Tại sao dầu khí Venezuela giãy chết khi giá dầu đi lên?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Quản lý tê liệt, tham nhũng tràn lan, khủng hoảng kinh tế trầm trọng... là các nguyên nhân khiến Tập đoàn dầu khí Petróleos de Venezuela đứng trên bờ vực sụp đổ, đe dọa gây bất ổn hơn nữa cho quốc gia Mỹ Latin.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Petróleos de Venezuela (PDVSA) đang trải qua giai đoạn bĩ cực nhất trong lịch sử và có khả năng không bao giờ gượng dậy được nữa, theo báo New York Times.

xxvenezuela1-superjumbo-1514556872444.jpg

Dân làng Amuay phải chờ nhiều giờ đồng hồ để bơm bình gas. Cuộc khủng hoảng ở PDVSA đe dọa gây bất ổn hơn nữa cho Venezuela - Ảnh: NYT
Một viên tướng quân đội không chút kinh nghiệm về năng lượng vừa được chỉ định điều hành PDVSA. Hàng loạt vụ bắt giữ, sa thải và nghỉ việc khiến tập đoàn này mất hết những người giỏi nhất. Các cơ sở sản xuất trong tình trạng mục nát, hoạt động ngày càng đi xuống...

Tình hình có thể tóm tắt như sau: trong khi các nước sản xuất dầu khác đang phục hồi nhờ giá năng lượng đi lên, Venezuela càng lúc càng thê thảm vì bộ máy quản lý tê liệt, tham nhũng hoành hành và khủng hoảng kinh tế.

Cái chết từ từ

Khi giá dầu rơi cách đây vài năm, Venezuela và các quốc gia lệ thuộc dầu đều chịu cùng thảm cảnh. Nhưng bây giờ giá dầu đang trên đà tăng và nhiều nước sau một thời gian dài được "thở oxy" trở lại. Chính phủ Saudi Arabia lấp được thâm hụt ngân sách, thậm chí các quốc gia tê liệt như Libya và Iraq cũng tranh thủ bơm và xuất khẩu "như điên".

Nhưng Venezuela - quốc gia với trữ lượng dầu lớn nhất thế giới (đã được chứng minh) - thì khác hoàn toàn. Petróleos de Venezuela đang sắp sụp đổ. Thất bại của tập đoàn này vừa là triệu chứng vừa là nguyên nhân khiến nền kinh tế Venezuela lao dốc không phanh.

xxvenezuela2-superjumbo-1514560311324.jpg

Một trạm xăng dầu bỏ hoang phế của Pdvsa ở bán đảo Paraguaná - Ảnh: NYT
Khu phức hợp hóa dầu của PDVSA trải dài bên bờ biển Caribe, nơi từng một thời là viên ngọc của ngành dầu khí Venezuela, hiện đã trở nên mục nát. Việc thiếu thốn dòng tiền đầu tư và tình trạng thiếu hụt linh kiện thay thế khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, theo các nhà phê bình.

Tổng kết năm 2017, cả khu công nghiệp chỉ hoạt động với 20% công suất, có 76/84 nhà máy phải trùm mền, theo ông Iván Freites - một lãnh đạo công đoàn. Các nhà máy không có phần mềm để kiểm tra các trục trặc, và họ cũng không có tiền để khắc phục chúng.

"Nó giống như một cái chết từ từ" - ông Freites so sánh.

Với tình trạng hạ tầng hư hỏng trên khắp cả nước, Venezuela không thể tận dụng cơ hội giá dầu tăng để bơm hay lọc thêm dầu. Tháng này qua tháng khác, sản xuất cứ giảm đều đặn 20.000 - 50.000 thùng dầu mỗi ngày và hiện đang ở mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Bán được ít dầu, PDVSA không thể trả nợ đúng hạn, và tình hình đang nhanh chóng dẫn đến khả năng Venezuela bị vỡ nợ.

