PVD: năm 2018 sẽ tăng mạnh 5,5 lần nhờ giá dầu tăng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nhận định tóm tắt KQKD – KQKD của PVD khả quan hơn kỳ vọng. Lợi nhuận sẽ hồi phục mạnh từ mức thấp. Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. PVD (Khả quan) đã công bố doanh thu năm 2017 đạt 3,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27,1% nhưng cao hơn 10,3% so với dự báo trước đây của chúng tôi). Công ty đạt 11,7 tỷ đồng LNST (giảm 93,3%). Với kết quả trên, công ty đã vượt 69,7% kế hoạch doanh thu và hoàn thành mục tiêu không lỗ sau thuế đề ra tại ĐHCĐTN năm 2017.

Kết luận nhanh – Tiếp tục duy trì đánh Khả quan. Giá trị hợp lý của cổ phiếu PVD theo ước tính của chúng tôi là 30.000đ; tương đương P/B dự phóng là 0,8 lần và sát chi phí thay thế ước tính điều chỉnh của chúng tôi. HSC dự báo LNST sẽ tăng 5,5 lần từ mức thấp năm 2017. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh chính sẽ hòa vốn trong năm 2018 do hoạt động khoan thường cần thời gian trước khi hồi phục theo giá dầu. Do giá dầu tăng nên hoạt động thăm dò khai thác của Việt Nam được dự báo cũng tăng lên từ năm nay. Vốn đầu tư của PetroVietnam dự kiến tăng với tốc độ gộp bình quân năm là khoảng 40% trong giai đoạn 2017- 2020 (so với giai đoạn 2012-2017 là -16%) để đạt được mục tiêu đạt sản lượng khai thác 20 triệu tấn/năm vào năm 2020 (tăng 39% so với mức 14,3 triệu tấn trong năm 2017). Giá cổ phiếu đã tăng khoảng 80% từ đáy vào năm ngoái và có thể sẽ cần thời gian củng cố. Đặc biệt là khi giá cổ phiếu PVD có mối tương quan chặt chẽ với giá dầu (giá dầu gần đây đang có lực kháng cự).

20120719-pv-drilling-moc-son-hanh-trinh-10-nam-phat-trien-2.jpg

Doanh thu năm 2017 đạt cao hơn kỳ vọng – PVD đã công bố doanh thu năm 2017 đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, giảm 27,1% nhưng cao hơn 10,3% so với dự báo trước đây của chúng tôi. Công ty cũng đã ghi nhận lãi nhẹ với LNST đạt 11,7 tỷ đồng (giảm 93,3%). Với kết quả trên PVD đã vượt 69,7% kế hoạch doanh thu là 2.300 tỷ đồng và hoàn thành mục tiêu không lỗ sau thuế thành công như đề ra tại ĐHCĐTN năm 2017. Tổng tiền hoàn nhập quỹ Khoa học công nghệ cho năm 2017 xấp xỉ 630 tỷ đồng. Không có khoản hoàn nhập này, thì PVD sẽ lỗ thuần xấp xỉ 620 tỷ đồng (tương đương tỷ suất LNST là âm 15%).

Doanh thu từ dịch vụ khoan giảm 34,3% - Trong năm 2017, doanh thu dịch vụ khoan đạt 1.761,5 tỷ đồng (giảm 34,3%) và lợi nhuận gộp đạt âm 248,3 tỷ đồng (năm 2016 lợi nhuận gộp đạt 399,4 tỷ đồng). Như vậy tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2017 là âm 14,1% trong khi năm 2016 là 14,9%. Mảng này lỗ trong năm 2017 do số ngày làm việc của giàn khoan tự nâng tăng không đủ bù đắp cho việc giá cho thuê giàn khoan giảm và giàn khoan TAD không có việc.

• Giá cho thuê giàn khoan tự nâng giảm từ khoảng 85.000USD/ngày trong năm 2016 xuống còn khoảng 55.000USD/ngày vào năm 2017. Trong khi đó số ngày làm việc của 4 giàn khoan tự nâng tăng từ 30% trong năm 2016 lên 84,5% trong năm 2017.

• Giàn khoan TAD không có việc trong năm 2017 (năm 2016 số ngày làm việc là 85%). Giá cho thuê giàn khoan TAD cao hơn 2 lần so với giá cho thuê giàn khoan tự nâng nên giàn khoan TAD có đóng góp quan trọng đối với lợi nhuận của mảng dịch vụ khoan, lần lượt đóng góp 20% và 50% tổng doanh thu dịch vụ khoan trong các năm 2015 và 2016. Việc không còn nguồn thu từ gian khoan TAD đã ảnh hưởng không nhỏ đến PVD.

