Venezuela mổ ung nhọt dầu khí

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Từng là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách đất nước, giờ Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela bị xem là "ổ tham nhũng gây hại cho đất nước".

"Phá vỡ tập đoàn tội ác có tổ chức trong ngành công nghiệp dầu khí". Đó là ngôn từ mà Tổng Công tố Venezuela Tarek Saab đưa ra khi thông báo về việc 65 quan chức và doanh nhân cấp cao Tập đoàn dầu khí quốc gia (PDVSA) đã bị bắt vì cáo buộc dính líu tham nhũng.

Theo hãng tin AFP, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Caracas ngày 30-11, Tổng Công tố Saab thông báo trong số những người bị bắt có cựu Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Eulogio del Pino cùng cựu Chủ tịch PDVSA Nelson Martínez.

venezuela-nelson-bi-bat-1512121532102.jpg

Hai ông Nelson Martinez và Eulogio del Pino, trong một sự kiện tại thủ đô Caracas khi chưa bị mất chức và bị bắt - Ảnh: REUTERS
Hai ông Del Pino và ông Martínez, vừa bị Tổng thống Nicolas Maduro bãi nhiệm hôm 26-11, đã bị bắt hai ngày sau đó và cũng là những quan chức cấp cao nhất bị bắt cho tới nay liên quan tới vụ bê bối tại PDVSA.

Ông Saab giải thích rằng nhiều người trong số những người bị bắt là thành viên ban giám đốc công ty Citgo - chi nhánh lớn nhất của PDVSA tại Mỹ, và các công ty con của tập đoàn này tại Venezuela như Petrozamora, Petropiar và Bariven.

Ông cũng cảm ơn sự hỗ trợ và ủng hộ "vô điều kiện" của Tổng thống Maduro trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Tổng Công tố Saab nêu rõ rằng ông Martínez bị bắt bởi cáo buộc đã ký một hợp đồng tái cơ cấu nợ của Citgo mà không thông báo cho Chính phủ.

Tuần trước, cơ quan chức năng Venezuela cũng đã bắt giam Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch Citgo, bởi trong hợp đồng nói trên toàn bộ tài sản của chi nhánh này đã được sử dụng làm thế chấp.

Ông Saab cũng cho biết các quan chức cấp cao Citgo khai rằng chính ông Martínez là người đã đàm phán hợp đồng và việc làm này "tổn hại nghiêm trọng tới nguồn tài sản quốc gia".

Liên quan tới ông Del Pino, ông Saab giải thích quan chức này dính líu tới một đường dây tham nhũng trong liên doanh dầu khí Petrozamora của nước này với Nga, có trụ sở tại bang Zulia. Đường dây này đã chỉnh sửa con số sản lượng dầu khí khai thác trong giai đoạn 2015-2017, khiến liên doanh này thất thoát tới 15 triệu thùng, tương đương 500 triệu USD.

Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu khí hàng đầu thế giới nhưng vừa qua đã bị xếp vào hạng "phá sản một phần" và khó có đủ năng lực trả nợ.

vene-maduro-caracas-15-11-1512121411108.jpg

Tổng thống Maduro đang gặp khó khăn trong điều hành do ngân khố đất nước dần cạn kiệt - Ảnh: REUTERS

Vị Tổng Công tố đã lên án mạnh mẽ các hành vi tham nhũng của nhóm quan chức nêu trên, gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia Nam Mỹ vốn đem về đến96% nguồn ngoại tệ cho đất nước, và làm tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế.

Ông Saab khẳng định ngành tư pháp Venezuela sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Maduro.

Hôm 26-11, ngay sau khi cách chức Bộ trưởng Dầu khí lẫn lãnh đạo PDVSA, Tổng thống Maduro đã bổ nhiệm ngay Thiếu tướng Manuel Quevedo giữ chức Bộ trưởng Dầu khí kiêm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro cho biết, với việc bổ nhiệm Tướng Quevedo ông đưa ra cam kết "tái cơ cấu toàn bộ" PDVSA.

Tổng thống Maduro cũng tuyên bố có kế hoạch nâng sản lượng dầu khí hiện chỉ ở mức 1,9 triệu thùng/ngày. Vào năm 2016, sản lượng dầu khí của Venezuela ở mức 2,27 triệu thùng/ngày và con số này lên tới 3,2 triệu thùng/ngày năm 2008.

Nguy cơ vỡ nợ vẫn còn treo

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor (S&P) cho biết Venezuela hiện chưa thanh toán 2 khoản vay đến hạn trả. Thông tin này được cho là sẽ gây tác động tiêu cực đến nỗ lực trả nợ nước ngoài cũng như tiến trình tái cơ cấu nợ của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro nhằm vực dậy nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 22-11, hãng S&P cho biết sau thời gian 30 ngày gia hạn thêm, Venezuela vẫn chưa thanh toán 237 triệu USD khoản nợ của 2 loại trái phiếu đến hạn trả năm 2025 và 2026. Hãng này cảnh báo có thể hạ chỉ số đánh giá tín nhiệm của Caracas xuống mức "D" (vỡ nợ) nếu Chính phủ Venezuela không có các động thái mới.

Trước đó, S&P cũng tuyên bố Venezuela đang ở trong tình trạng "vỡ nợ một phần" sau khi nước này không trả được 200 triệu USD tiền nợ trái phiếu toàn cầu đúng hạn. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng có quyết định tương tự sau đó.

Giới quan sát cho rằng "núi" nợ xấu cao khiến của Venezuela đối mặt với nguy cơ hoặc chính phủ của Tổng thống Maduro buộc phải tuyên bố vỡ nợ đối với các khoản nợ nước ngoài và nợ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) hoặc các chủ nợ sẽ thực hiện điều đó. Điều này được cho sẽ tác động tiêu cực đến tiến trình tái cơ cấu nợ và đàm phán nợ của Caracas.

TƯỜNG NGUYỄN
tuoitre.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top