Hiện trạng và triển vọng hợp tác năng lượng Nga - Trung Quốc

tienna.khcnvn

New Member
Hợp tác dầu mỏ là hợp tác năng lượng chính giữa Nga và Trung Quốc (TQ). Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2015, hai bên đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về khối lượng dầu mỏ xuất khẩu từ Nga sang TQ. Trong năm 2015, TQ trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ chính của Nga trong khi Nga trở thành đối tác lớn thứ hai tại thị trường dầu mỏ TQ, sau Ả rập Xê út. Đối với TQ, nguồn cung dầu mỏ của Nga có vai trò quan trọng chiến lược bởi các tuyến cung cấp đều nằm trên đất liền. Trong khi đó, Nga đang dần xoay trục sang châu Á thông qua việc tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang TQ trong bối cảnh vị thế của nước này ở thị trường châu Âu ngày càng suy yếu mặc dù châu Âu vẫn là thị trường chiến lược của Nga. Dự báo trong trung hạn hợp tác hai bên sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ, nhiều khả năng các công ty TQ sẽ tham gia sâu vào các ngành khai thác ở Nga và sẽ có vai trò tài chính quan trọng trong hợp tác này.

Hiện nay, sản lượngdầu thô của Nga xuất khẩu sang TQ đã tăng cao mức kỷ lục, chỉ trong vòng 2 năm tăng gần gấp đôi, lên mức 41,29 triệu tấn năm 2015 (chiếm 12,3% tổng lượng dầu nhập khẩu của TQ). Tập đoàn Dầu khí nhà nước Nga Rosneft là nhà cung cấp lớn nhất cho TQ với 31,3 triệu tấn, chủ yếu thông qua tuyến đường ống dẫn dầu nhánh ESPO dẫn tới TQ và cảng Kozmino.

chinaandrussia10415.jpg

Sự gia tăng hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu dầu thô giữa Nga và Trung Quốc là do: (1) Nhu cầu dầu thô của TQ tiếp tục gia tăng, nước này dự định đến năm 2020 có thể xây dựng kho dự trữ có khả năng cung ứng tương đương nhu cầu dầu thô 100 ngày tuy nhiên đến năm 2016 nước này mới chỉ đạt mục tiêu 26 ngày, đồng thời việc áp dụng cơ chế quản trị giá xăng dầu mới (khi giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng thì TQ sẽ ngừng các hoạt động khai thác dầu thô nội địa nhưng duy trì cơ chế giá sản phẩm xăng dầu cao hơn thị trường quốc tế để bù lỗ) sẽ khuyến khích việc tăng cường nhập khẩu dầu thô thay vì nguồn cung trong nước cho các nhà máy lọc dầu trong bối cảnh giá dầu thấp hiện nay; (2) Tuyến vận chuyển dầu từ Nga có tính an toàn cao bởi tuyến đường ống này nằm hoàn toàn trên đất liền nối liền giữa hai nước mà không phải trung chuyển qua nước thứ ba, trong khi các tuyến vận chuyển trên biển phải đi qua một số “nút thắt cổ chai” như eo biển Malacca vốn rất dễ bị đóng cửa nếu xảy ra xung đột. Điều này sẽ giúp TQ giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông (vốn đang chiếm hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của nước này) trong bối cảnh khu vực này đang vật lộn với bất ổn chính trị; (3) Về phía Nga, sản lượng xuất khẩu sang châu Âu ngày càng giảm do lệnh cấm vận và tình trạng kinh tế yếu kém của châu Âu, do đó xuất khẩu sang TQ là một giải pháp cần thiết để duy trì nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ (vốn chiếm hơn 70% ngân sách của Nga).

Tuy nhiên, rào cản đối với sự gia tăng xuất khẩu dầu của Nga sang TQ có lẽ là vấn đề cơ sở hạ tầng và việc chậm trễ trong việc thăm dò các mỏ dầu mới. Theo kế hoạch Tập đoàn Rosneft sẽ tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu sang TQ từ 15,8 triệu tấn năm 2013 lên 30 triệu tấn vào giai đoạn 2018-2030 thông qua dự án nâng cấp tuyến đường ống ESPO từ 58 triệu tấn lên 80 triệu tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay dự án nâng cấp đường ống đang bị chậm trễ. Điều này buộc Rosneft phải vận chuyển qua cảng Kozmino vốn đang chịu sự cạnh tranh về hạn ngạch xuất khẩu qua tuyến cảng này với các công ty dầu khí khác của Nga.

