Cựu TGĐ Oceanbank: 'Mỗi lần chi cho Vietsovpetro 10.000-20.000 USD'

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nói về việc chi lãi ngoài, cựu TGĐ Oceanbank khẳng định đã nhiều lần chi tiền cho Vietsovpetro, mỗi lần 10.000-20.000 USD. Trước đó, đại diện đơn vị này đã phủ nhận.

Sáng 1/9, bước sang ngày thứ 5 xét xử đại án Oceanbank. Đến 8h30, HĐXX đã thẩm vấn được nhiều đơn vị, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc chi và nhận lãi ngoài. Hầu hết những người được hỏi đều khẳng định không nhận bất kỳ khoản lãi ngoài nào từ Oceanbank, trong đó có đại diện của Vietsovpetro - đơn vị gửi tiền tại Oceanbank.

Trước lời phản pháo của các tổ chức, chủ tọa đã để Nguyễn Xuân Sơn đối chất. Bị cáo khẳng định đã nhiều lần vào Vũng Tàu để đưa tiền cho đại diện của Vietsovpetro.

xuanson.jpg

"Bị cáo đưa tiền cho ai?”, chủ tọa hỏi. Sơn khai đã nhiều lần đưa tiền cho kế toán trưởng Vietsovpetro là ông Võ Quang Huy và Tổng giám đốc công ty này là ông Nguyễn Hữu Tuyến. "Định kỳ đến hỏi thăm tình hình hợp tác và cám ơn người ta. Mỗi lần khoảng 10.000 đến 20.000 USD hoặc 200 đến 300 triệu đồng", cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank - Nguyễn Xuân Sơn khai.

Cùng khai nhận việc đã chi tiền cho Công ty Vietsovpetro, bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cũng được HĐXX đặt câu hỏi. Giống như Sơn, bị cáo Thu nói đã nhiều lần chuyển tiền cho Vietsovpetro.

Theo lời Thu, tháng 1/2011 đến 6/2012, trung bình cứ 1-2 tháng, Oceanbank lại vào Vũng Tàu gửi tiền cho Vietsovpetro. Từ tháng 6/2014, thì 3 tháng/lần. Mỗi lần đưa tiền, bị cáo Thu đều nhờ Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu liên hệ trước.

Về số tiền chi lãi ngoài, Thu nói do Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của Vietsovpetro.

Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Oceanbank Nguyễn Thị Minh Thu khai, giai đoạn năm 2008-2014, tiền gửi của Vietsovpetro thời cao điểm nhất lên đến hơn trăm triệu USD. Theo mức chi lãi ngoài không kỳ hạn do Hà Văn Thắm phê duyệt đối với Việt Nam đồng, số tiền Oceanbank chuyển cho đối tác khoảng 0,1%/tháng. Từ cuối năm 2012, do sức ép thị trường, ngân hàng đưa ra mức mới 0,15%/tháng. Còn đối với USD, mức chi lãi ngoài khoảng 0,02 - 0,05%/tháng.

Để làm rõ việc này, chủ tọa đã yêu cầu thư ký tòa làm giấy triệu tập Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của Vietsovpetro đến tòa trong phiên xử tiếp theo.

Cùng được mời thẩm vấn trong phiên xử sáng nay, đại diện cho Tổng công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và các tổ chức chính trị của công ty này cũng phủ nhận việc các cá nhân của đơn vị đã nhận tiền chi lãi ngoài như lời khai của một số bị cáo.

Người được Tổng công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn ủy quyền nói công ty không có quan hệ BSC - công ty sân sau của Hà Văn Thắm. Việc ông Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo khác nói đã chuyển tiền chi lãi ngoài cho các cá nhân Tổng công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ là lời tố cáo một chiều. Lãnh đạo công ty khẳng định không nhận lãi ngoài khi gửi tiền tại ngân hàng Đại Dương.

Ghi nhận của Zing.vn, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí cũng là một trong số hàng chục đơn vị của ngành dầu khí được thẩm vấn sáng 1/9. Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Trưởng ban tài chính, cho biết Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí có hoạt động gửi tiền tại Oceanbank. Tuy nhiên, ngoài tiền lãi theo quy định, tổng công ty và cá nhân ông Hùng không nhận tiền chăm sóc khách hàng từ ngân hàng Đại Dương.

