PVN nói gì về phương án xử lý các dự án yếu kém?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đối với các dự án sản xuất nhiên liệu ethanol tại Bình Phước và Dung Quất, PVN và các nhà đầu tư đã có phương án quyết tâm ngày 1/1/2018 sẽ cho ra sản phẩm.

Ngay trước thềm buổi làm việc với Chính phủ về xử lý các dự án yếu kém chiều 6/9, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về các phương án mới nhất để giải quyết các dự án tồn đọng này.

173315_pvn.jpg

BNEWS/TTXVN: Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân chính khiến 5 dự án của PVN hoạt động yếu kém và các dự án này đang ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khả năng tài chính của Tập đoàn?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Trong 5 dự án yếu kém của PVN có 3 dự án nhiên liệu sinh học (Phú Thọ, Dung Quất, Bình Phước); dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (là tài sản do Vinashin chuyển giao cho PVN) và dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ.

5 dự án này đã được đầu tư và triển khai xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2010. Ngoại trừ dự án ethanol Phú Thọ, các dự án khác đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì bị thua lỗ, một số dự án đã bị hết vốn chủ sở hữu.

Nguyên nhân là do vốn đầu tư cho dự án này quá lớn dẫn đến giá thành sản xuất bị đội lên cao. Thêm vào đó, các dự án sản xuất tại thời điểm không thuận lợi về thị trường, về mặt chính sách thuế nhập khẩu. Điều đó dẫn đến hiệu quả của các dự án này không như dự báo ban đầu.

Ví dụ như với dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, giá nguyên liệu đầu vào của các dự án ethanol chiếm tới 70% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá sắn hiện nay cao gần gấp đôi so với giá sắn ban đầu khi lập báo cáo đầu tư.

Ngoài ra, giá dầu giảm làm cho giá sản phẩm đầu ra là ethanol cao, khả năng cạnh tranh kém. Giá thành ethanol tại thời điểm giá dầu thấp còn cao hơn giá xăng. Vì vậy, sản phẩm ethanol không cạnh tranh nổi với xăng. Tất cả những điều đó làm cho sản phẩm không mang lại hiệu quả so với tài sản đã đầu tư.

Theo đó, các dự án này về mặt kinh tế đang là gánh nặng đối với Tập đoàn, đồng thời gây ảnh hưởng không tốt đối với hình ảnh, uy tín, thương hiệu PVN.

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém, PVN đang tập trung xử lý các dự án yếu kém, triển khai các giải pháp để cắt lỗ và có thể sắp tới triển khai có hiệu quả.

BNEWS/TTXVN: Chính phủ đã chỉ đạo PVN phải hoàn tất phương án xử lý 5 dự án thua lỗ này để năm 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn và 2020 hoàn thành dứt điểm. Vậy đâu là phương án khả thi nhất để xử lý các dự án này thưa ông?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: PVN đang quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ. Đối với các dự án sản xuất nhiên liệu ethanol tại Bình Phước và Dung Quất, PVN và các nhà đầu tư đã có phương án quyết tâm ngày 1/1/2018 sẽ cho ra sản phẩm. Tại thời điểm 1/1/2018, chính sách thay thế toàn bộ xăng khoáng RON92 bằng xăng sinh học E5 RON92 của Chính phủ có hiệu lực nên là điều kiện thuận lợi để dự án sản xuất trở lại.

PVN cũng đã tìm được các đối tác trong nước lo vốn lưu động và các chi phí khác để dự án trở lại hoạt động, do vậy không cần phải bỏ thêm vốn nhà nước vào dự án nữa.

Cu thể, với Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF), chủ đầu tư đang triển khai đào đất xây hồ cigar để xử lý triệt để vấn đề nước thải. Đồng thời, BSR-BF và các cổ đông đã lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác kinh doanh vận hành nhà máy.

Chủ đầu tư cũng đã phát hành thư mời hợp tác vận hành sản xuất kinh doanh. Hiện nay, có 3 nhà đầu tư đang quan tâm là Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, Công ty TNHH Tùng Lâm và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap).

Với Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF), Tổ công tác chuyên trách của PVN đã cùng PVOil trực tiếp khảo sát tại nhà máy và làm việc với Chủ đầu tư OBF và cổ đông Toyo (Thái Lan), Licogi 16.

Qua khảo sát và làm việc với các đối tác cho thấy các bên có mong muốn tiếp tục vận hành nhà máy khi có hiệu quả và hiện là thời điểm thuận lợi để xem xét khởi động lại nhà máy. Đặc biệt là đối tác Thái Lan mong muốn các bên cùng tính toán phương án khởi động lại để xem xét.

