PVN tăng tốc đầu tư nước ngoài

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đã có 6 tập đoàn của Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vượt ngưỡng 1 tỷ USD, trong đó nổi bật nhất là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Hoạt động ĐTNN của PVN đã đạt được những chuyển biến tích cực, nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường hội nhập và hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Vươn ra biển lớn

Tại hội nghị tổng kết, đánh giá về công tác ĐTNN mới đây, lãnh đạo của PVN đã khẳng định, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, các loại hình dịch vụ dầu khí của PVN còn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ ở thị trường quốc tế. Trên 60% doanh thu dịch vụ của PVN hiện nay đến từ các hợp đồng cung cấp cho khách hàng nước ngoài. Đặc biệt, mảng dịch vụ cơ khí dầu khí của Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Các doanh nghiệp (DN) thành viên như Liên doanh VietsovPetro (VSP), Tổng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) có thể chế tạo một phần giàn khoan, giàn khai thác và các công trình phục vụ hoạt động khai thác trên biển. Bằng việc thành lập các văn phòng đại diện tại Singapore và Malaysia, gần đây nhất PTSC đã thắng thầu quốc tế trong việc cung cấp 3 tàu dịch vụ cho Tập đoàn Dầu khí Petronas (Malaysia). Theo số liệu từ Bộ Công thương, tính đến nay đã có 28 dự án ĐTNN trong lĩnh vực dầu khí được cấp giấy chứng nhận với tổng mức đầu tư gần 8 triệu USD, trong đó có 17 dự án đang triển khai hoạt động. Ngoài ra, PVN đã ký hơn 50 thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nước. Các dự án trọng điểm có thể kể tới công trình phát triển mỏ Nhenhexky tại Liên bang Nga (Liên doanh Rusvietpetro thực hiện), dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela (PVEP thực hiện), dự án thủy điện Luông Phabăng tại Lào (PVPower thực hiện)... Sự thành công của các dự án trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược mà ngành đã đề ra, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

04-PVN-18116-480.jpg

Cục trưởng Cục ĐTNN Đỗ Nhất Hoàng cho biết, hiện đã có 6 tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam có vốn ĐTNN vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong đó có PVN. Đặc biệt, trong tổng số vốn thực hiện ĐTNN của cả nước là hơn 5,5 tỷ USD thì lĩnh vực khoáng sản và dầu khí đạt trên 3 tỷ USD, sau đó mới tới nông nghiệp đạt 711 triệu USD; viễn thông đạt 500 triệu USD, thủy điện đạt trên 500 triệu USD.

Nắm bắt cơ hội mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU; Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); Cộng đồng ASEAN (AEC)... đây là cơ hội lớn để PVN tìm kiếm cơ hội ĐTNN trong lĩnh vực dầu khí. Chính phủ cũng đã có khung pháp lý đầy đủ hơn về hoạt động ĐTNN cụ thể là Luật Đầu tư mới đã được thông qua. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về ĐTNN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; hỗ trợ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định về ĐTNN trong hoạt động dầu khí gồm 5 chương, 32 điều. Dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTNN; triển khai dự án dầu khí; quản lý nhà nước về ĐTNN. Theo dự thảo, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam ĐTNN trong hoạt động dầu khí. Có thể nói, cơ hội để PVN tăng tốc xuất khẩu dịch vụ dầu khí đang mở ra, mỗi thành công của các dự án thăm dò khai thác ở nước ngoài đều tạo ra bước phát triển mới của Tập đoàn. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo PVN mới đây đã sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả quản trị, nhằm thực hiện thành công kế hoạch ĐTNN trong thời gian tới.

Theo dự thảo Nghị định quy định về ĐTNN trong lĩnh vực dầu khí, nhà đầu tư lĩnh vực dầu khí được thực hiện các giao dịch trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTNN để tham gia đấu thầu quốc tế, trước khi tiến hành đàm phán chính thức với đối tác như: Đặt cọc, ký quỹ với nước tiếp nhận đầu tư với giá trị giao dịch không vượt quá 2 triệu USD. Trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc thực hiện các giao dịch này với giá trị lớn hơn 2 triệu USD phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận dự án. Trường hợp nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc thực hiện các giao dịch này với giá trị lớn hơn 2 triệu USD phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Thanh Trúc - daibieunhandan.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top