Nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần

Connect Unlimited

Administrator
Thành viên BQT
Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản: Từ kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách” do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Liên minh khoáng sản Việt Nam tổ chức sáng nay 13-5 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, ông Trịnh Lê Nguyên (Giám đốc PanNature) cho biết, với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Cụ thể, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì – kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.

Việt Nam bắt đầu thu thuế tài nguyên từ năm 1991 theo Pháp lệnh Thuế tài nguyên 1990. Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, Pháp lệnh Thuế tài nguyên đã được sửa đổi 2 lần vào năm 1998 và 2008. Đặc biệt, năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế tài nguyên 2009 thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên.

images634793_khsan.jpg

Tuy nhiên, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản vẫn rất hạn chế. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2013.

“Chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Hiện nay, thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Ngoài ra, giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Nhìn chung, việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế hiện còn rất yếu, trong khi sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường chưa hiệu quả”, TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) nhận định. Đó là chưa kể việc khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây thất thu ngân sách.

Chính sách thuế tài nguyên hiện nay cũng không khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu - ông Hoàng Ngọc Thao (Công ty Apatit Việt Nam) cho biết.

Các ý kiến cũng chỉ ra rằng, nếu tạm tính tỷ lệ thất thu trong khai thác tài nguyên là 5% GDP (mức thấp nhất), hàng năm Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ USD. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Việt Nam cần sớm chỉnh sửa Luật Thuế tài nguyên theo hướng đơn giản, rõ ràng và phù hợp.

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp quản lý thuế tốt như tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia; áp dụng sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI)...

ANH PHƯƠNG - sggp.org.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top