Việc đầu tư vốn của PVI mang hiệu quả đến đâu?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đại diện PVI cho biết, khoản đầu tư của Công ty Cổ phần PVI với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh tổng giá trị 450 tỷ đã lấy lại được toàn bộ.

450 tỷ đầu tư vào Tập đoàn Thiên Thanh đã được thu hồi

Ông Nguyễn Huy Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI cho biết, PVI là công ty cổ phần đại chúng, chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội, Cơ cấu cổ đông gồm có 49% là cổ đông nước ngoài, 51% còn lại thì trong đó 35% là vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cổ đông là các cá nhân tổ chức trong nước khác. Do vậy, tất cả các hoạt động của PVI đều được báo cáo Ban Kiểm soát và các cổ đông theo đúng quy định.

Nói về khoản vốn hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, ông Tuấn cho hay, năm 2011 Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có hai dự án triển khai và có nhu cầu cần nguồn vốn để hợp tác kinh doanh. Sau khi xem xét, PVI đánh giá hai dự án đó có hiệu quả nên đã hợp tác kinh doanh. Tổng số vốn là 450 tỷ .

Để đảm bảo cho việc quản trị vốn trong việc hợp tác kinh doanh, Tập đoàn Thiên Thanh đã ký hợp đồng thế chấp hai tài sản cho PVI gồm: Ngôi biệt thự 27 Tú Xương (Q3, TP HCM) và khách sạn Green Plaza (Đà Nẵng).

“Trong trường hợp Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh không hoàn trả được số vốn đầu tư thì PVI được quyền thu hồi hoặc bán hai tài sản đó để làm sao số tiền bỏ ra chắc chắn sẽ quay về”, ông Tuấn giải thích.

pvi.jpg

Năm 2014, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là ông Phạm Công Danh bị bắt trong vụ án vi phạm tại Ngân hàng Xây dựng nên tất cả tài sản đứng tên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đều bị phong tỏa, trong đó có cả hai tài sản đã thế chấp với PVI.

Sau đó PVI và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã làm đơn gửi cơ quan CSĐT, VKSNDTC để báo cáo về quá trình hợp tác kinh doanh giữa hai công ty là hoạt động bình thường giữa hai doanh nghiệp, tài sản thế chấp đã được hình thành từ rất lâu trước đó, dòng tiền không liên quan đến vụ việc của Ngân hàng Xây dựng.

Cơ quan chức năng tiến hành xác minh và xác định kiến nghị của PVI và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là có căn cứ. Từ kết quả đó, cơ quan CSĐT, VKSNDTC đã đồng ý giải tỏa kê biên và hai bên đã hoàn tất việc xử lý hai tài sản, thanh lý Hợp đồng Hợp tác kinh doanh trước đó.

Ông Tuấn khẳng định, đến thời điểm hiện tại phần tiền vốn 450 tỷ PVI bỏ ra đã thu hồi lại và thậm chí còn có lãi bởi những năm trước PVI đã có lợi nhuận từ hợp tác kinh doanh lên đến 200 tỷ.

Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo mới nhất của Ban kiểm soát nội bộ PVN, ngày 29/7/2016, cho biết trong tổng số 450 tỷ với 2 hợp đồng hợp tác với công ty Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh thì hiện tại PVI đã giải quyết dứt điểm được 150 tỷ đồng với dự án đầu tư kinh doanh khách sạn Green Plaza. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định tất cả 450 tỷ đầu tư vào công ty của Phạm Công Danh đã đòi được hết.

Nhiều khoản đầu tư thua lỗ?

Theo tài liệu của phóng viên có được, Báo cáo của PVN về sử dụng vốn của PVI khẳng định, lợi nhuận của PVI chủ yếu từ 2 công ty con là Tổng Công ty bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI và lãi tiền gửi ngân hàng. Còn các hoạt động đầu tư khác (hợp tác đầu tư, chứng khoán, ủy thác…) hầu như không mang lại hiệu quả, nhiều khoản mục đầu tư không có khả năng thu hồi vốn và PVI đã phải trích lập dự phòng cho các khoản mục này là 327,2 tỷ đồng.