"Sản xuất cứ đi xuống đều đều. Nó trở thành cái vòng lẩn quẩn: Ít tiền sẽ ít tái đầu tư, rồi năng suất sẽ giảm, rồi lại ít tiền..." - ông Francisco J. Monaldi, chuyên gia dầu khí người Venezuela thuộc Đại học Rice (Houston, Mỹ), bình luận.

Trò chơi chính trị

Các vấn đề trong sản xuất của PDVSA càng trầm trọng thêm bởi sự hỗn loạn ở tầng lãnh đạo. Trong vài tháng gần đây, chính phủ Tổng thống Nicolás Maduro đã ra lệnh bắt giữ hàng tá quản lý ngành dầu khí vì tội tham nhũng.

Nhà lãnh đạo tuyên bố đó là nỗ lực "dọn dẹp" tập đoàn, tuy nhiên không mấy ai tin. Giới quan sát xem đó một cuộc chiến dịch thanh trừng chính trị để ông Maduro củng cố quyền lực trước kỳ bầu cử năm sau.

Tháng trước, Tổng thống Venezuela chỉ định thiếu tướng Manuel Quevedo điều hành cả PDVSA và Bộ Dầu khí, mặc dù ông này không có chút kinh nghiệm nào trong ngành năng lượng. Người ta xì xầm đây là một nỗ lực quá ư rõ ràng của ông Maduro nhằm ngăn một cuộc đảo chính diễn ra.

Ông Luis Giusti, người từng điều hành PDVSA trước khi Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền năm 1999, bình luận rằng cuộc thanh trừng của ông Maduro là nhằm tạo một khoảng không chính trị "để thở" vì mọi thứ đang trôi tuột xuống cống (kinh tế Venezuela) .

Trong suốt thời gian dài, PDVSA sản xuất khí thế nhờ trữ lượng dầu dồi dào, biến Venezuela trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất Mỹ Latin.

xxvenezuela5-superjumbo-1514561386235.jpg

Cuối tháng 10-2017, khoảng 200.000 galon xăng và các sản phẩm hóa dầu đã tràn ra biển từ một bể chứa của nhà máy lọc dầu Amuay - Ảnh: NYT
Nhưng bây giờ tập đoàn này thậm chí không thể đáp ứng nổi nhu cầu xăng và dầu diesel trong nước, buộc Caracas phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Xuất khẩu dầu thô của PDVSA vào Mỹ - thị trường nước ngoài chính của họ - đã giảm 1/3 trong năm ngoái. Tổng thống Maduro dọa sẽ cắt hoàn toàn xuất khẩu dầu thô vào Mỹ và bán nhiều hơn cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhưng xuất khẩu vào Trung Quốc cũng giảm nốt (15% năm ngoái) vì chất lượng dầu của Venezuela đã giảm, trong khi Bắc Kinh tăng cường nhập từ Mỹ.

PDVSA đang chết chìm dưới đống nợ nần. Tập đoàn này đã vỡ nợ số trái phiếu không đảm bảo trị giá 26,5 tỉ USD kể từ đầu tháng 11, ngoài ra họ còn nợ các công ty dịch vụ khoan và bảo dưỡng thêm khoảng 60 tỉ USD.

Sức khỏe tài chính của PDVSA trở nên tồi tệ đến mức dù chính quyền ông Maduro cam kết trả nợ, đồng minh thân nhất của Venezuela là Cuba gần đây phải tịch thu 49% cổ phiếu của một nhà máy lọc dầu thuộc PDVSA để thay khoản nợ xấu.

"Trước đây, mọi người sẽ khủng hoảng nếu bị mất việc ở PDVSA, còn bây giờ họ lại sợ đi làm mỗi ngày và đang tìm kiếm công việc ở những nơi khác" - anh José, một công nhân làm việc cho nhà máy lọc dầu Amuay thuộc PDVSA, than thở.

Và đó chỉ là một góc nhỏ của bức tranh Venezuela ngày nay.


PHÚC LONG
Báo Tuổi Trẻ
 

Việc làm nổi bật

Top