Một chuyến đổi ca bằng tàu dịch vụ

Thảo luận trong 'Trong nước' bắt đầu bởi Oil Gas Vietnam, 1/2/17.

  1. Oil Gas Vietnam
    Offline

    Oil Gas Vietnam Administrator Thành viên BQT

    Bài viết:
    13,587
    Đã được thích:
    114
    Điểm thành tích:
    63
    Giới tính:
    Nam
    Nơi ở:
    Bà Rịa - Vũng Tàu
    Giá dầu duy trì ở mức thấp, kéo dài, cùng với chi phí các loại dịch vụ chưa giảm xuống mức tương ứng đã làm giảm hiệu quả hoạt động và ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

    Với khẩu hiệu tam đồng: “Đồng lòng vượt khó - Đồng thuận tầm nhìn - Đồng hành đích đến”, trong rất nhiều các giải pháp quyết liệt tiết giảm chi phí, PVEP đã có một giải pháp bất ngờ - đổi ca bằng tàu dịch vụ. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có chuyến đồng hành thú vị cùng với cán bộ, kỹ sư và nhân viên PVEP, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans) ra mỏ Đại Hùng bằng tàu dịch vụ.

    Mỏ Đại Hùng thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, cách Vũng Tàu 265km với mực nước khoảng 110m, là một trong các mỏ nằm ở vùng nước sâu, xa bờ nhất của ngành Dầu khí. Đây cũng là 1 trong 2 dự án tự lực điều hành và tham gia 100% quyền lợi của PVEP, bên cạnh Dự án khai thác mỏ Sông Đốc. Dự án phát triển mỏ Đại Hùng vốn từng đối diện nhiều khó khăn do là mỏ cận biên, công nghệ khai thác ngầm phức tạp, chi phí đầu tư lớn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt...

    Trong giai đoạn 1 của dự án, nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia đầu tư nhưng đã rút lui do không vượt qua được những khó khăn, thách thức, hiệu quả đầu tư không như kỳ vọng. Chúng tôi đã từng vài lần được ra giàn Đại Hùng 01 trên những chiếc trực thăng của Công ty Bay dịch vụ Miền Nam, những chuyến bay kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, thời gian bay ra giàn Đại Hùng ngắn hơn bay ra mỏ Sông Đốc, ngang với thời gian bay từ Sài Gòn - Hà Nội. Lên máy bay, ngắm mây, ngắm biển hoặc ngủ một giấc, hạ cánh xuống giàn… thật khỏe.

    [​IMG]
    Tại điểm tập kết Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC), chúng tôi và gần 50 người sau khi được khám sức khỏe rất kỹ, xem clip an toàn, một số anh em của các nhà thầu Viettel, Vatcom, PV Trans cũng lần đầu tiên đi tàu dịch vụ như chúng tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên, bởi lo sợ về một hải trình sóng gió. Đối với anh em thủy thủ trên những con tàu dịch vụ như của PTSC Marine, thường xuyên đi ra giàn khoan, giàn khai thác, công trình dầu khí, các mỏ bằng tàu, sóng 4,5m, thậm chí 8,9m, đi trong cơn bão là chuyện thường ngày. Nhưng với chúng tôi, những người lần đầu tiên đặt chân lên tàu dịch vụ để ra giàn, nghe nói có những lúc tàu lắc như rang lạc, mà giữa biển mênh mông, tàu hàng nghìn tấn cũng chỉ như cái lá tre, nghe thôi đã thấy nôn nao.

