Vận mệnh hai đại gia dầu khí: 'Hàng xóm' Petronas không ngừng lớn mạnh, PVN rơi vào "khủng hoảng"

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cùng là hai tập đoàn dầu khí quốc gia tại hai nước Đông Nam Á nhưng Petronas của Malaysia đã và đang trở thành tên tuổi tầm cỡ quốc tế, trong khi PVN lại "đang ở giai đoạn khủng hoảng, tâm tư"...

Năm 2008, khi còn làm Chủ tịch HDQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN), ông Đinh La Thăng từng nói trước báo giới: "Tập đoàn Petronas của Malaysia là mô hình rất tốt và PetroVietnam đang điều chỉnh để phát triển, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đuổi kịp Petronas".

Năm 2007, doanh thu của ngành dầu khí Việt Nam mới đạt 14 tỷ USD (trong khi riêng Petronas đạt 52 tỷ USD). Tại thời điểm đó, theo ông Thăng, đến năm 2015, "khi các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn đã đi vào hoạt động thì doanh thu cực lớn". Tuy nhiên, đến nay, các nhà máy lọc dầu này vận hành trục trặc, thua lỗ lớn hoặc chậm tiến độ, thậm chí có dự án chưa kịp "ra hàng" đã phải lo việc "sống còn".

pvn-1405.jpg

Năm 1991, Petronas (Petroliam Nasional Bhd) chính thức đặt chân vào Việt Nam với hợp đồng hợp tác đầu tiên với với PVN phân chia sản phẩm dầu khí tại lô số 01& 02 ngoài khơi tỉnh Vũng Tàu. Cả hai tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - Malaysia đã hợp tác trong suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên, hợp đồng khai thác dầu khí chung giữa Petronas và PVN đã hết hạn vào đầu tháng 9 năm nay và dù phía Malaysia khẳng định "vẫn đang còn nhiều dư địa cho hai tập đoạn tiếp tục hợp tác" nhưng sự hiện diện của Petronas tại Việt Nam bắt đầu giảm dần phần nào.

Petronas: Sức mạnh kinh tế Malaysia

Được thành lập từ tháng 8/1974, Petronas từ một công ty dầu khí quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia với hơn 400 công ty con và hơn 40 công ty liên doanh (trong đó tập đoàn nắm giữ ít nhất 50% cổ phần).

Petronas thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo bình chọn của Fortune Global (xếp thứ 75 năm 2013 với doanh thu năm 2012 đạt 94,2 tỷ USD và lợi nhuận ròng 16 tỷ USD).

Năm 2007, thời báo tài chính Financial Times xác định Petronas là một trong "new seven sisters": các công ty dầu khí quốc doanh có ảnh hưởng nhất từ các quốc gia ngoài nhóm OECD.

Được nhà nước trao toàn bộ quyền kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ tại Malaysia, Petronas có đầy đủ các công ty kinh doanh và dịch vụ từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn, từ khai thác đến hoá dầu, kinh doanh và tiếp thị các sản phẩm dầu.

Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư một phần nhỏ vào lĩnh vực bất động sản. Trụ sở của tập đoàn hiện đặt tại tòa tháp 88 tầng nổi tiếng Petronas Twins Tower – một biểu tượng sức mạnh kinh tế của Kuala Lumpur.

Lãnh đạo của Petronas từng chia sẻ, để trở thành một tập đoàn có hạng trên thị trường quốc tế từ một công ty dầu khí thuần túy của chính phủ, Petronas đã tiến hành quá trình thu hút đầu tư từ khu vực đầu tư tư nhân trong nước lẫn nước ngoài.

Quan điểm của tập đoàn này là một công ty muốn vươn ra quốc tế thì nhà nước không thể nắm giữ hay sở hữu 100% cổ phần, vì yêu cầu về vốn cũng như rủi ro gặp phải là rất lớn. Hiện nay, nhà nước chỉ nắm khoảng 60% vốn đầu tư tại Petronas.

