PVN xin phá sản nhà máy Dung Quất: Vì sao chậm trễ?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nếu chúng ta mạnh dạn xử lý dứt điểm vào năm 2010 chắc chắn nhà máy đóng tàu Dung Quất đã không tiếp tục lỗ như hiện nay.

Chậm nhưng cần thiết

Tại văn bản gửi Bộ Công Thương,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị cho phép bán Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Trường hợp bán không thành công, PVN đề nghị sẽ triển khai phương án phá sản, đấu giá tài sản.

Trao đổi với Đất Việt trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Trưởng bộ môn Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM khẳng định quyết định của PVN là có cơ sở và hợp lý trong thời điểm hiện nay dù hơi muộn.

Theo ông Nga, sau hơn 7 năm chuyển DQS từ Vinashin sang PVN tình hình tài chính của DQS ngày càng xấu. Nếu chúng ta mạnh dạn xử lý dứt điểm vào năm 2010, ông Nga cho rằng DQS không tiếp tục lỗ như hiện nay.

“Tôi cho rằng, công nghiệp tàu thủy không phải là thế mạnh của Việt Nam cho nên việc xử lý bán và nếu không thể bán được thì cho triển khai phá sản là một quyết định kinh tế đúng đắn.

pvn-xin-pha-san-nha-may-dung-quat-trach-nhiem-cua-ai_3070846.jpg

Với hiện trạng hiện nay của DQS, lời đề nghị của PVN nên được hoan nghênh và triển khải nhanh để tránh thua lỗ lũy kế tiếp theo và giải quyết thấu đáo con “bệnh đã chết lâm sàng” gần chục năm nay”, ông Nga khẳng định.

GS.TS Đặng Đình Đào-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cũng thừa nhận việc PVN đưa ra các giải pháp khác nhau đối với DQS là hoàn toàn bình thường.

Đây là một trong những dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành công thương và yêu cầu đặt ra là phải xử lý triệt để, càng nhanh, càng tốt nhằm thu lại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn nhất.

“Nếu nhà máy đắp chiếu không thể vận hành được, càng làm càng lỗ thì chúng ta phải xử lý càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, trước khi xử lý cần phải gấp rút tìm cho được nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến những thiệt hại đó. Chúng ta không thể cứ để dự án đầu tư, vận hành tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng giờ trở thành đống sắt vụt.

Không tìm ra nguyên nhân cụ thể mà đưa ra đề xuất phá sản hay bán đồng nát tôi cho rằng đó là việc làm vô trách nhiệm với đồng tiền của nhà nước và nhân dân”, ông Đào nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được PGS.TS Nguyễn Hồng Nga đề cập tới, đó là trong văn bản gửi tới Bộ Công Thương, PVN đưa ra kiến nghị uỷ quyền cho Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

PGS-TS Nguyễn Hồng Nga và GS-TS Đặng Đình Đào đều cho rằng kiến nghị trên là không hợp lý, thiếu khách quan và cho rằng cần phải có 1 hội đồng độc lập để đánh giá khách quan, minh bạch.

Thất thoát do sai lầm về đầu tư công

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS.

Trong trường hợp PVN chịu thất thoát, ông Nga cho rằng đây là nguyên nhân chủ quan.

“Sự mất mát của PVN khi tiếp nhận DQS là một sai lầm về đầu tư công và do chủ quan của các bên ra quyết định. Sao lại để PVN nhảy vào cứu con tàu đang đắm mang tên DQS?

PVN không có lợi thế gì trong việc đóng tàu vì ngành chính của PVN là khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam. Hai ngành này không thể trong cùng một tập đoàn vì những lý do kinh tế sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả kinh doanh.

Chúng ta thấy sai lầm thì sửa, nhưng sửa chữa sai lầm lại bằng một sai lầm khác và cứ tiếp tục như vậy theo hiệu ứng Domino nếu không dừng lại”, ông Nga khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Nga, việc 1200 lao động có thể bị mất việc khi tiến hành phá sản hay bán thanh lý là điều chúng ta phải chấp nhận.

“Dĩ nhiên phải có chính sách bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật”, ông Nga nói.

Bổ sung thêm, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng: “Thời điểm ban đầu luận chứng kinh tế kỹ thuật, chúng ta vẽ lên đủ thứ để đầu tư hàng nghìn tỷ và cuối cùng dự án đi bán sắt vụn. Cái này phải xử lý chứ, sao có thể gọi là lý do khách quan được?”, ông Đào nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn - Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top