Vốn ngoại áp đảo lọc hóa dầu

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Không lâu sau khi nhận được sự đồng ý về chủ trương nắm trọn Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đến từ Thái Lan đã khởi công Dự án, đánh dấu bước ngoặt mới trong quá trình triển khai.

Luồng gió mới

Để Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam chính thức thuộc về SCG vẫn cần thêm thời gian hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng 29% vốn góp mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nắm giữ sang SCG. Bởi vậy, ở thời điểm khởi công xây dựng vừa diễn ra, PVN vẫn là một bên trong Dự án có quy mô vốn góp hiện được biết tới là 5,4 tỷ USD.

Trước đó, ngày 20/12/2017, phía SCG đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép được mua lại toàn bộ phần vốn góp của PVN tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, kèm theo một số điều kiện để Dự án có thể triển khai thuận lợi. Đề nghị này cũng nhanh chóng nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương của Chính phủ.

von-ngoai-ap-dao-loc-hoa-dau1519601001.jpg

Lễ khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam diễn ra ngày 24/2, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: H.P
Như vậy sau đúng 10 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư vào năm 2008 và làm lễ khởi công san lấp mặt bằng phục vụ xây dựng, Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã bước vào giai đoạn chính thức xây dựng nhà máy và chỉ còn một nhà đầu tư ngoại đến từ Thái Lan.

Thông tin từ SCG cho hay, tới thời điểm hiện tại, SCG đã đầu tư 30 tỷ baht (khoảng 20.400 tỷ đồng) vào dự án này, chủ yếu để mua quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, sau lễ khởi động vừa được thực hiện, Dự án sẽ cần khoảng 4,5 năm để xây dựng trước khi đi vào hoạt động chính thức.

Khi đi vào vận hành thương mại, Dự án sẽ tạo ra trên 1.000 việc làm và đóng góp cho ngân sách quốc gia 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm) trong suốt 30 năm, kể từ khi đi vào hoạt động.

Để bảo đảm hoạt động, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã có hợp đồng cung cấp nguyên liệu với Công ty Kinh doanh dầu mỏ quốc tế Qatar (Qatar International Petroleum Marketing Company Ltd - Tasweeq) và đang đàm phán ký Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh một số điều khoản tạo điều kiện tiếp tục duy trì hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn đã ký trước đây.

Tới nay, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cũng đã phê duyệt kết quả lựa chọn và có thư trao thầu (LOA) cho các nhà thầu trúng thầu của các gói thầu EPC chính. Hiện Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn đang khẩn trương hoàn thành và trình kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu EPC còn lại.

quote_open.gif
Với quy mô 5,4 tỷ USD và có thể sẽ tăng thêm vài trăm triệu USD nữa khi hoàn tất các thủ tục liên quan đến mua lại cổ phần và chuyển đổi giấy phép đầu tư, Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam được xem là một trong những Dự án có vốn đầu tư lớn nhất của SCG tại ASEAN.
quote_close.gif




Vốn ngoại phủ sóng

Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam khi đi vào hoạt động sẽ là tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn, công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ethan, proban… Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM). Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các lĩnh vực sản xuất bao bì, tơ sợi, linh kiện ô tô, thiết bị điện tử…, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu trong nước, thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam.

Trong báo cáo thường niên năm 2017 của SCG, số lượng doanh nghiệp, đơn vị có vốn góp của SCG đang hoạt động tại Việt Nam được liệt kê là 40, trong tổng số 305 công ty con hay công ty có vốn góp của SCG đang hoạt động trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp này đang hoạt động tập trung tại 3 lĩnh vực chính mà SCG theo đuổi là hóa dầu, bao bì, xi măng - vật liệu xây dựng. Đây cũng sẽ là nơi tiêu thụ lượng không nhỏ sản phẩm được làm ra từ Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam.

Việc SCG được chấp thuận trở thành nhà đầu tư duy nhất trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam tiếp tục khiến đầu tư trong ngành lọc hóa dầu tại Việt Nam lệch hẳn về phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Ở thời điểm hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động từ năm 2009, với vốn điều lệ được xác định hơn 31.000 tỷ đồng, tuy vẫn do phía Việt Nam nắm cổ phần chi phối sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vừa qua, song rất chờ đợi nhà đầu tư nước ngoài thành cổ đông lớn.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn cho hay, có 2 đơn vị nước ngoài đặt vấn đề mua tối đa cổ phần là 49%, gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).

Một số tập đoàn dầu khí trên thế giới như Rosneft (nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga), Tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT (công ty dầu khí lớn nhất của Thái Lan) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait cũng đã đánh tiếng mua cổ phần của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn quy mô hơn 9 tỷ USD đang chuẩn bị đi vào hoạt động thương mại, phần nắm giữ của nhà đầu tư Việt Nam chỉ là 25,1%. Số còn lại thuộc về các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Kuwait.

Còn tại Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam thì vốn ngoại đã vươn lên nắm toàn bộ dự án sau 10 năm triển khai các bước chuẩn bị.

Với thực tế PVN - doanh nghiệp nhà nước được giao trọng trách chính trong phát triển ngành dầu khí tại Việt Nam - đang vướng vào không ít khó khăn tại hàng loạt dự án đã và đang triển khai cũng như có sự chững lại trong các hoạt động đầu tư mới, hay chưa có gương mặt nào nổi trội trong khối tư nhân trong nước xuất hiện tại ngành này, thì đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu nói riêng và dầu khí nói chung, đang có xu thế chờ vốn ngoại.

Thanh Hương
Báo Đầu tư
 

Việc làm nổi bật

Top