Lọc dầu, mộng đẹp khó thành

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Việc Công ty dầu khí Saudi Aramco quyết định không tham gia đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) khiến cho tương lai của dự án này mù mờ hơn bao giờ hết.

Năm 2014, Saudi Aramco đã được Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT) mời chào tham gia Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, có quy mô lên tới 400.000 thùng dầu thô đầu vào mỗi ngày (tương đương 20 triệu tấn dầu thô mỗi năm) và tổng vốn đầu tư cỡ 22 tỷ USD. Hai nhà đầu tư nước ngoài nói trên kỳ vọng, ngoài 40% cổ phần mỗi bên nắm giữ, họ có thể tìm kiếm được một nhà đầu tư ngay tại Việt Nam cho phần vốn còn lại.

Đỏ mắt đi tìm nhà đầu tư nội

Đối tác được nhắm đến đầu tiên chính là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dầu khí hoặc phân phối xăng dầu. Dĩ nhiên trong số này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nổi lên như những ứng viên hàng đầu.

locdaumong.jpg

PVN ngoài lợi thế là doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu trong thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí còn có hệ thống phân phối xăng dầu của riêng mình. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là đơn vị thành viên của PVN hiện đang kiểm soát khoảng 15% thị phần trên thị trường xăng dầu bán lẻ. Còn Petrolimex với thâm niên lâu nhất trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu hiện đang nắm trên 50% thị phần. Tuy nhiên, đã không có cú bắt tay nào.

PVN hiện là nhà đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 49.000 thùng dầu thô mỗi ngày, có vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. PVN cũng đã tham gia 25,1% vốn tại Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm), quy mô vốn đầu tư hơn 9,2 tỷ USD. PVN cũng còn có 19% vốn tại Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam có quy mô đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được giao là nhà đầu tư Dự án Lọc dầu số 3 tại Long Sơn, dù hiện chưa có thời gian triển khai.

Nói vậy để thấy, PVN đã quá mệt với các dự án hiện có, nhất là khi giá dầu đang giảm mạnh như hiện nay, nên việc họ không để mắt tới các dự án khác là điều dễ hiểu.

Với Petrolimex, hiện doanh nghiệp này đã có JX Nippon Oil (Nhật Bản) là nhà đầu tư chiến lược và đang cùng nghiên cứu phương án đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong, quy mô khoảng 6 tỷ USD nên cũng không còn sức quan tâm tới các dự án lọc hóa dầu khác.

Bởi vậy, việc Saudi Aramco không còn quan tâm tới Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội có vẻ chỉ là nốt nhấn để làm rõ thêm khó khăn mà dự án siêu tỷ đô này đang đối mặt. Trước đó, tỉnh Bình Định đã lên kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội vào giữa năm 2015. Tuy nhiên tới nay mọi chuyện vẫn chỉ là dự định. Siêu dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch chung phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 vào cuối năm 2014 và thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án dự kiến khoảng 22 tỷ USD, khi mở rộng công suất có thể đạt mức 30 tỷ USD.

Lọc dầu Dung Quất: ngôi sao cô đơn

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, việc tìm kiếm đối tác ngoại mua cổ phần tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – nhà máy duy nhất hiện đã đi vào vận hành tại Việt Nam – cũng bế tắc. Trước đó vào cuối năm 2015, PVN đã có văn bản gửi Gazprom Neft (GPN), thông báo hết hiệu lực các ràng buộc giữa PVN và GPN theo Thỏa thuận khung được ký ngày 6/4/2015 về hợp tác chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – nơi quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đồng thời, thông báo kế hoạch triển khai cổ phần hóa BSR để mời GPN tham gia với tư cách cổ đông chiến lược.

Sau khi nhận được thông báo này, GPN vào ngày 29/12/2015 cũng đã trả lời “chính thức dừng việc đàm phán chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN tại BSR và sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần trong tương lai”.