Trong lĩnh vực hợp tác khí đốt, hai nước đạt được những kết quả rất hạn chế. Cho đến nay Nga mới chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang TQ. Nguyên nhân là do: (1) Lượng khí đốt khai thác của TQ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu TQ, năm 2014, TQ chỉ nhập 31% tổng lượng khí đốt tiêu thụ, tương đương 58 tỷ m3 khí; (2) TQ cũng đang đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hóa lỏng LNG (gần 50% lượng khí đốt nhập khẩu thông qua các cảng LNG), các hệ thống đường ống khí đốt nối TQ với các nhà khai thác ở Trung Á và Myanmar, hiện công suất của các hệ thống đường ống này là 70 tỷ m3 khí và dự kiến tăng lên 90 tỷ m3 khí vào cuối thập kỷ này; (3) Các dự án bên trong khuôn khổ hợp tác khí đốt Nga - Trung đang bị phải đối mặt với khó khăn liên quan đến tài chính.

Dự án đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia” nối Nga với TQ là một trong những dự án trọng điểm trong hợp tác khí đốt nhưng lại đang bị trì hoãn. Cho đến nay, Nga và TQ mới chỉ ký hàng loạt các thỏa thuận khung liên quan đến dự án. Đầu năm 2015, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã khởi công xây dựng tuyến đường ống khí đốt này. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng đã liên tục thay đổi kế hoạch liên quan đến thời hạn hoàn thành và vận hành đường ống, tháng 5/2015, trong một phiên họp đặc biệt tập trung bàn về chiến lược của Gazprom tại Đông Nam Á, tập đoàn này đã cho rằng mức xuất khẩu tối đa thông qua đường ống này là 38 tỷ m3/năm sẽ chỉ đạt được vào giai đoạn năm 2024 đến 2031 thay vì vào năm 2024 như tuyên bố trước đó. Thêm nữa, lộ trình tuyến đường ống cũng đã thay đổi so với ban đầu,theo kế hoạch, đường ống sẽ kết nối khu mỏ Kovykta và Chayanda ở Đông Siberia cùng với khu mỏ Khabarovsk -Vladivostok nhưng trong một thông báo của Bộ Năng lượng Nga tháng 2/2015 cho rằng dự án sẽ không có sự tham gia của khu mỏ the Khabarovsk-Vladivostok. Theo đánh giá của chuyên gia, sự trì hoãn của Nga bắt nguồn từ việc: (1) Tập đoàn Gazprom đang gặp khó khăn về tài chính, đến 11/2015, Gazprom đã hủy bỏ dự định xây dựng 800 km đường ống và đến tháng 1/2016, vốn đầu tư cho năm 2016 đã bị giảm xuống tới mức khiêm tốn 92 tỷ rúp, giảm hơn một nửa so với kế hoạch ban đầu (khoảng 200 tỷ rúp); (2) Nga khó có thể cung cấp đủ nguồn khí cho dự án đúng thời hạn, theo tính toán khu mỏ Chayanda chỉ đạt sản lượng khai thác tối đa 22 tỷ m3 khí/năm từ năm 2022 và khu mỏ Kovykta là 5 tỷ m3/năm vào năm 2022-2023, sau đó là 13 tỷ m3/năm vào năm 2024-2031, điều đó có nghĩa việc vận chuyển khí đốt gần như sẽ chỉ được bắt đầu vào năm 2022 thay vì năm 2018 như kế hoạch ban đầu.

