Thực chất 75.000 tỉ đồng bù cho Nghi Sơn

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Người dân khi nghe báo chí đưa tin tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể sẽ phải thanh toán cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn 75.000 tỉ đồng phát sinh từ việc thay mặt cho Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi cho dự án này đều choáng váng. Đến 75.000 tỉ đồng tức gần 3,5 tỉ đô la Mỹ đâu phải là món tiền nhỏ!

Nhưng bình tâm lại, câu hỏi mà bất kỳ ai quan tâm đến vụ việc này đều phải đặt ra là đã có những cam kết cụ thể gì cho Nghi Sơn, rồi PVN tính toán như thế nào mà ra số tiền khổng lồ nói trên.

574bb____549.jpg

Theo cách giải thích của PVN thì với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, phía Việt Nam cam kết cho họ áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu và 3% cho các sản phẩm hóa dầu (ngoại trừ 5% cho LPG). Nếu thuế suất nhập khẩu thấp hơn thì PVN sẽ phải thanh toán cho họ số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7% hay 3% nói trên.

Nói như vậy quả thật rất khó hiểu.

Diễn đạt theo ngôn từ bình thường thì mặc dù Nghi Sơn là nhà máy sản xuất nội địa nhưng sản phẩm làm ra phải chịu thu điều tiết, mức thu dựa vào thuế suất thuế nhập khẩu của các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu.

Ví dụ thuế nhập khẩu xăng là 20% thì sản phẩm của Nghi Sơn bán ra cũng được quyền cộng thêm 20% vào giá bán nhưng chỉ nộp cho Nhà nước 13% thôi, còn 7% là giá trị ưu đãi nhà máy được hưởng. Khái quát lên thì tỷ lệ thu điều tiết là chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại thời điểm tiêu thụ trừ mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán; mức ưu đãi đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%.

Như vậy tính ưu đãi ở đây là Nghi Sơn có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu nhờ mức điều tiết phải nộp cho Nhà nước thấp hơn mức thuế nhập khẩu của cùng sản phẩm do doanh nghiệp khác nhập về để bán. Giả dụ thuế nhập khẩu xăng về 7% thì coi như Nhà nước không thu đồng nào điều tiết của Nghi Sơn và nếu thuế nhập khẩu xăng về 0% thì PVN thay mặt cho Chính phủ phải bù 7% cho Nghi Sơn để, về lý thuyết, sản phẩm của Nghi Sơn vẫn cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.

Vấn đề ở chỗ thuế nhập khẩu xăng dầu đâu có thấp hơn mức giá trị ưu đãi như đã cam kết với Nghi Sơn để PVN phải bù chênh lệch? (Xem biểu thuế bên dưới).

Nhìn vào biểu thuế nhập khẩu xăng dầu cho đến năm 2027 là năm chấm dứt các biện pháp ưu đãi cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, rõ ràng nếu áp mức thuế suất áp dụng cho hầu như tất cả thị trường trừ thị trường ASEAN chưa có mức thuế nào xuống dưới mức cam kết ưu đãi cho Nghi Sơn cả. Thậm chí lúc đó Nghi Sơn vẫn còn phải nộp điều tiết cho Nhà nước 13% đối với xăng khi bán ra thị trường. Chỉ có ba năm (2024-2027) mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt về 0%, có thể Chính phủ phải bù 7% cho Nghi Sơn theo cam kết về hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Như vậy nhìn vào biểu thuế này chúng ta mới hiểu vì sao PVN cứ nằng nặc đòi cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay nói chung các dự án nhà máy lọc dầu được áp thuế suất ưu đãi đặc biệt ngay từ bây giờ, tức thuế theo các cam kết trong hiệp định thương mại tự do ký với ASEAN bởi nếu áp theo thuế suất này thì ngay từ năm 2016, Nhà nước thông qua PVN đã phải bù cho Dung Quất (hay Nghi Sơn khi bắt đầu hoạt động vào năm 2017) 7% đối với dầu diesel và 2% đối với xăng máy bay (xăng thường thì chưa phải bù gì cả). Từ năm 2024-2027 thì phải bù 7% cho cả xăng dầu.

