Toyo Ink (Malaysia) sẽ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Chiều ngày 15-12, UBND tỉnh Hậu Giang và Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) đã thống nhất các điều khoản hợp đồng và ký tắt hợp đồng dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2, sau 15 tuần tiến hành đàm phán.

Tại lễ ký kết, ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị tổ giúp việc cho dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư và các bên liên quan trong tiến trình xin cấp giấy chứng nhận đầu tư để có thể sớm hoàn thành các bước tiếp theo của hợp đồng và khởi công xây dựng đúng tiến độ, theo báo Hậu Giang Online.

Trao đổi với TBKTSG Online chiều nay, 16-12, ông Võ Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, tại cuộc họp với chính quyền tỉnh Hậu Giang ngày 15-12 vừa qua, tập đoàn Toyo Ink đưa ra cam kết trong năm 2016 sẽ ứng vốn khoảng 900 tỉ đồng cho địa phương thực hiện khâu giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng cho dự án. Tổng diện tích nhà đầu tư Malaysia cần để triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 là khoảng 100 héc ta.

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 dự kiến có công suất 2.000 MW, là một trong ba dự án nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang), và đây cũng là dự án nhiệt điện đầu tư nước ngoài có công suất lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

Với tổng mức đầu tư trên 3 tỉ đô la Mỹ, dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp lượng điện khá lớn, bảo đảm an ninh năng lượng cho cả cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Dự kiến nhà máy hoạt động bằng nguồn nhiên liệu chính là than nhập khẩu.

Liên quan đến Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đang được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) triển khai tại Trung tâm điện lực Sông Hậu (được khởi công giữa tháng 5-2015), ông Võ Văn Thắng cho biết hiện PVN đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục quan trọng như cảng nhập khẩu than, hạ tầng nhà máy trên diện tích 115 héc ta tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 43.000 tỉ đồng. PVN cho biết Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2019, cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỉ kWh điện mỗi năm.

Trung tâm Điện lực Sông Hậu có ba nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 5.200 MW. Hàng năm mỗi nhà máy nhiệt điện ở đây tiêu thụ trên dưới 3 triệu tấn than.

Cũng liên quan đến mảng nhiệt điện, vào tháng 9 rồi, Công ty Janakuasa Sdn. Bhd của Malaysia đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để phát triển dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 tại tỉnh Trà Vinh, với vốn đầu tư 2,4 tỉ đô la Mỹ.

d3e3c_toyo.jpg

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự án này nhằm xây dựng và vận hành một nhà máy nhiệt điện đốt than theo hình thức BOT với công suất khoảng 1.200 MW, bao gồm hai tổ máy với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy. Dự án BOT nhiệt điện Duyên Hải 2 này nằm trong Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh).

Trước đó, theo đánh giá của ngành điện lực, dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 thuộc về nhóm các dự án trọng điểm được tập trung triển khai để đảm bảo cân đối nguồn điện cho khu vực phía Nam và kỳ vọng sẽ đưa tổ máy 1 của dự án vào vận hành trước năm 2020. Tập đoàn Alstom (Pháp) sẽ là nhà cung cấp thiết bị chính cho dự án này.

Duyên Hải 2 cũng là 1 trong 4 nhà máy được đầu tư tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất trên 4.200 MW. Ba dự án còn lại gồm Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng đều đang được đầu tư bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Điện lực Duyên Hải sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 30 tỉ kWh điện hàng năm.

Mục tiêu được đặt ra cho hệ thống điện Việt Nam từ nay tới năm 2020 là có thêm 30.000 MW công suất mới, tương đương nhu cầu 8 tỉ đô la Mỹ đầu tư hàng năm. Trong cơ cấu này, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân dự kiến chiếm 47,5%.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn​
 

Việc làm nổi bật

Top