Lọc dầu Dung Quất: Sức hấp dẫn của 2,1 tỉ USD

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Một điều hấp dẫn khác ở thương vụ cổ phần hóa Dung Quất là cơ hội cho nhà đầu tư ngoại tham gia khâu phân phối xăng dầu tại Việt Nam.
20-21_kd_dungquat_u_th_r1_81121269.jpg
17 là con số các quỹ đầu tư thể hiện mối quan tâm đến thương vụ IPO cuối năm nay của Lọc dầu Dung Quất, đơn vị đang chiếm lĩnh 1/3 thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Bên cạnh các quỹ đầu tư, danh sách ứng viên tham gia vào thương vụ đấu chào bán 4-6% lượng cổ phần còn có các tập đoàn hàng đầu như Repsol (Tây Ban Nha), Gazprom (Nga) hay Tập đoàn Petrolimex với cổ đông chiến lược đến từ Nhật JX Nippon Oil & Energy.

Giá cổ phiếu dự kiến sẽ được chào bán ở mức khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, Dung Quất dự kiến sẽ đạt mức vốn hóa lên tới 2,1 tỉ USD, đồng thời Nhà nước có cơ hội thu về ít nhất là 83,6 triệu USD từ thương vụ IPO này.

Nhà nước bỏ quyền chi phối

Không chỉ ấn tượng ở quy mô tài sản, sức hấp dẫn của thương vụ cổ phần hóa Dung Quất còn nằm ở bài toán quyền lực chi phối. Sau thương vụ IPO cuối năm, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tiếp tục chuyển nhượng 49% cổ phần cho cổ đông chiến lược vào năm 2018, tức đưa tỉ lệ sở hữu của Nhà nước xuống dưới mức 50% và từ bỏ quyền kiểm soát. Điều này tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hãng lọc dầu số một Việt Nam giữa lúc giá dầu thô có dấu hiệu phục hồi tốt hơn.

Các con số kinh doanh của Dung Quất khá ấn tượng. Năm 2016, doanh thu của nhà máy lên đến 74.000 tỉ đồng với lợi nhuận ròng 4.492 tỉ đồng, đưa tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 14%. Riêng trong nửa đầu năm nay, doanh thu của nhà máy này đã lên đến 38.600 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng tiền mặt mà Dung Quất đang nắm giữ lên đến hơn 15.179 tỉ đồng, tạo nguồn lực đáng kể để thực hiện các thương vụ đầu tư hay thâu tóm các đối thủ mở rộng thị phần. “Lọc dầu rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”, ông Michel Tosto, Giám đốc Phòng môi giới khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận định.

20-21_kd_dungquat_u_th_r2_8112394.jpg

Một điều hấp dẫn khác ở thương vụ cổ phần hóa Dung Quất đến từ cơ hội tham gia vào khâu phân phối xăng dầu tại Việt Nam của các nhà đầu tư ngoại. Hiện Luật quy định các nhà đầu tư nước ngoài không được phép phân phối xăng dầu tại Việt Nam trừ khi họ có nhà máy lọc dầu. Việc mua lại cổ phần các hãng lọc dầu nội địa để từ đó phát triển mảng phân phối đến người dùng sẽ là cách đi mà một số tập đoàn nước ngoài lựa chọn. Trước Dung Quất, Petrolimex đã chào bán thành công 8% lượng vốn cho hãng năng lượng Nhật JX Nippon Oil & Energy, thu về hơn 4.000 tỉ đồng.

Bài toán cạnh tranh

Sau nhiều nỗ lực cắt giảm của khối OPEC và nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc, giá dầu đang có những tín hiệu phục hồi khá tốt trong thời gian gần đây. Giá dầu thô thế giới đã tăng 24% so với tháng 6, trong khi dầu Brent tăng tới 30%. Một số nhà phân tích nhận định rằng, thị trường dầu mỏ đã chính thức bước vào chu kỳ phục hồi theo góc độ phân tích kỹ thuật, kéo theo lợi nhuận cho các nhà máy lọc dầu được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong các năm tới.

Thị trường tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Trong năm 2015, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước đã đạt khoảng 17,5 triệu m3 tấn. Theo World Bank, mức tiêu thụ xăng dầu bình quân trên đầu người của Việt Nam gia tăng trung bình khoảng 5%, với nhu cầu đến từ 3 mảng chính là vận tải (chiếm khoảng 65%), sản xuất công nghiệp (20%) và phần còn lại là tiêu dùng của người dân.

“Nền kinh tế tăng trưởng tốt trong những năm gần đây phản ánh sự gia tăng sản xuất công nghiệp, kéo theo nhu cầu về vận chuyển. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ ô tô của Việt Nam tăng mạnh cũng góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu”, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV nhận định.

Mặc dù đang là đơn vị chiếm lĩnh thị trường xăng dầu nhưng Dung Quất cần phải nâng cấp chính mình để đối phó với những thách thức mới. Hiện nhà máy này đang lên kế hoạch huy động các nguồn lực tài chính trị giá lên đến 1,813 tỉ USD để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng công suất, giúp cải thiện thị phần lên 45% so với 30% hiện nay.

Thực tế là nếu không nâng cấp và mở rộng công suất để hạ giá thành, Dung Quất cũng khó lòng giữ được vị thế cạnh tranh so với các đối thủ. Nhờ được ưu đãi về thuế nên hiện giá bán của Dung Quất cạnh tranh hơn so với dòng sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là đối thủ mới nổi Hàn Quốc. Tuy vậy, lợi thế cạnh tranh này sẽ mất đi khi thời điểm năm 2024 đến gần, thuế nhập khẩu xăng sẽ về 0% theo quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Dung Quất cũng mới cho ra sản phẩm xăng dầu đạt mức Euro 3 cho dòng xăng RON 95 và mức Euro 2 đối với các sản phẩm còn lại, tức là không thể đáp ứng được tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 theo lộ trình khí thải. “Sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng dự kiến năm 2021, công suất chế biến nhà máy tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm và chất lượng sản phẩm xăng dầu sẽ đáp ứng chỉ tiêu chất lượng Euro 5”, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Bình Sơn, đơn vị quản lý Dung Quất, cho biết.

Đối thủ lớn nhất của Dung Quất trong các năm tới dự kiến sẽ là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dự án có giá trị 9 tỉ USD đang hoàn tất các công đoạn xây dựng cuối cùng để chạy thử vào đầu năm 2018. Nếu chạy hết công suất thiết kế, Nghi Sơn có đủ năng lực đáp ứng đến hơn 80% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, tức sẽ thay đổi đáng kể cục diện thị trường xăng dầu và cạnh tranh khốc liệt với Dung Quất. Các cổ đông lớn của Nghi Sơn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Dầu khí Kuwait, Idemitsu Kosan và công ty hóa chất Mitsui của Nhật.

Sơn Nguyễn
Nhịp cầu Đầu tư​
 

Việc làm nổi bật

Top