Doanh thu dịch vụ giếng khoan tăng 1,2% - Trong năm 2017, doanh thu dịch vụ giếng khoan đạt 1.738,5 tỷ đồng (tăng trưởng 1,2%) và lợi nhuận gộp đạt 330,4 tỷ đồng (giảm 7,4%). Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2017 là 19%; tương đương mức 20,8% trong năm 2016. Trong khi mảng dịch vụ khoan có độ nhạy cảm cao vơi giá dầu thì dịch vụ giếng khoan vẫn đem lại lợi nhuận trong các giai đoạn khác nhau của giá dầu. Trong năm 2017, mảng dịch vụ giếng khoan đã “cứu vớt” KQKD của PVD nhờ đóng góp 44,6% vào doanh thu (tăng từ mức 32% trong năm 2016) và 181,5% lợi nhuận gộp (tăng từ mức 43,5% trong năm 2016). Đóng góp nhiều hơn của dịch vụ giếng khoan vào doanh thu chung của các công ty dịch vụ khoan dầu khí cũng là xu hướng chung của khu vực trong vài năm năm qua.

Doanh thu thương mại giảm 57,9% so với năm 2016 –Trong năm 2017, doanh thu từ các dịch vụ thương mại đạt 402,2 tỷ đồng (giảm 57,9% so với năm 2016 và lợi nhuận gộp đạt 27,5 tỷ đồng (gairm 57,5% so với năm 2016). Tỷ suất lợi nhuận gộp là 6,8, tương đương năm 2016.Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng thương mại không bị ảnh hưởng do PVD mua nguyên liệu và thiết bị cần thiết hộ cho khách hàng.

Chi phí bán hàng & quản lý giảm nhưng tỷ lệ các chi phí này trên doanh thu lại tăng – Trong năm 2017, chi phí bán hàng & quản lý là 487,7 tỷ đồng (giảm 11,8% so với năm 2016) trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 15% từ mức 12% trong năm 2016. Chi phí lương tăng, dù doanh thu giảm, lên 302,6 tỷ đồng (tăng 8%), tương đương 7,8% tổng doanh thu (năm 2016 tỷ lệ này 5,2%). Chúng tôi hiểu rằng PVD phải tuyển thêm nhân công cho bảo dưỡng lạnh giàn khoan TAD tại PV Shipyard.

Lợi nhuận khác tăng mạnh lên 634,6 tỷ đồng – Trong năm 2017, PVD ghi nhận 634,6 tỷ đồng lợi nhuận khác (gấp 5,8 lần năm 2016). Phần lợi nhuận này đến từ hoàn nhập phân bổ Quỹ Khoa học và mức dư cuối kỳ năm 2017 của Quỹ này hiện là 458,9 tỷ đồng (giảm 58,2%). Khoản lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh ngày đã giúp PVD tránh ghi lỗ trong năm 2017. Không tính đến khoản lợi nhuận này thì PVD sẽ lỗ thuần 15%.

Lợi nhuận từ các công ty liên doanh giảm 93,9% trong năm 2017 xuống 6,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do lợi nhuận của liên doanh giữa PVD và Baker Hughes giảm. Các hoạt động kinh doanh chính của liên doanh này gồm dịch vụ khoan định hướng và khảo sát thực địa; và nhu cầu đối với các dịch vụ này giảm do giá thuê ngày cho khoan tham dò giảm.

Với kết quả trên, EPS 2017 là 30đ (giảm 93,6% so với năm 2016) và BVPS là 36.013đ (giảm 0,2%).

Hoạt động E&P sẽ phục hồi nhờ giá dầu WTI vượt mốc 60 USD/thùng. Điểm hòa vốn đối với hầu hết các hoạt động khoan ngoài khơi ở vùng biển của Việt Nam là khoảng 55 USD/thùng. Và giá dầu hiện đã cao hơn đáng kể so với mức hòa vốn này trong vài tháng qua. Theo đó PVN sẽ tập trung vào nhu cầu cấp thiết là thăm dò các mỏ dầu mới để thay thế các mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt. Trong hơn mười năm qua, sản lượng khai thác từ các mỏ dầu của Việt Nam đã giảm khoảng 25% từ 389.000 thùng/ngày xuống ước tính 297.000 thùng/ngày. Mở dầu mới nhất đi vào khai thác gần đây là mỏ Thỏ Trắng 3 vào năm 2016, với sản lượng khoảng 1.030 thùng/ngày. Trong bối cảnh như vậy, vốn đầu từ cho các hoạt động ngoài khơi từ PetroVietnam dự kiến sẽ tăng trung bình gộp 40% trong giai đoạn 2017-2020 (so với trong giai đoạn 2012- 2017 là giảm 16%) để hoàn thành mục tiêu khai thác dầu thô của năm 2020 là 20 triệu tấn/năm (tăng 39% từ mức khai thác 14,3 triệu tấn trong năm 2017).