Con số 75.000 tỉ đồng nói ở đầu bài là do PVN tính toán trên những giả định như biểu thuế nhập khẩu không phải là thuế suất thông thường mà là thuế suất ưu đãi đặc biệt, thậm chí là các mức thuế suất không đúng với thực tế. Và các tính toán cũng trên cơ sở giả định giá dầu thô là 75 đô la Mỹ/thùng, cũng không đúng với thực tế - tất cả chỉ nhằm kích con số lên cho cao, đến tận 75.000 tỉ đồng!

Trong kế hoạch tài chính trung hạn được lập cho năm năm tới (2016-2020), Bộ Tài chính chỉ xây dựng ngân sách dựa trên mức tính toán giá dầu thô bình quân năm năm tới khoảng 45 đô la Mỹ/thùng, chỉ bằng 60% giá mà PVN đã xây dựng để xin Chính phủ bù đắp phần thuế chênh lệch.

TBKTSG đã liên lạc với lãnh đạo PVN để trao đổi xung quanh vấn đề cách tính chênh lệch, số tiền phát sinh cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng chưa được.

Sau khi làm mọi người choáng váng với con số 75.000 tỉ đồng, PVN mới đưa ra những kiến nghị rất “phi thị trường” để giải quyết. Chẳng hạn, để bảo đảm bao tiêu cho hết hàng do Dung Quất và Nghi Sơn sản xuất, PVN từng kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước thì mới được nhập khẩu. Dĩ nhiên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đại diện cho 23 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước, đã phản đối khi cho rằng PVN đang đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Và ngay cả các bộ như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải lên tiếng cho rằng đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu của PVN là bất hợp lý.

Một kiến nghị khác của PVN là đề nghị thành lập một quỹ hình thành từ việc thu từ người tiêu dùng một khoản phí để bù đắp phần ưu đãi thuế nhập khẩu mà PVN thanh toán cho Nghi Sơn! Dĩ nhiên báo chí đã lên tiếng phản đối kiến nghị này vì không lẽ bắt người tiêu dùng gánh chịu các cam kết mà họ không chút nào liên quan.

Một kiến nghị nữa là cho phép PVN giữ lại số tiền chênh lệch thuế nhập khẩu cao hơn so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn, tức khi thuế nhập khẩu xăng vẫn còn là 20% (từ 2017-2022) thì thay vì Nghi Sơn nộp 13% cho Nhà nước thì nay PVN được giữ lại 13% này! Một đề xuất làm “thủng túi tiền” của ngân sách nhà nước!

Thiết nghĩ để giải quyết vấn đề bù chênh lệch cho Nghi Sơn thì trước mắt nên làm rõ chất lượng sản phẩm do nhà máy này sản xuất. Đó là trong khi Việt Nam đã công bố lộ trình về khí thải, từ năm 2016 sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 4 và từ năm 2022 sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 5 thì Nghi Sơn lại có công văn khẳng định “tiêu chuẩn thiết kế về chất lượng sản phẩm xăng dầu của nhà máy không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mức 4 và mức 5”.

Đây là lý do để PVN có thể làm một công đôi việc: từ chối bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn và từ đó từ chối luôn chuyện bù chênh lệch ưu đãi thuế nhập khẩu.

Sau đó, Bộ Tài chính cần phải cương quyết, áp dụng thuế suất nhập khẩu thông thường khi tính toán ưu đãi cho Nghi Sơn chứ không áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho thị trường ASEAN hay Hàn Quốc. Chỉ cần như thế Nhà nước hoàn toàn không phải bù chênh lệch đồng nào cả.

Một nguồn tin cho biết trong kế hoạch tài chính trung hạn, khi định hướng cân đối ngân sách cho năm năm 2016-2020, Chính phủ cũng dự tính đến cơ chế tài chính của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bằng cách thực hiện theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không bao cấp, bù lỗ. Nếu đúng thế, đây là một quyết sách đúng đắn.

eeaf4_1_600.jpg

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top