    Cũng xin nói thêm, trước “chiến dịch” đổi ca bằng tàu, với PVEP, tàu dịch vụ dùng để vận chuyển hàng và trực mỏ, hiếm hoi lắm mới vận chuyển người. Thông thường, mỗi giàn khoan dầu khí có 2 tàu dịch vụ thay nhau cung cấp lương thực, thực phẩm, thiết bị máy móc từ đất liền ra khơi rồi thay nhau làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ an toàn, tránh để tàu và các vật thể lạ gây nguy hiểm cho giàn khoan. Anh em trên giàn Đại Hùng 01 kể, từ khi làm việc trên giàn Đại Hùng 01 từ năm 1994 đến nay - năm 2016 là năm đầu tiên anh em đi đổi ca bằng tàu. Mới đầu nghe thông báo, kế hoạch từ công ty, anh em cũng sốc nhẹ, nhưng nghe lãnh đạo công ty trao đổi, thảo luận, cam kết về công việc, thu nhập và nhất là anh em cũng thấu hiểu tình hình thực tại của công ty, tổng công ty, Tập đoàn nên anh em đều đồng lòng. Giàn trưởng Hồ Thanh Trung chia sẻ: “Để tổ chức đổi ca bằng tàu dịch vụ, đòi hỏi một quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo đến người công nhân. Công ty đã nỗ lực, quyết tâm để bảo vệ quyền lợi của người lao động, anh em đi giàn, nên anh em cũng phải chia sẻ với khó khăn với công ty”.

    Lãnh đạo PVEP, PVEP POC đã cân nhắc rất kỹ và chọn thời điểm bắt đầu tiến hành đổi ca bằng giàn vào tháng 4-2016, cũng là khoảng trời yên biển lặng nhất trong năm. Thông thường, 15 ngày sẽ có một chuyến tàu ra rồi về, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết bị và khoảng 50 người ra vào giàn. Đúng 11 giờ 30 phút, gần 50 người ra Đại Hùng hôm ấy được lên tàu mang tên Bình An Valiant của Công ty Bình An Shipping, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực lai dắt tàu biển, tàu dịch vụ, cung cấp các dịch vụ hàng hải đại lý tàu biển tại Việt Nam. Tàu Bình An Valiant là loại tàu kéo vận chuyển hàng hóa trong ngành Dầu khí, cứu trợ hàng hải và hỗ trợ chữa cháy. Tàu có chiều dài hơn 57m, rộng hơn 14m, trọng tải 1.400 tấn, có công suất 4.200 mã lực, mang lưỡng cấp đăng kiểm NK của Nhật Bản và VR Việt Nam. Trị giá con tàu ước tính hơn 8 triệu USD, đủ tiêu chuẩn lưu thông trong vùng biển quốc tế. Sau khi hoàn tất thủ tục lên tàu và nhận phòng như những hành khách đi xe lửa... Mọi người không ai bảo ai, đều về phòng của mình, sắp xếp hành lý gọn gàng rồi lên giường nằm, vừa để làm quen với không khí trên tàu, vừa chống say sóng. Mỗi căn phòng được bố trí 4-8 giường tầng, số tủ quần áo, hành lý tương đương với số giường mỗi phòng, nội thất phòng ngủ thiết kế khá gọn gàng, sạch sẽ, đầy đủ vật dụng sinh hoạt cho một chuyến đi dài, được anh em ví như khách sạn 3-4 sao giữa biển. Tàu dịch vụ dầu khí Bình An Valiant có 3 tầng, phía trên cùng là buồng lái khá rộng rãi, với ban công bên ngoài, đặt vài băng ghế gỗ để anh em có thể ngồi uống cà phê, phì phèo thuốc, ngắm đuôi tàu rẽ sóng biển. Hai tầng bên dưới được bố trí các phòng nghỉ, nhà bếp, nhà ăn…

    Cũng xin nói thêm, giàn Đại Hùng 01 cũng là loại giàn đặc biệt - giàn khai thác nửa nổi, nửa chìm duy nhất ở Việt Nam, không cố định, luôn chuyển động… nên anh em từng sống trên giàn Đại Hùng cũng khá quen với tình trạng chếnh choáng gần như những thủy thủ tàu, tuy mức độ sóng tác động vào giàn không đáng kể như đối với anh em trên tàu…