Theo một nghiên cứu của TS. Trần Ngọc Toản, đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao (Đại học Duy Tân Đà Bẵng), ở trong nước, Petronas là ông chủ cuả 198 mỏ đang khai thác, 155 giàn khoan trên thềm lục địa trong 101 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và 6 hợp đồng phân chia rủi ro.

Mùa hè 2016, Petronas xuất xưởng lần đầu tiên trên thế giới thiết bị hóa lỏng khí đốt nổi (PFLNG Satu), vượt trước con tầu Prelude của tập đoàn dầu khí lớn thứ hai thế giới - Shell, có công suất cao gấp 3 lần hơn một năm. Petronas tự hào gọi phương tiện hóa lỏng khí nổi của mình là “người thay đổi ván bài”.

Với thành tựu công nghệ mới này, Petronas được chọn xếp vào danh sách các tập đoàn dầu khí quốc gia (NOC) đứng đầu thế giới gồm: Saudi Aramco (Ả-rập Xê-út), StatOil (Nauy), Petrobras (Brazil) trong việc dám đầu tư phát triển công nghệ mới, cạnh tranh với các tập đoàn dầu khí tư nhân quốc tế lớn từ lâu được mệnh danh là “vua dầu mỏ”.

Petronas thăm dò, khai thác dầu khí trên 20 quốc gia, vốn đầu tư trong lĩnh vực này chiếm đến một nửa vốn đầu tư của toàn tập đoàn. Petronas còn là một trong những nhà đại diện và là chi nhánh đầu tư thương mại cho các công ty nước ngoài. Tài sản dầu khí của Petronas ở Australia và ở một số nước tương đối ổn định về kinh tế và chính trị cũng là một giải pháp giúp cắt giảm rủi ro địa chính trị cho các tài sản của tập đoàn ở nước ngoài.

Dù vậy, tác động tiêu cực của giá dầu thấp cũng gây thiệt hại không hề nhỏ cho Petronas. Riêng quý II/2016, lợi nhuận của tập đoàn giảm 85% xuống còn 1,62 tỷ RM (Rigit Malaysia, tương đương 402 triệu USD) từ mức 11,07 tỷ RM của quý II/2015. Doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, còn 48,4 tỷ RM.

Đứng trước bối cảnh ấy, Petronas tiến hành cải tiến tổ chức, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh về nhân sự cấp cao nhằm tiết kiệm chi phí. Năm 2016, lãnh đạo tập đoàn chỉ còn 1 tổng giám đốc và 2 phó tổng giám đốc. Tập đoàn cũng hoãn, cắt bỏ các đề án ít hoặc không có khả năng mang lại lợi nhuận, tập trung vốn cho đầu tư phát triển công nghệ cao và các đề án được chọn lọc có lãi lớn, nhất là trong các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn.

Kế hoạch năm 2017 của Petronas được lập trên cơ sở dự báo giá dầu thô ở mức chỉ 30 USD/thùng. Công ty tư vấn đầu tư Moody đánh giá cơ cấu chương trình tiền mặt của Petronas trong năm tới thuộc loại “excellent” (xuất sắc).

PVN "đang trong giai đoạn khủng hoảng, tâm tư"

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN) được thành lập năm 2006, có tiền thân là Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (năm 1990).

Hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ 100% vốn điều lệ tại PVN. Vì thế, việc khai thác dầu khí thuộc lĩnh vực nhà nước hoàn toàn quản lý không có công ty tư nhân nào trong nước tham gia.

Mặc dù vẫn là tập đoàn có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam nhưng một số công ty thành viên của PVN như PVC, PVD, DMC đang chịu thua lỗ những năm gần đây.

Tại buổi làm việc ngày 19/7 với Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết PVN "đang trong giai đoạn khủng hoảng, tâm tư".

Hiện PVN không chỉ chịu áp lực từ giá dầu thấp, kinh doanh sụt giảm, phải xử lý 5 dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả (gồm 3 dự án nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, Dung Quất, Bình Phước; xơ sợi Đình Vũ (PVTex) và đóng tàu Dung Quất), mà khó khăn lớn nhất là những sóng gió liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến hàng loạt lãnh đạo tập đoàn trong vụ “mất trắng” 800 tỷ đồng đầu tư vào OceanBank.

