PVN từng “dạm hỏi” những ngân hàng nào trước khi chọn OceanBank?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Không thể thành lập Ngân hàng Hồng Việt, Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT PVN thời điểm đó đã chỉ đạo 2 cấp dưới là Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận góp vốn.

Năm 2007, sau khi hoàn thiện Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các cán bộ công nhân viên (CBCNV) thuộc PVN góp vốn, bộ máy Ngân hàng đã được thành lập, cơ sở vật chất đã được chuẩn bị, nguồn vốn của PVN và các cá nhân tham gia góp vốn cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Tuy nhiên, do tình hình tài chính, kinh tế có biến chuyển, Ngân hàng TMCP Hồng Việt không được thành lập. Lúc này, Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng Giám đốc PVN và Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận góp vốn.

Bà Phan Thị Hòa, nguyên thành viên HĐTV PVN khai tại cơ quan CSĐT: “…để tận dụng cơ sở vật chất đã đầu tư, PVN có chủ trương và giao ông Nguyễn Ngọc Sự tìm đối tác để thỏa thuận góp vốn. Trên cơ sở đó, PVN đã gặp những đối tác như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) nhưng không đạt được thỏa thuận góp vốn…”.

Tại bút lục số 2184 ngày 11/12/2017, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó TGĐ PVN khai: “Để xử lý cơ sở vật chất, con người và bộ máy của Ngân hàng TMCP Hồng Việt, HĐQT PVN có chủ trương góp vốn vào một ngân hàng TMCP và giao cho anh Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt tìm kiếm đối tác. Sau đó, anh Nguyễn Xuân Sơn báo cáo HĐQT có một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Hàng hải. Tuy nhiên khi xem xét, đánh giá thì Ngân hàng TMCP Kiên Long và Ngân hàng TMCP Nam Á không đảm bảo các điều kiện hợp tác do phía các Ngân hàng này đưa ra nhiều điều kiện không phù hợp mà PVN có thể đáp ứng được; PVN có tiến hành đàm phán với Ngân hàng TMCP Hàng Hải nhưng cũng không đạt được kết quả do Ngân hàng TMCP Hàng Hải đưa ra giá cổ phần cao và các điều kiện về quản trị ngân hàng mà PVN không đáp ứng được”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên thành viên HĐQT PVN khai: “Tôi có một số chuyến công tác cùng anh Sơn và một số người nữa trong Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt để đi tìm hiểu tình hình hoạt động của các Ngân hàng như Ngân hàng Thái Bình Dương (Pacific) tại Thành phố Hồ Chí Minh; Ngân hàng Nông thôn Mỹ Xuyên, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, sau đó PVN và các ngân hàng này không đạt được thỏa thuận nào về việc góp vốn mua cổ phần”.

PVN.jpg

Công văn số 4910 ngày 10/7/2008 do ông Đinh La Thăng ký gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin thôi không thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt có nêu:

“Hiện nay, PVN đang nắm giữ một tỷ lệ nhỏ cổ phần của Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank). PVN xin phép chỉ tham gia cổ phần tại Ngân hàng này với tỷ lệ nắm giữ không quá 20% theo quy định hiện hành của pháp luật.

PVN và các cổ đông của Ngân hàng TMCP Hồng Việt (có nguyện vọng) được chuyển phần vốn góp thành lập ngân hàng TMCP Hồng Việt để mua cổ phần của GP Bank phát hành trong đợt tăng vốn này với số lượng cổ phần tương đương với phần chênh lệch mức vốn điều lệ mới và mức vốn điều lệ hiện tại”.

GP Bank cũng đã có Công văn 590 ngày 25/7/2008 về việc hợp tác với PVN, trong đó nhất trí với đề xuất của PVN. Ngày 29/7/2008, Đinh La Thăng thay mặt HĐQT PVN có Công văn số 8345 gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho GP Bank với sự tham gia của PVN và CBCNV Tập đoàn.

Tuy nhiên, sau đó PVN và GP Bank không đạt được thỏa thuận cuối cùng, và PVN chuyển hướng sang OceanBank.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng khai: "Ông Nguyễn Ngọc Sự đã báo cáo tôi và Hội đồng quản trị về thỏa thuận đàm phán được với OceanBank…. Việc ông Sự báo cáo tôi thể hiện trên văn bản số 140B ngày 18/9/2008. Căn cứ vào báo cáo này của ông Sự tôi ký thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008…”.

Tại bút lục số 2205 ngày 3/4/2017, cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm khai: “Cuối năm 2008, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Xuân Sơn, lúc đó là Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, có văn phòng tại tòa nhà PVN tại 18 Láng hạ, mời tôi lên VP để làm việc… Anh Sơn cho biết Ngân hàng Hồng Việt không được cấp phép hoạt động nên đang cần tìm một ngân hàng nhỏ để mua, tiếp quản lại các trang thiết bị và con người của Ban trù vị. Ngoài ra, PVN là cổ đông lớn của Hồng Việt cũng quan tâm góp vốn 20% (là mức vốn tối đa mà một tổ chức được góp vào một ngân hàng)… Tôi được anh Nguyễn Mạnh Hà cho xem một văn bản thỏa thuận về việc góp vốn mà PVN đã soạn và đàm phán với một ngân hàng khác và đồng ý với nội dung soạn thảo…”.

Ngày 01/10/2008, PVN đã ra Nghị quyết 7289 về việc góp vốn vào OceanBank. Việc góp vốn này đã mang lại cho PVN số tiền cổ tức 244,33 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2009-2013, trong đó cao nhất là năm 2011 PVN được chia cổ tức 77 tỷ đồng.

Trong khi đó, luật sư Phan Trung Hoài - luật sư bào chữa cho Đinh La Thăng, đã trích bút lục số 1438 trong tập 5 hồ sơ vụ án với nội dung: ngày 17/10/2008, ông Phạm Văn Phượng, Phó Chủ nhiệm VPCP ký Công văn số 6987 của Văn phòng Chính phủ gửi NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, PVN và OceanBank, xét đề nghị của PVN tại Công văn 7224 ngày 30/9/2008, ý kiến của Bộ Tài chính (văn bản số 12144 ngày 14/10/2008) và của Oceanbank (tại văn bản số 334 ngày 26/9/2008), Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến: (1) Đồng ý việc PVN và cán bộ công nhân viên của PVN (có nguyện vọng) được chuyển phần vốn góp tham gia thành lập Ngân hàng Hồng Việt để mua cổ phần của OceanBank trong đợt tăng vốn điều lệ tới như đề nghị của PVN tại công văn nêu trên; (2) NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tạo điều kiện để PVN và OceanBank sớm hoàn thành thủ tục góp vốn mua cổ phần theo quy định hiện hành.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, nhiều lần bị cáo Đinh La Thăng đã khẳng định, PVN chỉ thực hiện góp vốn khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương góp vốn, vì quy trình này là HĐQT PVN thống nhất trước, ban hành Nghị quyết rồi xin chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Infonet.vn
 

Việc làm nổi bật

Top