Triển vọng giá xăng dầu năm 2016 và ngành dầu khí Việt Nam

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Trên bình diện thế giới, năm 2015, động thái chủ đạo nổi bật và xuyên suốt của thị trường dầu thô thế giới vẫn là tình trạng cung vượt cầu; giá cả lúc tăng, lúc giảm và mức thấp nhất đạt được vào 11-12-2015. Giá dầu thô toàn cầu tính đến giữa tháng 12-2015, giảm sâu dưới ngưỡng 36 USD/thùng (dầu BrentLondon còn 37,93 USD thùng và dầu WTI của New Yorn ở mức 35,62 USD/thùng), tức sụt giảm 1/3 so với tháng 5-2015 và giảm gần 2/3 so với đỉnh điểm hồi tháng 6-2014. Ở Việt Nam, dù giảm dần tỷ trọng, ngành dầu khí hiện vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.

cc7daukhi.JPG

Dầu thô giảm giá mang lại lợi ích cho người nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu; đồng thời, gây áp lực tài chính ngày càng nặng lên các quốc gia và công ty khai thác, xuất khẩu dầu thô; kéo theo đà đi xuống của cổ phiếu các công ty xăng dầu thế giới và tình trạng quá tải các kho dự trữ dầu thô thế giới.

Giá dầu giảm gắn với triển vọng tích cực từ kinh tế Mỹ và kỳ vọng tăng giá trở lại của đồng USD; với sự gia tăng sản lượng dầu khí đá phiến và kỳ vọng tăng nguồn cung từ việc đạt được thỏa thuận hạt nhân và sự tham gia trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ thế giới; với việc không cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC (tổng sản lượng của 12 thành viên khối OPEC là 31,72 triệu thùng/ngày trong tháng 9-2015, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu thô khai thác của thế giới) và duy trì các ưu đãi cho khách hàng nhằm duy trì thị phần; trong khi sản lượng dầu thô của các nhà sản xuất ngoài khối OPEC đã tăng 6 triệu thùng/ngày trong vòng 6 năm qua. Ngoài ra, những dòng dầu thẩm lậu giá rẻ từ 70% lãnh thổ Siry, do lực lượng IS kiểm soát, cũng góp phần níu kéo giá dầu thô khó vượt lên.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá dầu sẽ ở quanh mức khoảng 50 USD/thùng cho đến cuối thập kỷ này và cho đến tận năm 2040 vẫn chưa đạt mốc 85 USD/thùng do khí hậu toàn cầu ấm lên; sự gia tăng nguồn năng lượng sạch được sản xuất ra và tăng sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng; nhu cầu tiêu thụ giảm xuống do kinh tế Trung Quốc và nhiều nước mới nổi đang chững lại…

Năm 2016, mức tiêu thụ dầu toàn cầu trung bình 95,7 triệu thùng/ngày. Tổng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày và của Mỹ năm 2016 sẽ giảm còn 12,56 triệu thùng/ngày, từ mức 12,75 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, và ước chỉ tăng 5% trong 2 thập kỷ tới (nhu cầu dầu của thế giới sẽ không đạt ngưỡng 103,5 triệu thùng/ngày cho đến năm 2040, từ mức 94,5 triệu thùng dầu/ngày hiện nay.

Đến năm 2040, nhu cầu dầu của nhóm nước công nghiệp có trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày); tức nhu cầu thấp hơn so với mức cần thiết để đẩy giá dầu hồi phục nhanh…

Tuy nhiên, với góc nhìn chi phí sản xuất trung bình hợp lý và sức chịu đựng thiệt hại khách quan do giá dầu giảm từ các bên liên quan, có thể thấy giá dầu hiện đã chạm đáy và có thể sẽ phục hồi vào nửa sau năm 2016, khi kết thúc các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU đối với Nga.

Về tổng thể, thị trường xăng dầu toàn cầu năm 2016 sẽ cân bằng hơn, giá cả sẽ ổn định và tăng nhẹ chung quanh mức giá 50-55 USD/thùng. Giá xăng dầu thấp như vừa qua khó kéo dài bởi tính phi kinh tế (dưới giá thành sản xuất trung bình thế giới từ 30-70 USD/thùng cho công nghệ truyền thống và 60-100 USD cho công nghệ khai thác mới dầu khí đá phiến. Vừa qua, hơn một nửa số giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa vì thua lỗ càng là cơ sở vững chắc cho nhận định này). Hơn nữa, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy, sẽ sớm có sự cải thiện dần quan hệ căng thẳng và cấm vận kinh tế không bình thường hiện nay giữa các nước Mỹ, Nga, EU và Ucraina. Dù Iran sẽ nỗ lực tăng xuất khẩu dầu nhờ được nới trừng phạt, song tổng lượng cung cũng khó tăng do có thể OPEC sẽ cắt giảm sản lượng và hơn nửa giàn khoan dầu khí đá phiến trên thế giới đã bị đóng cửa do thua lỗ.

Dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, chiếm 0,3% trữ lượng dầu mỏ được phát hiện của thế giới, cao thứ nhì Đông Á, thứ ba châu Á, thứ 28 trên thế giới. Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô (có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu thô ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong một vài năm tới, xếp thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác, và xếp thứ tư trong khối Đông - Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ), lại vừa là nước nhập khẩu dầu thô và xăng dầu thành phẩm (nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu của Việt Nam năm 2015 tăng 6% so với năm trước, ước khoảng 16,4 triệu tấn, với 50% được thỏa mãn từ nhập khẩu). Giá xăng dầu nhập khẩu giảm là nhân tố tích cực giúp giảm giá bán lẻ, kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước (năm 2015, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã có 6 lần giảm giá và 4 lần tăng giá (năm 2014 đã giảm 14 lần tăng 5 lần); đồng thời, giúp giảm chi phí đầu vào và kiểm soát lạm pháp ở mức thấp nhất 16 năm qua; tiết kiệm một khoản ngoại tệ đáng kể khi nhập khẩu xăng dầu. Trong 11 tháng năm 2015, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu đạt 4,8 tỷ USD, tăng về lượng và giảm 31,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Giá dầu thô xuất khẩu giảm gây hụt thu NSNN (giảm 1 USD khiến hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng). Trong 11 tháng năm 2015, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm 0,2% về lượng và giảm 48,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2014; song, Bộ Tài chính khẳng định, với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách vẫn bảo đảm theo kế hoạch đặt ra và quyết tâm thực hiện vượt thu 8%, dù thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2015 được giảm còn 25% so với mức thuế 30-35% trước đó, giúp giảm áp lực lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Đặc biệt, do cơ chế quản lý thị trường xăng dầu song trùng bất đối xứng (vừa bảo đảm dự trữ quốc gia 15 ngày vừa thực hiện kinh doanh) và nhiệm vụ thu NSNN qua thuế môi trường và thuế nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu, trong khi cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu lại không linh hoạt, dễ gây nhiễu xu hướng giá thị trường, khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước luôn ở tình trạng “lên nhanh-xuống chậm”…

Những biến động của giá dầu thô luôn có ảnh hưởng trực tiếp và hai chiều tới đời sống kinh tế-xã hội trong nước. Những phản ứng chính sách và phản ứng thị trường về xăng dầu của Việt Nam cần linh hoạt, kịp thời, phù hợp, chủ động theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá, nhận định và thông tin đầy đủ chính xác. Tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất, kịp thời đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực. Khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi của giá xăng dầu dù xuống hay lên, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, NSNN, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu theo mục tiêu đã đề ra.

TS. NGUYỄN MINH PHONG​
 

Việc làm nổi bật

Top