Cam kết ưu đãi lọc hóa dầu: Nhà nước phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Các cam kết về giá bán, bao tiêu sản phẩm với 2 dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất (Quảng Ngãi) đang đẩy nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào thế khó, nguy cơ Nhà nước phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Cam kết riêng ngược cam kết chung

Tại Phụ lục B - Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có điều khoản: Trong 10 năm đầu kể từ ngày nhà máy vận hành thương mại (dự kiến từ năm 2017), Cty Nghi Sơn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập cộng thuế nhập khẩu.

Trong đó, thuế nhập khẩu được tính vào giá là 7% đối với xăng, dầu; 5% với khí hóa lỏng (LPG) và 3% đối với sản phẩm hóa dầu. Nếu Nhà nước Việt Nam quy định mức thuế nhập khẩu thấp hơn, Chính phủ Việt Nam bảo đảm PVN sẽ thanh toán cho Cty Nghi Sơn số tiền chênh lệch (giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và mức cam kết trong bảo lãnh Chính phủ).

Tương tự, với xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), cũng được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập cộng thuế nhập khẩu, với mức thuế dùng tính vào giá xăng, dầu là 7%.

Những cam kết mức thuế tính vào giá bán sản phẩm tại các nhà máy lọc hóa dầu trên đã đi ngược lại cam kết về thuế nhập khẩu tại các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký với các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Cam kết mức thuế tính vào giá bán chỉ phù hợp với xăng (khi thuế nhập khẩu xăng vẫn từ 10 đến 20%), nhưng cao hơn nhiều mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu, hóa dầu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Cụ thể, hiện thuế nhập khẩu dầu diesel và madút từ ASEAN đã về 0%, và 5% nếu nhập từ Hàn Quốc (trong khi cam kết với Nghi Sơn là 7%). Với thuế nhập khẩu các sản phẩm hoá dầu (benzen, xylen, p-xylen, polypropylen) hiện chỉ 1% (trong khi cam kết với Nghi Sơn
là 3%).

5a_VEMG.jpg

Theo tính toán của Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể tiêu thụ 100% sản phẩm trong nước nhằm hưởng ưu đãi và PVN phải bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giá dầu thô càng tăng, PVN càng phải bù lỗ nhiều, trong khi lợi nhuận với tư cách cổ đông (đóng góp 25,1% vốn) lại càng giảm.

Cụ thể, nếu giá dầu thô ở mức 45 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ 1,54 tỷ USD/10 năm cam kết (khoảng 3.500 tỷ đồng/năm); lợi nhuận được chia khoảng 716 triệu USD/10 năm (khoảng 1.600 tỷ đồng/năm). Nếu giá dầu thô ở mức 50 USD/thùng, PVN phải bù lỗ 1,8 tỷ USD/10 năm (4.000 tỷ đồng/năm); lợi nhuận chỉ còn 641 triệu USD/10 năm (1.400 tỷ đồng/năm).

Nếu giá dầu thô 70 USD/thùng, PVN phải bù lỗ 2 tỷ USD/10 năm (4.500 tỷ đồng/năm). Như vậy, về cơ bản khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80 - 110 triệu USD/năm (khoảng 1.800 - 2.500 tỷ đồng/năm).

Không dùng ngân sách bù lỗ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho hay, với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, VEA đã có kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ điều chỉnh giá bán sản phẩm nhà máy cho hợp lý. Nhà máy Dung Quất là do Nhà nước nắm giữ nên có thể điều chỉnh theo từng thời kỳ cụ thể.

Nhưng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, theo ông Ngãi, phải đàm phán lại với các nhà đầu tư quốc tế, có lợi cho tất cả các bên. “Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng ta trong đàm phán, cam kết quốc tế. Nhà đầu tư luôn muốn được lợi nhiều nhất, họ có nhiều kinh nghiệm đàm phán quốc tế. Vì vậy, những người đi đàm phán phải được lựa chọn cẩn trọng, phải là những người giỏi, thông thạo luật pháp và thông lệ quốc tế”, ông Ngãi nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật BASICO cho rằng, khi đã được cam kết thì nhà đầu tư nước ngoài không dại gì từ bỏ lợi ích của mình. Còn Việt Nam đã cam kết quốc tế cũng không thể vi phạm những cam kết đó, vì còn liên quan tới tín nhiệm quốc gia. Theo vị luật sư này, cam kết của PVN với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn không khác gì các cam kết đầu tư dự án BOT giao thông.

“Đã là đầu tư, nhà đầu tư phải có rủi ro lời - lỗ, nhưng chúng ta lại cam kết nhà đầu tư luôn có lãi, đó là điều khó hiểu”, ông Đức nói. Ngoài ra, không chỉ với Nghi Sơn, nhiều dự án đầu tư nước ngoài cũng nhận rất nhiều ưu đãi về thuế. Trong khi doanh nghiệp trong nước đáng được ưu đãi hơn lại không được, thậm chí còn phải chịu nhiều rủi ro về pháp lý.

Theo Bộ Tài chính, với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, việc xử lý những cam kết với nhà đầu tư dự án này như thế nào thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương. Bộ Tài chính chỉ đưa ra những đánh giá và cảnh báo.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng hồi tháng 3/2015, đề nghị hệ thống giải pháp trên nguyên tắc không vi phạm các cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư, các hiệp định quốc tế; không vi phạm các cam kết chống phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và sản xuất nội địa; không dùng ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp; giảm thiểu tác động của các cam kết tới ngân sách.

Với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án xử lý. Theo đó, bộ này đề xuất sửa ưu đãi tài chính theo hướng để Dung Quất tự quyết định giá bán.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ góp vốn của PVN là 25,1%; Cty Kuwait Petrolum góp 35,1%; Cty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) góp 35,1%; Cty Mitsui Chemicals (Nhật Bản) góp 4,7%. Dự kiến, nhà máy vận hành thử vào tháng 11/2016, vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Ngoài vốn góp đầu tư, PVN đã hỗ trợ dự án 3.833 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục công trình trong dự án (đường giao thông, đê chắn sóng, điện chiếu sáng…).

Theo: Báo Tiền Phong​
 

Việc làm nổi bật

Top