Việt Nam đóng giàn khoan tự nâng: Có cơ hội xuất khẩu

Admin

Administrator
Thành viên BQT
Sau giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, Việt Nam tiếp tục hạ thủy thành công giàn khoan Tam Đảo 05.

Nội địa hóa cao, tiến tới xuất khẩu?

Ngày 13/12, giàn khoan tự nâng 120m nước (Tam Đảo 05) với tổng trọng lượng 18.000 tấn có khả năng khoan tới mỏ dầu khí có độ sâu 9.000m đã được hạ thủy tại Vũng Tàu. Đây là dự án cơ khí chế tạo trọng điểm quốc gia do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 là giàn khoan lớn nhất từ trước tới nay, được thiết kế theo mẫu của Công ty Friede & Goldman (Hoa Kỳ). Giàn khoan có khả năng chất tải tới gần 3.000 tấn và hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12. Giá trị của giàn khoan lên tới 230 triệu USD.

Trước đó, PV Shipyard cũng đã chế tạo thành công và bàn giao giàn khoan tự nâng 90 mét nước (Tam Đảo 03) cho Vietsovpetro.

Đánh giá cao thành công mới của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, KS Hoàng Hùng, Tổng thư ký Hội KHKT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho rằng, về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể đóng được các giàn khoan tiên tiến, đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Ông dẫn lời Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá, với giàn khoan Tam Đảo 05, Việt Nam đã đứng thứ 10 trong số các nước có thể đóng được giàn khoan trên thế giới.

Đặc biệt, Tổng thư ký Hội KHKT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam nhận định, thành công lớn nhất của giàn khoan Tam Đảo 05 chính là tỷ lệ nội địa hóa đã lên tới trên 40%.

Theo đó, trên cơ sở thiết kế chuẩn của Friede & Goldman, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn thiện hơn khả năng thiết kế chi tiết cũng như khả năng quản lý dự án, qua đó hoàn thành dự án đúng tiến độ và đã tiết kiệm được nhiều triệu USD phải trả cho chuyên gia nước ngoài.

Nhiều cấu kiện kỹ thuật phức tạp đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối cũng được đội ngũ kỹ sư, công nhân của PV Shipyard đảm đương. Điển hình là bộ phận hộp số của hệ thống nâng hạ giàn khoan.

8630224df854ffff807990923a68f833_TamDao_9.jpg

Nếu như trước đây, hệ thống này phải nhập về nguyên chiếc, thì đến nay PV Shipyard đã có thể mua cấu kiện, vật tư rời về tự chế tạo, lắp ráp, căn chỉnh tại bãi chế tạo. Đây là bộ phận đặc biệt quan trọng của giàn tự nâng, với độ dung sai cho phép chỉ 0,053mm.

"Tôi cho rằng thành công của Việt Nam trong việc đóng giàn khoan tự nâng là nhờ Nhà nước đã đầu tư vào khoa học công nghệ một cách chuẩn mực.

Cách đây 5 năm, ngay từ khi Việt Nam chưa có cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học, Bộ Khoa học Công nghệ đã phê duyệt dự án lớn nhất trong lịch sử ngành khoa học Công nghệ Việt Nam, hỗ trợ cho PV Shipyard làm chủ thiết kế và chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước với mức đầu tư rất lớn - 114 tỉ đồng.

Chỉ trong vòng 2 năm, PV Shipyard đã thành công trong việc chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03. Và bây giờ là giàn khoan Tam Đảo 05", KS Hoàng Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến khả năng xuất khẩu các giàn khoan tự nâng.

"Khả năng để Việt Nam xuất khẩu giàn khoan tự nâng hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu có nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác. Phải sản xuất theo một series chứ không phải đóng một chiếc vì không kinh tế. Đối với trong nước, tùy nhu cầu của ngành dầu khí đặt đến đâu thì làm đến đấy".

Báo Đất Việt​
 

Việc làm nổi bật

Top