Chúng tôi dự báo LNST năm 2018 sẽ tăng mạnh 5,5 lần nhờ giá dầu tăng – Chúng tôi dự báo doanh thu đạt 4.812,9 tỷ đồng (tăng trưởng 23,3%) và LNST đạt 76,4 tỷ đồng (gấp 5,5 lần năm 2016). Chúng tôi kỳ vọng mảng kinh doanh chính của PVD sẽ chỉ hòa vốn trong năm 2018 do nhu cầu đối với dịch vụ khoan sẽ hồi phục chậm hơn so với đà tăng của giá dầu. Các giả định chính của chúng tôi như sau:

− Giá dầu Brent bình quân là 65 USD/thùng (tăng 20%).

− Chúng tôi dự báo mảng dịch vụ khoan sẽ hòa vốn trong năm 2018, với doanh thu đạt 2.146,8 tỷ đồng (tăng trưởng 21,9%), đóng góp 44,3% tổng doanh thu (năm 2017 là 45,1%). Lợi nhuận gộp của mảng này dự báo đạt 0,8 tỷ đồng (trong khi đó ghi nhận lỗ gộp 248,3 tỷ đồng trong năm 2017). Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 0,04% (năm 2017 là -14,1%). Giá thuê ngày bình quân dự báo là 64.000 USD và tỷ lệ sử dụng công suất giàn khoan tự nâng dự báo đạt 90% (năm 2017 là 84,5%).

Giàn khoan TAD dự kiến sẽ tạm ngừng hoạt động trong năm 2018. Chúng tôi được biết giàn khoan TAD vẫn trong quá trình bảo dưỡng lạnh (cold-stacked) tại PV Shipyard, với chi phí là khoảng 11.000 USD/ ngày. Dự kiến giàn khoan TAD sẽ trở lại hoạt động trong năm 2019 để phục vụ dự án Cá Rồng Đỏ.

− Chúng tôi dự báo doanh thu mảng dịch vụ giếng dầu là 2.173 tỷ đồng (tăng trưởng 25%), đóng góp 44,9% tổng doanh thu (năm 2017 đóng góp 44,6%). Lợi nhuận gộp dự báo là 499,8 tỷ đồng (tăng trưởng 51,3%). Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 23% (năm 2017 là 20%). Lợi nhuận tăng nhờ nhu cầu đối với hoạt động khoan và thăm dò tăng.

− Doanh thu mảng thương mại dự báo đạt 522,9 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), chiếm 10,8% tổng doanh thu (năm 2017 chiếm 10,3%). Lợi nhuận gộp dự báo đạt 36,6 tỷ đồng (tăng trưởng 33,3%). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp là 7% (năm 2017 là 6,8%).

− Chi phí bán hàng & quản lý dự báo là 697,9 tỷ đồng (tăng 19,3%), tương đương 14,5% tổng doanh thu (năm 2017 là 15,5%). Chúng tôi dự báo tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu ở mức tương đương trong năm 2018.

− Thu nhập khác dự báo là 232,5 tỷ đồng (giảm 63,4%). Chúng tôi dự báo PVD sẽ thu hồi khoảng 220 tỷ đồng (45% tổng dư nợ) từ PVEP và không phát sinh hoàn nhập phân bổ Quỹ Khoa học như trong năm 2017.

− Lợi nhuận từ các liên doanh dự báo tăng từ mức thấp 6,7 tỷ đồng trong năm 2017 lên 58,1 tỷ đồng trong năm 2018 (tăng gấp 7,7 lần). Theo đó, chúng tôi dự báo EPS 2018 là 199 tỷ đồng (tăng gấp 5,5 lần) và BVPS là 38.166đ (tăng 6%).

Kết luận đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Cổ phiếu PVD hiện giao dịch với P/B dự phóng là 0,66 lần, vẫn thấp hơn so với mức bình quân một số cổ phiếu cùng ngành trong khu vực là 1,0 lần. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 30.000đ, tương đương P/B dự phóng là 0,8 lần. Ước tính của chúng tôi phản ánh giá trị thay thế của tài sản.Hoạt động E&P sẽ sôi động trở lại trong năm nay nhờ giá dầu tăng vượt điểm hòa vốn đối với các giàn khoan ngoài khơi của Việt Nam và nhờ vậy hoạt động khai thác dầu cho lợi nhuận trở lại. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã tăng khoảng 80% và đã xuất hiện lực chốt lời trong một vài ngày gần đây. Do đó, mặc dù vẫn giữ quan điểm tích cực đối về triển vọng tăng trưởng trong vài năm tới, chúng tôi dự báo giá cổ phiếu có thể điều chỉnh từ mức hiện tại trong vài tháng tới.

(Nguồn: HSC)
 

Việc làm nổi bật

Top