Trong quá trình khảo sát thực tế, Tổ công tác chuyên trách của PVN đã chỉ ra một số điểm có thể giảm chi phí như cải tiến giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, giá sắn, công tác quản trị, tính khấu hao và yêu cầu PVOil tính toán thêm và làm việc với các đối tác để trình PVN báo cáo Bộ Công Thương phương án chạy lại đảm bảo có E100 vào tháng 1/2018.

Sau khi tính toán lại và làm việc với Công ty Tùng Lâm cho thấy, mặc dù phương án chạy lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn nhưng đã bù được biến phí và một phần đáng kể định phí (chưa tính khấu hao lại, chưa tính cơ cấu lại khoản vay với ngân hàng).

Ngày 24/8/2017, các cổ đông của OBF (PVOil, Toyo, Licogi 16) đã tổ chức họp hội đồng thành viên mở rộng của OBF có mời Công ty Tùng Lâm tham dự để xem xét, đánh giá phương án vận hành lại Nhà máy.

Tại cuộc họp, đại diện các cổ đông đã nhất trí phương án vận hành lại Nhà máy và xác nhận sẽ làm các thủ tục cần thiết để tiếp tục góp vốn để OBF có kinh phí sửa chữa, cải hoán kỹ thuật nhằm đưa Nhà máy vào vận hành.

Trong năm 2018, PVOil và các cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất cho OBF, tương đương tối đa 91,346 tỷ đồng bằng cách ứng trước tiền mua sản phẩm E100 của OBF và/hoặc làm việc với nhà cung cấp để ứng trước nguyên liệu sắn lát đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Đối với dự án ethanol Phú Thọ (PVB), do đây là dự án dang dở nên với định hướng hiện nay của Chính phủ là tìm cách chuyển nhượng cổ phần hoặc bán tài sản. Chúng tôi đã tìm được một số đối tác tiềm năng để triển khai theo hướng định giá để bán tài sản đó.

Hiện Công ty Mepcom Offshore and Marine Pte đề xuất hợp tác theo hướng Mepcom và đối tác chiến lược sẽ mua lại cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại PVB để cung cấp vốn theo mô hình Xây dựng-Sở hữu-Vận hành (BOO). Ngoại trừ PVOil vẫn duy trì vốn góp và sẽ là cổ đông cùng với Mepcom và đối tác chiến lược tại Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ.

Cùng đó, PVOil cũng đã triển khai công tác thẩm định giá trị doanh nghiệp/phần vốn góp, xây dựng phương án thoái vốn.

Đối với dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ rất may mắn là tình hình thị trường đang tốt lên. Sản phẩm xơ sợi của Đình Vũ có đủ khả năng cạnh tranh với bông nhập khẩu. Với bối cảnh nông nghiệp thế giới, giá bông nhập khẩu đang tăng lên, nghĩa là tính cạnh tranh của sản phẩm đang tốt lên.

Với sự hợp tác của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), PVN đang được hỗ trợ về mặt thị trường, cũng đã có các đối tác tiềm năng rất lớn về tài chính, có uy tín trên thế giới về thị trường xơ sợi đang sẵn sàng hợp tác với chúng tôi như Tập đoàn Fortrec (Singapore) hay Tập đoàn Reliance (Ấn Độ).

Đây là định hướng quan trọng để chúng tôi có thể đưa dự án về mặt bằng lợi nhuận chấp nhận được với các chủ đầu tư. Hy vọng trong ngắn hạn khoảng 2 - 3 tháng nữa, chúng tôi sẽ chốt được phương án cuối cùng với nhà đầu tư để chạy lại với sự hợp tác của đối tác nước ngoài.

Ngày 23 và 24/8 vừa qua, PVN và Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) đã làm việc với đối tác Reliance của Ấn Độ và đã thống nhất các nội dung Reliance sẽ hỗ trợ PVTEX trong quá trình chuẩn bị khởi động lại và vận hành nhà máy như hỗ trợ nhân sự vận hành bảo dưỡng, tối ưu hóa, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, PVN/PVTEX đang làm việc với đối tác trong nước về phương án hợp tác hỗ trợ tài chính để huy động vốn lưu động phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm xơ.

Theo kế hoạch, trước ngày 15/9/2017, Reliance và đối tác trong nước sẽ có bản chào chính thức về phương án triển khai. Trong tháng 9/2017, PVN/PVTEX xem xét và làm việc với đối tác và sau đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.

