DQS bên bờ vực thẳm: 1.200 công nhân và 3 con tàu nghìn tỷ về đâu?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Số phận của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) vẫn đang chờ Chính phủ quyết định cho phá sản, tái cơ cấu hay mua bán lại theo đề xuất của Bộ Công thương. Song lựa chọn phương án nào thì cũng cần tính đến "số phận" của gần 1.200 công nhân và 3 con tàu đang đóng dở dang, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng của DQS.

nha%20may%20dong%20tau-3e0cb.jpg

Công nhân bất an

Đầu tháng 6, nắng nóng trên công trường nhà máy đóng tàu của DQS như thiêu đốt, thế nhưng cũng không thể bằng sức nóng trong chính tâm can những người thợ của nhà máy này. Họ đã 10 năm ròng rã gắn bó với nhà máy, lao động cật lực, nhận lương theo thực lực để trang trải cuộc sống.

images1920736_6_6_hi_n_tr__ng.JPG

Khoản lỗ được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam công bố lên đến 5.000 tỷ đồng theo những người thợ trực tiếp làm việc trên công trường thì... không phải do họ gây ra. Thế nhưng, nhiều khả năng Chính phủ sẽ chọn phương án cho DQS phá sản, thì chính 1.200 công nhân của nhà máy lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Công nhân Nguyễn Huy C, bảo rằng: “Gần 10 năm đầu quân cho nhà máy, tích cóp được chút ít đang có kế hoạch cuối năm vay mượn thêm để làm nhà, an cư lạc nghiệp. Nhưng khi nghe thông tin nhà máy có khả năng phải phá sản, cảm giác của mình lại chới với.

Những người hứa cho mượn tiền, ngân hàng cam kết cho vay nợ làm nhà cũng chẳng dám cho mượn, cho vay nữa”. Ông Võ Tấn Thành – Chủ tịch Công đoàn DQS, cho biết: “Nhiều năm làm chủ tịch công đoàn công ty, đây là thời điểm tôi bận rộn nhất. Mỗi ngày ít cũng vài chục công nhân hỏi thăm thông tin về nhà máy, rồi yêu cầu tư vấn chế độ, chính sách khi phải mất việc”.

Trong số 1.200 công nhân của DQS có gần 1.000 người quê Quảng Ngãi, trong đó đa phần là con em của những gia đình đã nhường nhà cửa, ruộng vườn xây dựng KKT Dung Quất nói chung, cho DQS xây dựng nhà xưởng nói riêng.

“Mình học nghề đóng tàu, giờ không được đóng tàu nữa thì chẳng biết làm nghề gì, trong khi quay về với nghề nông thì đất trồng lúa, hoa màu cũng đã thu hồi để xây dựng nhà máy, xí nghiệp ở KKT Dung Quất. Vì thế, rất mong dù chọn phương án nào, cũng cần tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi cho người lao động” - thợ đóng tàu của DQS Nguyễn Tấn Hoàng cho biết.

Đối tác e ngại

Theo lãnh đạo DQS, hiện nay công ty đang thực hiện dở dang 3 con tàu lớn, tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng cho 2 DN kinh doanh vận tải hàng hải là VietsovPetro và PVTrans. Kể từ khi Bộ Công thương đề xuất 3 phương án xử lý đối với DQS thì các đối tác cung ứng vật tư thiết bị để đóng, hoàn thiện 3 con tàu này đều e dè hợp tác làm ăn.

Theo hợp đồng mà DQS đã ký với hai DN kinh doanh vận tải hàng hải, cuối năm 2017 này sẽ bàn giao tàu. Tuy nhiên, hiện tại DQS tiếp tục gặp khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ nếu không nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ nhiều phía.

Ông Lương Minh Hải – Phó Tổng Giám đốc DQS, cho biết: “Trước những thông tin vừa qua, công ty cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đóng tàu ở thời điểm hiện tại”. Ông Hải diễn giải thêm: Công tác tiếp thị tìm đối tác với các chủ tàu để đưa các đơn hàng đóng mới, sửa chữa về công ty rất khó khăn.

Đặc biệt, hiện nay công ty đang gấp rút thi công 3 con tàu dịch vụ, tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng rất khó trong việc mua thiết bị, vật tư, do các nhà cung cấp thiết bị e ngại. Hơn nữa, ở thời điểm này, công ty rất khó có thể tìm đối tác tài chính cho vay đủ nguồn tiền thực hiện trọn vẹn các hợp đồng đóng tàu này.

Ông Lương Minh Hải mong muốn, dù Chính phủ có quyết định chọn phương án xử lý nào cho DQS, thì bộ khung công ty cũng cần giữ nguyên để kiến tạo việc làm cho 1.200 lao động.

Theo người lao động nhà máy, con số thua lỗ của DQS cho đến thời điểm này là do sự quyết định đầu tư trước đó quá dàn trải, rất nhiều lãng phí. Nhiều hạng mục đầu tư bao năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” như khu nhà nghỉ cho cán bộ, khu nhà xưởng đóng tàu công suất siêu khủng...

Bài, ảnh: THANH NHỊ - Báo Quảng Ngãi​
 
Sửa lần cuối:

Việc làm nổi bật

Top