    Câu chuyện về cuộc sống trên giàn, về những chuyến đi dài, hay những mẩu chuyện nhỏ to không đầu không cuối cứ thế kể nhau nghe bên những điếu thuốc, ly cà phê… cho đến giờ cơm tối. Tôi hỏi các anh rằng, công việc vất vả hơn trước rất nhiều, nguy hiểm hơn, có khi nào các anh nghĩ đến chuyển việc, các anh cười: Mình làm cho công ty của mình, dù vất vả nhưng yên tâm, rồi có chút tự hào là mình đang đóng góp công sức cùng công ty vượt qua khó khăn, kiếm tiền quan trọng, nhưng quan trọng là mình được làm việc ở một môi trường tốt, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, được trân trọng. Những năm qua, lãnh đạo PVEP, PVEP POC luôn tạo điều kiện tốt nhất về chế độ, ưu đãi, luôn quan tâm, động viên tinh thần, công việc của anh em lao động, “chung lưng đấu cật” cùng với công ty cũng là trách nhiệm phải làm thôi…

    Sóng biển đã cao hơn về đêm, biển gầm gào, không ít người đã chếnh choáng say, rời phòng ăn về phòng nghỉ, câu chuyện Đại Hùng 01 và giá dầu, những chuyến đi biển tạm gác lại.

    Sau một đêm biển lặng, rạng sáng hôm sau, tàu dần tiến đến khu vực mỏ Đại Hùng trong mưa mù, sóng lớn dần, gió biển thổi mạnh, cụm giàn Đại Hùng đang phía trước khi mờ, khi tỏ. Nhìn từ xa, giàn Đại Hùng 01 lặng lẽ như một mô hình vàng chóe với 1 đốm lửa trên đầu, cách đấy không xa là tàu chứa dầu Đại Hùng Queen, giàn Đại Hùng 02. Những công trình đặc biệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như những cột mốc chủ quyền sừng sững giữa biển khơi!

    7 giờ, tàu đã tiến đến gần chân đế, nhưng sóng mạnh, tàu không thể tiếp cận ở mặt trước giàn. Gần 30 phút cố gắng tiếp cận không thành, Thuyền trưởng tàu Bình An Valiant cho tiếp cận giàn Đại Hùng 01 từ phía sau và cố định tàu ở một khoảng cách nhất định, đuôi tàu hướng về giàn để có thể đưa lồng cẩu người xuống tàu, biển động, đuôi tàu dập dềnh, biển càng động, sóng càng lên xuống thì việc giữ tàu đứng yên càng nan giải, điều khiển tàu có thể đứng yên lúc này được ví như thước đo năng lực, kinh nghiệm của người thuyền trưởng. Khi thuyền trưởng đã giữ được khoảng cách giàn và tàu, việc đưa người từ tàu lên giàn là sự phối hợp chính xác đến từng chi tiết, từ thuyền trưởng, giàn trưởng, thợ cẩu, thợ móc cáp… trong công đoạn này, thợ lái cẩu biển là nhân vật quan trọng nhất, bởi phải có kỹ năng làm trưởng nhóm, vừa quản lý lại vừa cùng làm việc với những người thợ móc cáp, trên tàu và trên giàn…

