Tích trữ dầu - chiến lược của nước lớn

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Thông thường, người ta hay tích trữ những thứ quý giá như tiền hay vàng. Thế nhưng, có một thứ quan trọng và quý không kém được Mỹ âm thầm cất giấu nhiều chục năm qua là dầu mỏ.

Vì sao Mỹ lại cất giấu gần 700 triệu thùng dầu dưới lòng đất trong bối cảnh giá dầu thế giới bất ổn như hiện nay là câu chuyện thời sự thu hút sự quan tâm của dư luận.

Mọi việc được cho là bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, khi các hãng xuất khẩu dầu mỏ Arab cắt đứt nguồn cung cho Mỹ cũng như phương Tây nhằm trả đũa việc Washington ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur. Khi đó, thế giới quá lệ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông, nên giá tăng vọt đã đẩy Mỹ vào tình trạng khó khăn về nhiên liệu và nhiều hệ lụy khác, kể cả bất ổn về an ninh. Sau vụ việc này, một vài năm sau đó Mỹ bắt đầu thực hiện dự trữ dầu chiến lược (SPR), với mục tiêu xây dựng những bồn chứa dầu khổng lồ ngầm dọc bờ biển thuộc vùng Vịnh của nước này, có tổng lượng dự trữ lên đến gần 700 triệu thùng. Kịch bản được tính đến khi xây dựng SPR là một khi xảy ra việc nguồn cung dầu bị gián đoạn nghiêm trọng, nước Mỹ sẽ có nguồn dự trữ của riêng mình để khắc phục việc giá dầu bị đẩy cao và làm giảm áp lực lên thị trường thế giới.

Thông tin được một quan chức phụ trách tài chính của Bộ Năng lượng Mỹ tiết lộ mới đây cho biết, Mỹ hiện có hơn 60 hang động đá muối ngầm được sử dụng cho dự án SPR và đã được xây dựng bí mật cách đây 40 năm. Tất cả các kho dự trữ dầu của Mỹ đều đặt tại các vị trí được gọi là mỏ muối. Lợi thế của mỏ muối là không thấm, không pha trộn, không tác động đến dầu. Do đó mỏ muối được xem là nơi lý tưởng để tích trữ dầu thô với khối lượng cực lớn.

t01_RTX125JS.jpg

Trên thực tế Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thực hiện chiến lược dự trữ dầu kiểu này. Nhật Bản cũng có các giếng dầu dự trữ vượt trên con số 500 triệu thùng, phần lớn được chứa trong các bồn chôn trong lòng đất như tại Shibushi. Một số quốc gia không phải thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) như Ấn Độ, Trung Quốc… cũng có chiến lược SPR riêng. Ví dụ Trung Quốc trữ dầu tại nhiều nơi trên mặt đất, kết hợp giữa cơ sở nhà nước và các kho dự trữ thương mại.

Theo ông Sarah Ladislaw, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Các vấn đề quốc tế ở Washington DC (Mỹ), dư luận vẫn tranh luận về mục tiêu sử dụng của nguồn dầu trong SPR của Mỹ. Theo Hiệp ước Sinai lần hai ký năm 1975 giữa Mỹ và Israel, trong trường hợp khẩn cấp Mỹ có nghĩa vụ cung cấp dầu dự trữ bán cho Israel với thời gian lên tới 5 năm. Vì thế, việc Mỹ duy trì SPR với tổng lượng dầu dự trữ lên tới khoảng 700 triệu thùng được các chuyên gia nhận định là để phòng sự cố bất ngờ trong tương lai có thể đem ra sử dụng. Chiến lược này cũng mang tính chính trị bởi Mỹ không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào các nước sản xuất và kinh doanh dầu mỏ trên thế giới.

Thế nhưng không ít ý kiến cho rằng việc dự trữ trên là tiêu cực khi cáo buộc Mỹ lợi dụng tối đa chiến lược SPR bởi giá trị hiện đã vượt 43,5 tỷ USD. Cũng có ý kiến lo ngại các nước ngoài IEA có thể sử dụng SPR để thao túng giá dầu toàn cầu, bán tháo vào thời điểm thuận lợi. Câu hỏi được đặt ra là thế giới sẽ được lợi gì từ nguồn dầu dự trữ này một khi khủng hoảng dầu diễn ra, chưa kể các quốc gia lớn khác hiện cũng đang chạy đua theo Mỹ tích dầu? Tuy nhiên, rõ ràng là dù đang ở mức giá thấp kỷ lục trong thời gian gần đây nhưng dầu mỏ vẫn có một tầm quan trọng chiến lược tác động đến chính sách dài hạn của các quốc gia, đặc biệt là những nước lớn.

Theo: Hà Nội Mới​
 

Việc làm nổi bật

Top