thừa nhận, nhà máy Xơ sợi Đình Vũ dường như đang lặp lại kịch bản của dự án Gang thépThái Nguyên giai đoạn 2. Để hạn chế những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai, theo vị chuyên gia cần phải thay đổi tư duy và tiến hành quy trách nhiệm cá nhân đến cùng.

“Chúng ta cần thay đổi cả quy trình và cả cơ chế. Với cơ chế quản lý như hiện nay, nếu nhà nước cứ đầu tư vào lĩnh vực gì tôi cho rằng chỉ có thua lỗ. Nguyên nhân chính là vì trách nhiệm cá nhân không rõ.

Chẳng hạn như với PVTex, nếu đúng thì người ra quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, chúng ta cũng không dễ dàng quy trách nhiệm được ngay như vậy. Bởi lẽ ra được quyết định này thì còn có cả sự đồng ý của cấp trên cao hơn, của cả tập thể. Khi vấn đề được đưa ra lấy ý kiến số đông thì khó quy ai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Vì vậy, nếu nhà nước đầu tư thì phải tự làm chủ. Quản lý trên cơ sở của các ông chủ tư nhân để đưa ra kết hoạch cụ thể về lãi về lợi ích doanh nghiệp”, TS Quang nhận định.

“Bán được là tốt”

Đó là khẳng định của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas với Đất Việt xung quanh việc PVN muốn bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ.

Theo ông Cẩm, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ kéo dài như hiện nay của PVTex, thì việc tìm đối tác để bán đi, tránh thiệt hại cho nhà nước là cần thiết.

“Chắc chắn bán sẽ không dễ dàng. Bán thì đương nhiên phải giá rẻ vì giá trị làm sao như những doanh nghiệp đang phát triển tốt được. Cái gì cũng có hai mặt của nó”, ông Cẩm nói.

 

Việc làm nổi bật

Top