PVN/PVTEX cũng phối hợp với chuyên gia để đánh giá hiện trạng hệ thống dây chuyền sản xuất sợi DTY của Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Theo đánh giá sơ bộ, hiện tại 24/29 máy DTY đã sẵn sàng khởi động ngay và 5/29 máy DTY cần bảo dưỡng bổ sung trước khi khởi động lại. Tuy nhiên để có đánh giá chính xác hơn cần mời đối tác có kinh nghiệm cùng thực hiện để xây dựng kế hoạch...

Để chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy, trong tháng 9/2017, PVN sẽ hoàn thành công tác kiểm tra thiết bị, lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa; hoàn thành việc khảo sát, tiếp xúc với các đối tác tiêu thụ sản phẩm tiềm năng trước 15/9/2017, hoàn thiện phương án hợp tác kinh doanh với đối tác (Fortrec, Reliance, đối tác trong nước) trong tháng 9/2017, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), PVN đưa ra 3 kiến nghị là cho phép bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128/2014/NĐ- CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.

BNEWS/TTXVN: Thị trường nhiên liệu sinh học trong thời gian tới sẽ khởi sắc khi ngày 1/1/2018 tới đây xăng sinh học E5RON92 sẽ thay thế toàn bộ xăng khoáng RON92. Theo ông đây có phải là “lực đỡ” quan trọng để các dự án vào vận hành?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Việc Chính phủ quyết định thay thế toàn bộ xăng khoáng RON92 bằng xăng sinh học E5RON92 sẽ mở ra cơ hội quan trọng cho việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học ethanol, do đó đây là cơ sở quan trọng để PVN có thể chạy lại các nhà máy.

Tuy nhiên, để Nhà máy có thể hoạt động trở lại và sản phẩm có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu thì Nhà máy cần có sự hỗ trợ để có nguồn nguyên liệu ổn định.

Bên cạnh đó, việc có một chính sách thuế ổn định và ưu đãi với nhiên liệu sạch sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu cũng sẽ là “lực đỡ” quan trọng trong thời điểm khó khăn ban đầu khi nhà máy hoạt động trở lại.

Giá thành sản xuất ethanol của PVN hiện vào khoảng 13.500 đồng/lít trong khi sản phẩm nhập khẩu có giá trước thuế là 12.500 đồng/lít. Vì vậy khi tính thuế thì giá ethanol trong nước sẽ rẻ hơn khoảng 200 đồng/lít so với giá nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu nhà nước mà hạ thuế nhập khẩu ethanol từ mức 20% hiện nay xuống còn 17-18% thì sản phẩm sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh.

Vì vậy, PVN và các nhà đầu tư đang kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc giảm thuế nhập khẩu để giúp các nhà máy này có thời gian “phục hồi sức khoẻ” trở lại và đi vào sản xuất, bù được các chi phí, có giá thành sản xuất cạnh tranh hơn, tiến tới trả nợ các ngân hàng và có được lợi nhuận nhất định cho các nhà đầu tư.

BNEWS/TTXVN: Một số ý kiến cho rằng việc xử lý các dự án thua lỗ này chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ Chính phủ quy định. Vậy đâu là lý do của việc chậm chễ này?

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: Đúng là việc xử lý các dự án yếu này còn chậm so với mong muốn của Chính phủ bởi một số nguyên nhân.

Thứ nhất là các dự án này đã có thời gian dừng sản xuất quá lâu rồi. Thứ hai là thời điểm được chọn để chạy lại các dự án này là không thuận lợi. Ví dụ như các dự án Ethanol sẽ không thể cạnh tranh với sản phẩm xăng khoáng vì giá xăng dầu đang rất thấp.

Đối với dự án Đình Vũ, phương án quan trọng nhất là thị trường. Thời gian vừa qua, giá bông trên thế giới rất thấp cũng là nguyên nhân khiến việc chạy lại sản xuất sơ xợi gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc tìm các nhà tài trợ nước ngoài cho việc hoạt động trở lại, việc thu xếp vốn và thị trường là rất khó khăn.

Vì vậy, đây là các lý do khiến PVN phải mất nhiều thời gian tìm nhà tài trợ tâm huyết sẵn sàng cùng với PVN vận hành lại các dự án này.

Ngoài ra tiến độ xử lý các dự án bị chậm là do một nguyên nhân quan trọng khác. Theo quy định của Luật quản lý vốn của các công ty nhà nước hiện hành, cũng như chủ trương của Chính phủ là không cấp vốn thêm cho các dự án yếu kém, nên các cổ đông của dự án mà hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước đều gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn cho dự án chạy lại.

Rất may là cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được các đối tác sẵn sàng bỏ vốn ra trang trải cho quá trình vận hành trở lại các dự án này. /.

BNEWS/TTXVN: Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN​
 

Việc làm nổi bật

Top