Dù vậy, giữa "tâm bão", PVN vẫn báo cáo hàng loạt chỉ tiêu tài chính "vượt xuất sắc" kế hoạch đề ra trong năm 2017. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2017 của PVN, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 319,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách ước 60,2 nghìn tỷ đồng, vượt 19% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, các con số đó chỉ được so với kế hoạch mà tập đoàn tự đặt ra trong khi các chỉ tiêu tài chính, kinh doanh của tập đoàn có tổng vốn nhà nước đầu tư lên đến 312.700 tỷ đồng này đang lao dốc.

Theo báo cáo của PVN, sản lượng khai thác dầu khí liên tục giảm, nhất là từ năm 2015 đến nay. Năm 2014 là 27,6 triệu tấn, năm 2015 khai thác 29,42 triệu tấn, giảm xuống còn 27,84 triệu tấn năm 2016 và dự kiến năm nay chỉ đạt 23,81 triệu tấn.

Trong vòng 4 năm qua, tổng doanh thu toàn tập đoàn giảm liên tục từ con số 745,5 nghìn tỷ đồng xuống còn 452,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2016, kế hoạch năm 2017 chỉ đặt mục tiêu đạt mức 437,8 nghìn tỷ.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn cũng giảm từ 42,92 nghìn tỷ đồng trong năm 2014 xuống còn 30,695 nghìn tỷ đồng năm 2015 và tụt mạnh xuống 23,5 nghìn tỷ đồng năm 2016.

Báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với PVN hồi đầu tháng 8, Tổng giám đốc Vũ Trường Sơn cho hay, tập đoàn đã đem về lợi nhuận sau thuế 14,1 nghìn tỷ đồng sau 7 tháng - đạt 85% kế hoạch.

Tất nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của PVN trong giai đoạn thị trường dầu thế giới gặp khó khăn nhưng phần nào đó, những con số kể trên cũng là góc nhìn khác về báo cáo trước công chúng của PVN.

Đết hết năm 2016, nợ phải trả của PVN là 87.483 tỷ đồng, tăng hơn 12.000 tỷ so với thời điểm cuối năm 2015, trong đó chủ yếu đến từ các khoản nợ dài hạn.

Theo các chuyên gia, cho đến nay PVN không được quản lý theo mô hình một doanh nghiệp thật sự, như mô hình của Petronas (Malaysia) hay PTT (Thái Lan)… trong khi đây là hai tập đoàn dầu khí nhà nước giống như PVN nhưng cách thức vận hành rất khác. PVN vẫn chưa có quyền tự chủ thật sự nên rất khó, rất lúng túng trong công tác quản trị doanh nghiệp.

Hiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của PVN bị xé lẻ, phân tán, tạo sự cạnh tranh nội bộ, dẫn tới sự thiếu sự kết nối giữa các đơn vị và làm suy yếu sức mạnh nội lực tổng hợp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN vẫn mang nặng cơ chế xin - cho, thiếu tính tự chủ đã làm hạn chế rất nhiều hiệu quả của một tập đoàn kinh tế lớn.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San tại Hội thảo “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức mới đây đã kết luận rằng: "Đây là điềm báo về sự tụt hậu không tránh khỏi của PVN trong tương lai gần, lợi nhuận trên doanh thu thấp, cần sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao để tăng thêm giá trị gia tăng".

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hội nhập quốc tế, cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát về cơ chế đầu tư ra nước ngoài,... Ngoài ra, PVN không nên kỳ vọng kịch bản giá dầu cao hơn mà cần tìm cách giảm chi phí để giá thành thấp hơn giá thương mại.

Việt Nam được đánh giá đứng vị trí thứ ba về công nghiệp dầu khí trong ASEAN sau Malaysia, nhưng thực tế PVN vẫn còn có một khoảng cách khá xa so với Petronas.

 
Sửa lần cuối:

Việc làm nổi bật

Top