Tìm cơ hội trong khó khăn

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Giá dầu thấp đem đến những khó khăn trong bài toán ngân sách trước mắt, nhưng là điều buộc chúng ta phải thay đổi tư duy trong điều hành, phát triển kinh tế vĩ mô.

Giá dầu thế giới lại giảm sâu sau khi hội nghị của 16 nước trong và ngoài OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) tại Đô-ha (Ca-ta) không đạt được sự nhất trí về giảm sản lượng khai thác dầu thô vào ngày 17/4. Việt Nam chịu tác động như thế nào về vấn đề này?

Theo các chuyên gia, cho dù các nước xuất khẩu dầu mỏ có đạt được sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng khai thác để “cứu” giá dầu thì cũng rất khó có cơ hội để giá dầu trở lại thời kỳ “hoàng kim” với mức giá khoảng 100 USD/thùng như cách đây vài năm. Một trong những tác nhân khiến giá dầu giảm là sự hiện diện của công nghệ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Dầu đá phiến ở Mỹ được khai thác với khối lượng lớn đã tăng tính cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ, làm dư thừa nguồn cung.
gia-dau-giam-vovgt-25-4.jpg
Là một nước xuất khẩu dầu thô, ngân sách của nước ta bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá dầu giảm. Mỗi thùng dầu giảm một USD cũng khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2015, giá dầu thô giảm mạnh khiến Chính phủ phải tìm nhiều biện pháp cân đối ngân sách. Ba tháng đầu năm 2016, thu từ dầu thô mới đạt 2.800 tỷ đồng, chỉ bằng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến việc cân đối ngân sách năm nay còn căng thẳng hơn.

Triển vọng giá dầu phục hồi còn rất mờ mịt. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá dầu sẽ ở quanh mức 50 USD/thùng cho đến cuối thập kỷ này và cho đến tận năm 2040 vẫn chưa đạt mốc 85 USD/thùng. Những dự báo này cho thấy, ứng phó với giá dầu thấp là nhiệm vụ của cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, giá dầu thấp không chỉ đem đến những tác động tiêu cực. Trước mắt, giá dầu thấp giúp giảm “đầu vào” cho một số ngành sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, người lao động. Ở một góc độ khác, là lúc để chúng ta nhìn nhận rõ hơn về tình trạng một số quốc gia có tài nguyên khoáng sản dồi dào nhưng lại mắc vào “bẫy” của việc lệ thuộc tài nguyên, các hoạt động kinh tế chỉ tập trung vào khai thác và bán tài nguyên mà ít chú trọng đến việc phát triển các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ… khác.

Sự ỷ lại vào tài nguyên khiến nền kinh tế kém năng động và hậu quả thì ai cũng biết. Ở Việt Nam, trong giai đoạn từ 2002 đến 2008, khi giá dầu trên thị trường thế giới ở mức cao, dầu thô thường chiếm từ 20 đến 30% tổng thu ngân sách. Năm 2012, con số này vẫn ở mức 18,9%. Đã có thời gian nhiều người coi dầu thô là “chìa khóa” giải quyết những khó khăn của nền kinh tế. Giá dầu thấp đem đến những khó khăn trong bài toán ngân sách trước mắt, nhưng cũng là điều buộc chúng ta phải thay đổi tư duy trong điều hành, phát triển kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, nước ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Với việc giá dầu giảm, ngân sách gặp khó khăn, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ… khác để đem lại giá trị gia tăng, đem lại nguồn thu ngân sách là nhiệm vụ cần đẩy nhanh hơn nữa. Để làm được điều này, chúng ta cần sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư, xây dựng, có những chính sách hợp lý để đa dạng hóa các ngành kinh tế, tạo môi trường hấp dẫn hơn để thu hút các nhà đầu tư... Tìm cơ hội trong khó khăn, mà ở đây, đó là cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên… sẽ góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng xây dựng một nền kinh tế năng động.

Mục Câu chuyện với người xa quê - VOV5 (Đài TNVN)​
 

Việc làm nổi bật

Top