Vinashin muốn thoát “cục nợ” PV Shipyard

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) sẽ bán toàn bộ 4,4 triệu cổ phần của PV Shipyard – tương ứng 7,53% vốn tại tổ chức này nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và các khoản đầu tư ngoài ngành.

Ngày 21/10 tới, Sở GDCK Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá bán hơn 4,4 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) thuộc sở hữu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC - Vinashin).

SBIC sẽ đưa ra đấu giá: 4.479.257 cổ phần – tương ứng 7,53% vốn của PV Shipyard với giá khởi điểm bằng mệnh giá – 10.000 đồng/CP.

SBIC cho biết đợt thoái vốn này nằm trong đề án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính. Việc bán toàn bộ phần vốn góp hàng chục năm qua tại PV Shipyard nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và các khoản đầu tư tại các doanh nghiệp, bổ sung vốn cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty.

gian_khoan_tam_dao_0510_38_32_000000.jpg

Về phía PV Shipyard, đơn vị này ra đời vào năm 2007 nhằm thực hiện nhiệm vụ do Tập đoàn dầu khí PVN giao phó là phát triển lớn mạnh ngành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí tại Việt Nam.

Hiện vốn điều lệ của PV Shipyard đang là 595 tỷ đồng với sự góp mặt của các ông lớn như Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam PTSC góp 28,75%, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt nam (SBIC) góp 7,53%, BIDV và Lilama mỗi bên sở hữu 4,03% vốn, Liên doanh Vietsovpetro-VSP cũng “dây phần” với 3,63% vốn.
co_cau_co_dong_pvshipyard10_37_22_000000.png
Bên cạnh đó, tháng 3/2015, PV Shipyard cũng đã thông qua việc phát hành thêm 61,92 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu Thủy Dung Quất (DQS) – tương đương 51% vốn điều lệ, theo đó, DQS sẽ là đơn vị nắm quyền chi phối, điều hành PV Shipyard sau khi việc tăng vốn được tiến hành.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ được thực hiện trong năm 2016, tuy nhiên đến nay PV Shipyard vẫn chưa có động thái chính thức nào.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2016, vấn đề này tiếp tục được đưa ra thảo luận. Chủ tịch HĐQT PV Shipyard cho biết phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho DQS để tăng vốn điều lệ đã quá thời hạn quy định phải hoàn thành đợt chào bán trong thời gian 90 ngày UBCKNN nhận được hồ sơ đăng ký.

Do đó, Phương án phát hành cố phiếu tăng vốn để DQS có thể nắm 51% vốn tại PV Shipyard phải trình lại ĐHĐCĐ 2016 thông qua.

Theo tư vấn của CTCP chứng khoán dầu khí – cũng là một đơn vị “người nhà” của “dòng tộc” PVN thì PV Shipyard sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi công nợ số tiền 620 tỷ đồng cho DQS (DQS là đơn vị được PVN giao quản lý phần vốn PV Shipyard đang nợ PVN).

Tuy nhiên, tỷ lệ biểu quyết đồng ý nội dung này của đại hội là 63,717% và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cũng đã đề nghị PV Shipyard có văn bản giải trình làm rõ hiệu quả của phương án tăng vốn để SBIC xem xét và có ý kiến bằng văn bản sau đại hội.

Trong trường hợp SBIC nhất trí với phương án hoán đổi công nợ “nội tộc” trên giữa PVN – DQS – PV Shipyard thì ĐHĐCĐ 2016 sẽ thống nhất thông qua Phương án tăng vốn năm 2016, dự kiến thực hiện vào quý II-III năm nay.

Với động thái bất ngờ của SBIC muốn thoái sạch vốn, dứt hẳn “duyên nợ” với PV Shipyard trong tháng 10 tới đây, có thể”gió sẽ đổi chiều” và ý kiến của SBIC cũng không còn là bước cản đối với kế hoạch tăng vốn lên hơn gấp đôi – 1.215 tỷ đồng của PV Shipyard.

Hoa Liên - ANTT.vn​
 
Sửa lần cuối:

Việc làm nổi bật

Top