Phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam [Kỳ 1]

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Trong quá trình phát triển chung của xã hội, "nguồn nhân lực" là yếu tố quan trọng nhất có tầm ảnh hưởng sâu rộng mang tính chất quyết định đối với sự phát triển của mỗi ngành nghề, lĩnh vực trong một quốc gia. Đây được coi là "nhân tố chủ yếu", chi phối đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhân tố này mang ý nghĩa vô tận nếu chúng ta biết bồi dưỡng, khai thác, sử dụng hợp lý. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, phần lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về những doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao... Đối với ngành có tính chất đặc thù như Dầu khí Việt Nam thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết hơn.

Đại hội VI của Đảng năm 1986 xác định "muốn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế" và "một đặc điểm nổi bật của thời đại là cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất và đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa các lực lượng sản xuất". Kể từ đây Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, tư duy hội nhập quốc tế được hình thành.

dau-khi-1510840490583-67-8-539-848-crop-1510840500322.jpg

Năm 1995, Việt Nam gia nhập các nước Asian, sự kiện này được xem như dấu mốc quan trọng chính thức ghi nhận Việt Nam chính thức tham gia hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. Song, nếu hiểu "hội nhập quốc tế" là một quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn bó giữa các nước với nhau, qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực, dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, nguồn lực, quyền lực, giá trị… thì có thể thấy ngành Dầu khí Việt Nam đã có những bước đi từ rất sớm và trước tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bằng việc ký kết thành lập Liên doanh dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh dầu khí Việt - Nga) vào ngày ngày 19 tháng 11 năm 1981.

Quá trình hội nhập quốc tế của ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với mục tiêu gia tăng trữ lượng, phát hiện thêm nhiều mỏ dầu khí mới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng và xuất khẩu. Để cụ thể hoá mục tiêu này, ngành Dầu khí Việt Nam (cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đã triển khai và thực hiện có hiệu quả hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí trên tất cả các vùng lãnh thổ của đất nước và nước ngoài, thông qua các hợp đồng PSC, JOC, BCC..., hoạt động tự đầu tư, tự điều hành tìm kiếm thăm dò. Đã có nhiều phát hiện dầu khí quan trọng, cho phép nâng cấp thành mỏ và nhanh chóng được đưa vào khai thác công nghiệp bằng các công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao sản lượng, tăng hệ số thu hồi.

Ngoài việc thăm dò - khai thác dầu khí trong nước, ngành Dầu khí Việt Nam còn có chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Tính đến hết năm 2014, PVN đã có 28 dự án thăm dò khai thác dầu khí tại 17 quốc gia trên toàn thế giới. 17 dự án đang hoạt động tại 13 quốc gia, gồm: 9 dự án tìm kiếm, thăm dò, 8 dự án phát triển khai thác. Các dự án tập trung chủ yếu tại những khu vực có tiềm năng dầu khí như: Liên bang Nga, các nước SNG, Trung Đông, Bắc và Trung Phi, Mỹ La tinh và các nước Đông Nam Á. Các dự án này đều được ký kết với các đối tác tin cậy là các công ty dầu khí quốc gia và các tập đoàn dầu khí mang tầm thế giới như: Zarubenheft, Gazprom (Liên bang Nga), Petronas (Malaixia), Pertamina (Inđônêxia), PTTEP (Thái Lan), Exxon Mobil, Conoco Phillip (Hoa Kỳ), PDVSA (Vênêduêla), Sonatrach (Angiêri).

Bằng nỗ lực của mình và sự hợp tác quốc tế hiệu quả, trong nhiều năm, ngành Dầu khí Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước, là một trong những đơn vị có tỷ trọng đóng góp cao cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, năm 2008 đóng góp cho ngân sách Nhà nước của ngành Dầu khí Việt Nam chiếm tới 29,2%.

Cùng với phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhân lực của ngành Dầu khí Việt Nam theo đó cũng gia tăng nhanh chóng, với con số khiêm tốn khoảng 2000 năm 1975 thì con số này tới năm 2016 vào khoảng 60.000 người. Theo số liệu năm 2011, cơ cấu trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 40%, cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 50%, còn lại là lao động khác. Tỷ lệ này cho thấy lao động của ngành dầu khí được đào tạo hệ thống và có trình độ cao hơn so với mặt bằng chung. Điều này cũng phù hợp với đòi hỏi có tính chất đặc thù của các chuyên ngành dầu khí.