Mặc dù gặp phải những khó khăn và việc bất đắc dĩ phải trì hoãn thì dự án đường ống Sức mạnh Siberia cuối cùng vẫn sẽ được xây dựng bởi cả hai bên quan tâm thật sự đến dự án này. Nga coi việc mở rộng các cơ sở hạ tầng khí đốt hiện nay là một nhân tố quan trọng trong chương trình khí hóa ở khu vực Đông Siberia và vùng Viễn Đông. Còn đối với TQ, nước này rất quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu khí đốt của vùng đông bắc, khu vực có nhu cầu khí đốt cũng như tăng trưởng tiêu thụ khí đốt cho công nghiệp lớn nhất TQ. Trước đó, tháng 11/2015, khu vực này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng do một số cảng tiếp nhận LNG ngừng hoạt động, trong khi các hệ thống đường ống khí đốt hành lang Đông Tây không đủ công suất đáp ứng.

Lĩnh vực hợp tác khai thác dầu khí giữa Nga và TQ khó có thể đạt được kết quả khả quan trong tương lai gần. Hiện nay, mức độ tham gia của TQ trong lĩnh vực khai thác dầu khí của Nga là không đáng kể. Trong vòng 2 năm qua, Nga đã trở nên quyết tâm hơn trong việc khuyến khích các nguồn vốn của TQ đầu tư vào lĩnh vực khai thác của Nga. Tháng 9/2014, Tổng thống Nga Putin đã thông báo Nga luôn sẵn sàng chuyển cổ phần cho các công ty TQ tại những khu vực dầu mỏ và khí đốt chiến lược. Tháng 2/2015, Phó Thủ tướng Nga Dvorkovich cho biết việc chuyển nhượng này thậm chí bao gồm các chuyển nhượng các cổ phần điều hành. Cho đến nay, hầu hết các thỏa thuận liên quan đến việc TQ đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu khí tại Nga mới chỉ là những thỏa thuận khung. Năm 2013, Rosneft đã đề nghị chuyển cho Tập đoàn CNPC của TQ cổ phần công ty Taas-Yuryakh Neftegazodobycha vốn đang điều hành mỏ khí đốt Srednebotuobinskoye ở Đông Siberia. Tháng 11//2014, Rosneft và CNPC đã ký thỏa thuận khung về việc bán 10% cổ phần mỏ dầu Vankor ở tỉnh Krasnoyarsk do Rosneft sở hữu. Tháng 9/2015, Rosneft và Tập đoàn hóa dầu TQ Sinopec cũng đã ký một thỏa thuận về việc hợp tác thăm dò hai mỏ dầu Russkoye và Yurubcheno-Tokhomskoye ở Đông Siberia (theo đó Sinopec sẽ nắm giữ tới 49% cổ phần tại mỗi mỏ này) và dầu khai thác từ mỏ này sẽ được xuất khẩu sang TQ theo đường ống ESPO. Mặc dù các thỏa thuận này rất hứa hẹn nhưng việc hoàn tất đang bi trì hoãn, một phần là do vị thế của Rosneft đang bị suy yếu do cấm vận tài chính của phương Tây đang tạo cơ hội cho các công ty TQ có thể gây thêm sức ép trong hợp tác dự án dầu mỏ. Trong khi đó, hợp tác khai thác khí đốt với tập đoàn Gazprom còn khó khăn hơn khi Tập đoàn này đề nghị rằng các công ty TQ có thể tham gia các dự án khai thác tại Nga chỉ khi Gazprom nhận được các cơ hội hoạt động tương tự ở TQ, một điều mà TQ chưa thể chấp nhận trong điều kiện hiện nay. Kể cả khi hợp tác khí đốt với Rosneft thì khí đốt cũng không thể xuất khẩu sang TQ bởi Gazprom là tập đoàn độc quyền điều hành các hệ thống đường ống khí đốt, đồng thời các mỏ khí đốt chính của Rosneft ở Đông Siberia như mỏ Yurubcheno-Tokhomskoye và mỏ Srednebotuobinskoye ở rất xa so với tuyến đường ống của dự án Sức mạnh Siberia (khoảng 1000 km). Tuy nhiên, dự báo hợp tác khai thác dầu khí Nga - Trung có tiềm năng phát triển rất lớn do ngành khai thác dầu khí của Nga đang rất thiếu vốn, trong khi TQ có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn rất muốn mở rộng đầu tư năng lượng ra nước ngoài.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Việc làm nổi bật

Top