Lý do chính khiến thương vụ chuyển nhượng phần vốn của PVN tại BSR với GPN không thành công là bởi các ưu đãi về thuế nhập khẩu với sản phẩm lọc hóa dầu của BSR hiện nay sẽ không còn được tiếp tục áp dụng sau năm 2018. Ngoài ra, các quy định khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đều được yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Hiện BSR đang song song triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên khoảng 8,5 triệu tấn/năm với quy mô vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD và chuẩn bị phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi không còn là nhà máy lọc dầu đầu tiên với sự háo hức chờ đợi và tập trung nguồn lực như trước đây thì việc triển khai trở nên khá chậm chạp.

Hiện PVN/BSR cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi cho dự án nâng cấp mở rộng, tích hợp trong phương án cổ phần hóa. Nhưng khi chưa có cơ chế ưu đãi thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang phải đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do chênh lệch thuế nhập khẩu của xăng có xuất xứ từ ASEAN và Hàn Quốc lên tới 10%, khiến tồn kho xăng tăng cao.

Thêm vào đó, Bộ Tài chính lại ban hành cách tính giá cơ sở mới đối với xăng dầu theo mức thuế bình quân gia quyền, tiếp tục dẫn tới tình trạng khách hàng thích mua xăng nhập khẩu vì giá rẻ hơn.

Lối thoát về thuế nhập khẩu xăng dầu để kích thích sức mua của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chưa sáng tỏ nên việc chờ đợi một cơ chế hỗ trợ khác để cổ phần hóa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt được các mục tiêu mong muốn hẳn cũng dự báo cần nhiều thời gian.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn: lúng túng bao tiêu

Theo kế hoạch, trong năm 2017, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) quy mô 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm sẽ chính thức đi vào vận hành và đạt công suất tối đa vào năm 2018 với sản lượng xăng dầu là 9,625 triệu m3/năm. Nếu cộng thêm 7,834 triệu m3 xăng dầu của Dung Quất và 0,69 triệu m3 của 4 cơ sở pha chế xăng từ condensate hiện có, nguồn cung xăng dầu nội địa sẽ dư thừa so với nhu cầu trong nước. Theo tính toán, năm 2018, nhu cầu xăng dầu của thị trường nội địa chỉ là 17,329 triệu m3, đặc biệt là sản phẩm dầu diesel sẽ dư thừa lớn với hơn 0,8 triệu m3.

Bên cạnh “lo đứng lo ngồi” về việc các nhà máy lọc dầu mà mình có vốn hay tham gia góp vốn cạnh tranh trực tiếp với nhau, PVN còn lo sốt vó với nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm của NSRP với thời gian hiệu lực 10 năm, kể từ ngày vận hành thương mại hoặc khi hợp đồng vay vốn của NSRP kết thúc.

Theo PVN, căn cứ theo lộ trình cam kết của Chính phủ, với giả định giá dầu thô WTI là 75 USD/thùng, PVN sẽ phải thanh toán chênh lệch thuế nhập khẩu với các sản phẩm xăng dầu của NSRP (thanh toán thông qua hợp đồng) khoảng 65.000 tỷ đồng và cho các sản phẩm hóa dầu của NSRP là 10.000 tỷ đồng. Dẫu vậy thì tới nay vẫn chưa có các hướng dẫn từ cơ quan hữu trách về cơ chế cụ thể liên quan đến việc đảm bảo nguồn tiền và các thủ tục liên quan để PVN thay mặt Chính phủ thực hiện chi trả khoản ưu đãi cho NSRP. Báo cáo mới nhất của PVN cuối tháng 6/2016 liên quan đến vấn đề này cho rằng, mặc dù đây là nhiệm vụ PVN thay mặt Chính phủ thực hiện, nhưng Bộ Tài chính lại coi đây là nhiệm của PVN và chi phí thực hiện ưu đãi tính vào chi phí hoạt động của PVN. Vì vậy Bộ Tài chính chưa có giải pháp xử lý.

Gánh nặng mang tên “nhà máy lọc dầu” của PVN
  • 100% vốn tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, công suất 49.000 thùng dầu thô mỗi ngày.
  • 25,1% vốn tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, quy mô vốn đầu tư hơn 9,2 tỷ USD, công suất 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày.
  • Là nhà đầu tư Dự án lọc dầu số 3 tại Long Sơn (chưa có thời gian dự kiến triển khai).

Kiến Giang - Enternews.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top