Cơ cấu ngành, nghề của ngành Dầu khí Việt Nam khá đa dạng, với hàng trăm ngành nghề khác nhau. Các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí như: địa chất, địa vật lý, khoan, khai thác, lọc hoá dầu, vận chuyển và tàng trữ, chế biến, kinh doanh các sản phẩm dầu khí vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ này có xu hướng giảm từ 17,2% năm 2006 xuống còn dưới 10% năm 2011 do có sự thay đổi và gia tăng mạnh mẽ của nhóm ngành kỹ thuật, dịch vụ - đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử, kinh tế, tài chính… do sự phát triển mạnh của các hoạt động thuộc khâu sau, khối dịch vụ dầu khí, tài chính, bảo hiểm…

Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ thay đổi tăng do từ năm 2013, theo đề án tái cấu trúc, PVN thoái vốn ở nhiều lĩnh vực đầu tư và tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính đó là:

1/ Thăm dò khai thác dầu khí.

2/ Lọc - hóa dầu.

3/ Công nghiệp khí.

4/ Công nghiệp điện.

5/ Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Trong đó, thăm dò, khai thác dầu khí vẫn được xem là cốt lõi. Có thể nói đây là những lĩnh vực ngành nghề gồm những chuyên ngành đặc thù, nhiều rủi ro, đòi hỏi hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, vì vậy, rất cần nguồn nhân lực có trình độ với chất lượng tương xứng.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy ngành Dầu khí Việt Nam đã, đang phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai tích cực cả trong nước và nước ngoài, công tác tìm kiếm, thăm dò có thêm nhiều phát hiện dầu khí mới. Công tác kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được đẩy mạnh đáng kể, nhiều hợp đồng dầu khí mới tại một số khu vực nước sâu, xa bờ đã được ký kết.

Đối với các mục tiêu chiến lược đầu tư ra nước ngoài, ngành Dầu khí Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu khả quan đóng góp vào việc gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác nhằm đảm bảo được an ninh năng lượng, cũng như từng bước khẳng định được vị thế của Dầu khí Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Cùng với sự phát triển, hàng năm, ngành Dầu khí Việt Nam cần tuyển mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình, trong đó chủ yếu là nhân lực trình độ cao để làm chủ các kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong môi trường làm việc quốc tế - thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển của Ngành đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015.

KỲ 1: TỔNG QUAN QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP VÀ HOẠT ĐỘNG NGÀNH NGHỀ DẦU KHÍ

NHÓM TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT:
PGS, TS. LÊ HẢI AN - HIỆU TRƯỞNG
TS. NGUYỄN THẾ VINH - TRƯỞNG KHOA DẦU KHÍ
PGS, TS. TRẦN ĐÌNH KIÊN - TRƯỞNG BỘ MÔN KHOAN - KHAI THÁC
TS. PHẠM VĂN TUẤN - TRƯỞNG BỘ MÔN ĐỊA CHẤT DẦU KHÍ
PGS, TS. PHAN THIÊN HƯƠNG - TRƯỞNG MÔN ĐỊA VẬT LÝ
TS. LÊ ĐỨC VINH - TRƯỞNG BỘ MÔN THIẾT BỊ DẦU KHÍ VÀ CÔNG TRÌNH
PGS, TS. NGUYỄN ANH DŨNG - TRƯỞNG BỘ MÔN LỌC HÓA HÓA DẦU

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Phạm Thanh Hà, Hội nhập quốc tế Việt Nam - Quá trình phát triển nhận thức, thành tựu trong thực tiễn và một số yêu cầu đặt ra, Học viện chính trị khu vực 1, Hà Nội, 03/2017.

2. TS. Lê Xuân Vệ, Nhân lực dầu khí Việt Nam: Năng lực và tiềm năng sáng tạo, PVN, 05/2015.

3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Báo cáo thường niên các năm từ 2010 đến 2015.

4. Ban chủ nhiệm khoa Dầu khí - Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Báo cáo tổng kết công tác đào tạo tại Hội nghị Cán bộ viên chức, năm học 2013 - 2014, 2015-2016.

Đón đọc kỳ tới: Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành dầu khí

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM​
 

Việc làm nổi bật

Top