    Sau khi chụp ảnh và quay phim xong, chúng tôi được nhân viên an toàn của tàu hỗ trợ mặc áo phao và hướng dẫn lên lồng cẩu người. Lồng có phần đầu và phần đế hình tròn, kết nối bằng một trục kim loại ở giữa và các dây xung quanh, nối với cần cẩu bằng dây cáp. Quanh trục giữa có gắn phần lưới để chứa hành lý nhỏ như balô, túi xách, áo phao… các dây xung quanh để người trong lồng bám tay vào, đảm bảo an toàn khi di chuyển lên hoặc xuống, mỗi lần cẩu chỉ tối đa 6 người. Đây được xem là công đoạn nguy hiểm nhất khi lên giàn. Giàn trưởng Hồ Thanh Trung biết tôi có vẻ ngần ngại khi nghĩ đến cảnh lơ lửng trên không, có khi rơi tõm xuống biển, anh ra hiệu tôi lại đứng gần anh, hướng dẫn hai tay khoanh trước ngực, ôm chặt dây cáp bên trong, nụ cười của anh khiến tôi yên tâm phần nào. Sau khi nhân viên an toàn ra hiệu với thợ lái cẩu, chiếc lồng và từ từ rời con tàu nhịp nhàng, từ dưới đuôi tàu lên cao khoảng 30m, 40m, lồng tiến dần giàn khoan, vào khu hạ, khu này là hành lang đi lại trên giàn, bề rộng chỉ vừa đủ để hạ lồng, nhìn từ trên xuống, gió thổi mạnh, cảm giác rất thú vị, lơ lửng với 1 bên là giàn Đại Hùng, dưới là biển cả gầm gào. Cảm giác lo sợ đã tan biến, mấy ai được tận hưởng cảnh lơ lửng giữa biển khơi mênh mông như những người được đứng trên lồng cẩu người. Phải hơn chục chuyến cẩu, mọi người của ca đi trên tàu Bình An Valiant cùng chúng tôi mới lên đầy đủ. Đặt chân xuống Đại Hùng, Giàn trưởng Tăng Văn Đồng cùng anh em trên giàn đón chúng tôi và anh em ca sau rôm rả…

    Chúng tôi chỉ được tham quan, gặp gỡ người lao động trong thời gian hơn 1 giờ trên giàn Đại Hùng, sau đó phải quay lại tàu để về đất liền cùng với ca về đất liền. Lại đo nhịp tim, lại khám sức khỏe cùng một vốc thuốc say sóng. Cũng trong thời gian khoảng hơn một giờ ngắn ngủi này, hai giàn trưởng Tăng Văn Đồng - Hồ Thanh Trung và các tổ, kíp khác nhau liên tục phải họp, bàn giao công việc. Không ai kịp nghỉ, không một lời thăm hỏi nhau, tất bật với công việc, để anh em ca về đất liền kịp trở lại tàu, anh em đều biết, những chuyến đi giàn 15, 20 ngày, ai cũng mong thêm 1 phút về với gia đình. Anh em trên giàn rất ít khi rảnh việc, 1 ca 12 giờ liên tục, giàn khoan Đại Hùng 01 là một cỗ máy khổng lồ với nhiều cấu tạo như một thành phố nổi trên biển, công việc, thiết bị, cả ngành nghề khác nhau, cho nên lúc nào cũng có việc phải làm, nhất là đối với giàn khoan vào tuổi “trung niên” như Đại Hùng 01 và đã một lần đại bảo dưỡng.

    Xin chia sẻ thêm, giàn Đại Hùng là một trong những giàn khai thác đầu tiên của Việt Nam từ giàn trưởng cho đến nhân viên đều là người Việt, tại đây, tất cả các công việc từ quản lý, vận hành khai thác đến các hoạt động sản xuất khác đều hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện, không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Đây là một bước tiến rất dài của PVEP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong chiến lược sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Cách đây 15 năm, khi mỏ Đại Hùng được bàn giao cho phía Việt Nam, có không ít người đã hoài nghi rằng, chúng ta khó mà đảm nhận, vận hành và phát triển được như ngày hôm nay. Nhưng thực tế đã chứng minh, sau bao nhiêu khó khăn, vất vả, người Việt Nam đã đủ trình độ, bản lĩnh vận hành và khai thác mỏ Đại Hùng an toàn, hiệu quả nhiều năm qua. Tập thể người lao động trên mỏ Đại Hùng đã thể hiện sự trưởng thành, quyết tâm và trong thời điểm nào, người lao động trên giàn Đại Hùng 01 luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối với chỉ số khai thác cao nhất.

    Thuận Thiên – Nguyễn Hiển/PVN​
     

Chia sẻ trang này