Nhà máy xăng sinh học nghìn tỷ “đắp chiếu”: Tiếp tục đầu tư hay cho phá sản?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho một nhà máy xăng sinh học nhưng cả 3 nhà máy có vốn góp của PVN đều bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn hoặc dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.

Trong số 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương có tới 3 dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học là Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước với vốn đầu tư lần lượt là 2.484 tỷ đồng, 2.219 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng.
Thời điểm năm 2012, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) từng xác định phối hợp với các bộ ngành và địa phương triển khai xây dựng 3 nhà máy trong đó PVOil trực tiếp là chủ đầu tư của 2 nhà máy tại Phú Thọ và Bình Phước, và PVN trực tiếp làm chủ đầu tư nhà máy Dung Quất (Quảng Ngãi).

nha-may-ethanol_uetz.jpg

Lý giải vì sao đầu tư mạnh vào các nhà máy ethanol, năm 2012 đại diện PVN cho biết, vì PVN là tập đoàn kinh tế hàng đầu, nhận thức được tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đến phát triển bền vững nên PVN đã xây dựng cho riêng mình một chiến lược mang tính “đi trước đón đầu”.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn trong khi 2 dự án còn lại đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất, đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi có 2 phương án được xem xét để xử lý đối với dự án, CTCP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) chuyển nhượng/thoái vốn tại Dự án và phương án 2 tái cơ cấu lại Công ty nhiên liệu sinh học miền Trung.

Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi… đề xuất lựa chọn phương án BSR-BF chuyển nhượng/thoái vốn tại dự án.

“Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải thực hiện việc tính toán khởi động lại nhà máy; xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán dự án đầu tư xây dựng nhà máy cuối cùng là thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các cơ chế, chính sách của nhà nước”, Bộ Công Thương cho biết thêm.

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, theo Bộ Công Thương có 4 phương án được xem xét để xử lý. Cụ thể, phương án 1 tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu PVC; phương án 2 tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác; phương án 3 dừng triển khai dự án, phá sản Công ty và phương án 4 PVOil Chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án.

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi… đề xuất lựa chọn phương án PVOil Chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án.

Còn đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Bộ Công Thương cho biết, có 3 phương án được xem xét để xử lý đối với dự án bao gồm tạm dừng nhà máy và vận hành trở lại khi thuận lợi; phương án 2 cho thuê tài chính - Bán tài sản và phương án 3 PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án.

Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, Bộ đề xuất lựa chọn phương án 3 PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án.

NGUYỄN THẢO - Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top