Cụ thể, về hoạt động uỷ thác đầu tư, PVI hiện còn tồn tại các ủy thác cho SeaBank Hải Phòng để cho khách hàng là CTCP Đầu tư và vận tải DK Vinashin vay vốn mua tàu ngày 18/2/2008 số tiền gốc ban đầu là 160 tỷ đồng, thời hạn 60 tháng. Đến thời điểm 30/9/2015, dư nợ gốc quá hạn đã lên tới 77,44 tỷ đồng và lãi phải thu quá hạn là 9,99 tỷ đồng. Ngoài ra, PVI cũng ủy thác cho vay với SHB 100 tỷ đồng; ủy thác cho Công ty tài chính Cổ phần Sông Đà 100 tỷ đồng; PVI còn một khoản đầu tư cổ phiếu OTC với tổng giá trị 107 tỷ đồng… nhưng chưa rõ hiệu quả thế nào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên tới một số khoản đầu tư khác được cho là không hiệu quả, ông Tuấn giải thích:

Đối với Công ty Cổ phần chứng khoán SME (SME), năm 2011 PVI ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh cổ phiếu với SME, tổng số tiền PVI đầu tư khoảng 100 tỷ. Thời điểm đó, việc xác nhận số dư chứng khoán trên tài khoản khách hàng thuộc về trách nhiệm của các công ty chứng khoán, thành viên trung tâm lưu ký chứng khoán nhà nước, SME giới thiệu khách hàng của mình muốn bán cổ phiếu ngắn hạn cho PVI và xác nhận số dư trên tài khoản khách hàng, sau khi đánh giá giá trị số cổ phần do SME xác nhận, PVI đã đồng ý mua. Tuy nhiên, sau một thời gian PVI phát hiện thực tế không có số chứng khoán nói trên tại tài khoản công ty chứng khoán SME.

“Sau đó chúng tôi đã báo cáo Cơ quan CSĐT – Bộ công an để đề nghị làm rõ thì SME đã hoàn trả 65 tỷ tiền mặt cho PVI. Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát tiếp tục thu hồi và trả thêm cho PVI 18 tỷ. Tính đến thời điểm này PVI thu hồi được khoảng 80% số vốn bỏ ra”, ông Tuấn nói.

Đối với khoản đầu tư ủy thác cùng Ngân hàng Seabank Hải Phòng và ngân hàng SHB để mua tàu, ông Tuấn cho biết, hai còn tàu này PVI góp vốn cùng với các Ngân hàng cho hai công ty thành viên thuộc tập đoàn Vinashin là CTCP đầu tư vận tải Dầu khí Vinashin và CTCP Vận tải biển Việt Hải mua tàu vận tải từ cách đây khoảng 10 năm. Tàu thứ nhất PVI thu được 70 % gốc, con tàu thứ hai được 40% gốc.

“Ngày đó PVI cũng có lý do để đầu tư mua hai con tàu, thứ nhất là do đầu tư vào tàu rất hiệu quả, giá vận tải tăng vọt, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá tàu và giá vận chuyển tăng hàng ngày. Thứ hai, khi bán tàu mình có thể ăn giá chênh lệch”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cũng cho biết, con tàu thứ nhất sau khi mua xong rất có lãi nhưng sau khoảng nửa năm thì giá tàu rớt thảm hại nên quyết định bán tàu cắt lỗ. PVI thu được 70% - 80% tiền vốn.

Con tàu thứ hai PVI mua cùng SHB. Cũng như con tàu thứ nhất, sau khi mua xong cũng phải bán và cắt lỗ. PVI thu lại được một phần vốn nhưng lỗ sâu hơn, khoảng 40%.

Trả lời câu hỏi liên quan đến khoản vốn ủy thác cho Công ty tài chính Sông Đà, thì ông Tuấn cho biết đến nay PVI đã thu hết 100% vốn. Ông Tuấn giải thích, sau khi công ty tài chính Sông Đà được Ngân hàng quân đội mua lại thì PVI đã đàm phán được với Công ty Tài chính Sông Đà và Ngân hàng quân đội để thu lại toàn bộ số tiền gốc 100 tỷ và một phần tiền lãi.

Theo ông Tuấn các khoản đầu tư trên đã được Ban Lãnh đạo công ty tự kiểm điểm lại rút kinh nghiệm là chưa được hiệu quả nếu tính riêng rẽ tách bạch từng khoản mục đầu tư , tuy nhiên để đánh giá vào hoạt động đầu tư nói chung của cả công ty thì phải nhìn vào kết quả tổng thể danh mục, có khoản lỗ, khoản lãi nhưng ông Tuấn khẳng định tổng hòa lại là kết quả kinh doanh đầu tư của PVI có lãi. “Việc một khoản đầu tư thành công hay thất bại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan cũng như yếu tố may mắn cũng không thể không nhắc đến”, ông Tuấn chia sẻ.

MINH PHÚC
Nguồn: Người đưa tin​
 

Việc làm nổi bật

Top