Trước câu trả lời trên, thẩm phán đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Trà My (nguyên Phó giám đốc Oceanbank chi nhánh Thăng Long) lên đối chất. Trả lời HĐXX, bị cáo My nói bà được Nguyễn Thị Minh Phương nhờ cầm tiền đưa cho ông Hùng tại trụ sở.

"Cầm mấy lần và số tiền bao nhiêu", HĐXX hỏi. Nguyên Phó giám đốc Oceanbank chi nhánh Thăng Long nói: “4 lần khoảng 14 tỷ đồng. Khi đưa tiền chỉ có bị cáo và anh Hùng”.

Nghe HĐXX nói ngoài bị có My còn có một số người khác khai đã nhiều lần đưa tiền chi lãi ngoài cho Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí, ông Nguyễn Tuấn Hùng khẳng định: “Tổng công ty không nhận bất cứ khoản nào ngoài lãi suất. Bản thân tôi không biết và chưa từng làm việc với chị Trà My và bản thân tôi chưa nhận bất cứ khoản nào từ Oceanbank”.

Bảo vệ lời khai của mình, ông Hùng nói với tư cách Trưởng ban tài chính tổng công ty, ông không trực tiếp làm việc với Ngân hàng Đại Dương và quyết định việc gửi tiền.

Trước câu hỏi: "Anh lý giải vì sao bị cáo Trà My biết rõ phòng làm việc của anh?”, Trưởng ban tài chính cho rằng không riêng My, rất nhiều người khác cũng biết vì tổng công ty làm việc với hơn 40 tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, chưa kể hơn 60 dự án dầu khí khác nên rất nhiều người đến làm việc.

Thẩm phán tiếp tục truy hỏi: “Việc các bị cáo đến phòng làm việc của anh có mục đích gì?” Ông Hùng nói ngoài hợp đồng tiền gửi, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí còn mở tín dụng với ngân hàng Đại Dương. Việc họp tại trụ sở tổng công ty diễn ra thường xuyên, có sự góp mặt của lãnh đạo chi nhánh giao dịch.

Trước đó, tại ngày làm việc thứ 4, HĐXX tiếp tục truy vấn Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) về "đường đi" của hơn 300 tỷ ông ta đã khai dùng để chi đối nội, đối ngoại… Không trả lời trực tiếp câu hỏi về danh sách cá nhân nhận tiền, bị cáo Sơn xin phép không công khai điều này với lý do "đưa tiền là mang tính chất tình nghĩa".

Theo lời khai của Sơn, mức chi cao nhất việc ngoại giao cho lãnh đạo bộ, ngành tới 200 triệu đồng một người. Mức chi này, ông ta cũng phải "nhìn ngang, nhìn ngửa". Bị cáo thừa nhận việc tặng quà dịp lễ, tết trong nền kinh tế thị trường đã làm méo mó bản chất và là nỗi khổ của doanh nghiệp.

Trong phiên xét xử chiều qua, HĐXX cũng hỏi thêm bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) về việc có bàn bạc với Nguyễn Xuân Sơn về việc chi lãi ngoài không. Thắm khẳng định có và cho rằng muốn biết Sơn chiếm đoạt hay không thì có nhiều cách kiểm tra, xem dòng tiền chuyển về.

Ngoài ra, HĐXX còn hỏi Thắm về số tiền bản thân ông ta cho Oceanbank vay. "Bị cáo cho vay khá nhiều nhưng bị cáo không nhớ rõ”, Thắm nói.

Nói về mức phí thu chênh lệch ngoại tệ, Thắm cho biết bản thân không được lấy lời khai nhưng tại phiên tòa hôm nay, ông ta sẵn sàng trình bày. Bị cáo Thắm cho rằng gọi là phí chênh lệch lãi suất là không đúng bởi phí là giá trị của sản phẩm dịch vụ.

"Các doanh nghiệp bán ở chợ đen rất là cao. Cho nên khi bán ngoại tệ, người ta đòi thêm bằng hình thức yêu cầu đơn vị trung gian thu thêm phí thu xếp ngoại tệ. Các hợp đồng BSC ký là hợp đồng phí thu xếp ngoại tệ, không liên quan tới Oceanbank”, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank khẳng định.

Cập nhật: Vụ án Oceanbank
news.zing.vn​
 
Sửa lần cuối:

Việc làm nổi bật

Top