Những bước tiến của GAS sau 2 năm rơi vào khủng hoảng

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Nhận thức được các nguồn khí truyền thống giá thành thấp chuẩn bị bước vào giai đoạn suy thoái, PV GAS đã từng bước chuyển hướng sang chế biến sâu khí thiên nhiên đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

1_32008909_29_52_000000.jpg

Năm 2015 và 2016 Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP – PV GAS (HOSE: GAS) đã trải quanhiều khó khăn thử thách khi giá dầu rơi xuống mức thấp cùng các nguồn khí truyền thống giá thành thấp chuẩn bị bước vào giai đoạn suy giảm và cạn kiệt, trong khi những nguồn mới bổ sung đều có giá thành cao hơn nhiều, áp lực cạnh tranh trong kinh doanh tăng lên cùng độ mở của nền kinh tế.

Nhận thức được điều này, ngay từ khi triển khai chiến lược cho giai đoạn 2016 – 2020, HĐQT PV GAS đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chế biến sâu khí để tăng cường giá trị gia tăng; xây dựng cơ cở hạ tầng, kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí đảm bảo nguồn cung; xây dựng hình thành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia và tìm cơ hội đầu tư vào thượng nguồn để xây dựng một ngành công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ.

Năm 2016, nhằm mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa phạm vi kinh doanh, PV GAS đã hợp tác với Tập đoàn Gazprom cho ra đời PVGAZPROM NGV nghiên cứu dự án “Sản xuất và sử dụng khí thiên nhiên cho giao thông vận tải (GTVT) trên lãnh thổ Việt Nam”. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn Gazprom sẽ hỗ trợ PV GAS về công nghệ, kỹ thuật trong triển khai dự án sản xuất LNG hướng đến việc đa dạng hóa nhiên liệu cho các phương tiện GTVT. Hiện nay, PVGAZPROM NGV đang triển khai FS cho dự án sản xuất và sử dụng khí thiên nhiên cho GTVT, dự kiến dự án này sẽ được triển khai và đi vào hoạt động vào 2018 cung cấp khí thiên nhiên cho các phương tiện GTVT tại Tp. HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Đồng thời, trong bối cảnh nhu cầu khí tại Việt Nam ngày càng tăng, tháng 7/2016 vừa qua, PV GAS, Bitexco và Tokyo Gas đã thống nhất thành lập Công ty Cổ phần LNG VIETNAM với mục tiêu trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực LNG tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu LNG đến các nước trong khu vực. Đây là sự kiện mở đầu cho giai đoạn tiếp cận với thị trường khí thế giới của PV GAS.

Bên cạnh đó, để phát triển toàn diện, lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh LPG ở cả hai mảng thị trường bán buôn và bán lẻ, PV GAS đã thông qua chiến lược kinh doanh bán lẻ LPG dân dụng giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến 2025 (PV GAS đang dẫn đầu trong mảng bán buôn). Cụ thể, PV GAS cùng các đơn vị thành viên PV GAS North, PV GAS South đặt mục tiêu chiếm lĩnh 38,7% thị phần bán lẻ tại khu vực phía Nam và Nam Trung Bộ và 20,3% thị phần bán lẻ tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ vào năm 2020. Đầu tháng 8/2016, Công ty thành viên PVGAS South đã cho ra mắt sản phẩm mới với nhãn hiệu “GAS Dầu Khí” như là một phần của việc triển khai chiến lược bán lẻ.

Đối với chiến lược đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, ông Lê Như Linh – Chủ tịch HĐQT GAS chia sẻ nhận thức được lợi ích về mặt kinh tế và xã hội của hoạt động chế biến sâu trong chuỗi sản xuất kinh doanh của ngành khí, PVN đã giao cho PV GAS các nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án với công nghệ tiên tiến nhất để chế biến sâu sản phẩm khí ethane và polypropylene tại khu vực Đông Nam Bộ.

Đầu năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và PV GAS đã ký cam kết việc đảm bảo nguồn nguyên liệu khí etan cho Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam. Nhà máy sản xuất etan của PV GAS là một dự án thành phần nằm trong tổng thể chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2. Tổ hợp hóa dầu Miền Nam sẽ sử dụng etan do PV GAS cung cấp như một trong những nguyên liệu đầu vào cho nhà máy để sản xuất các sản phẩm nhựa polyetylen và polypropylen. Việc ký kết Hợp đồng cung cấp etan cho LSP dự kiến sẽ đem lại doanh thu cho PV GAS khoảng 100 triệu USD/năm, bắt đầu từ quý IV/2021.

Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam là công trình trọng điểm dầu khí, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỉ USD. Dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, PV GAS được Chính phủ và PVN giao nhiệm vụ tham gia ở khâu trung nguồn đối với khí và khâu hạ nguồn đối với LPG và Condensate sản xuất từ Nhà máy xử lý khí Cà Mau. Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau là một thành phần trong cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đã được PVN phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình để sản xuất LPG và Condensate từ nguồn khí thuộc bể Malay – Thổ Chu để gia tăng giá trị trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS tại khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và ngành công nghiệp Khí Việt Nam nói chung. Dự án này được triển khai đồng thời cùng với chuỗi các Dự án từ khâu thượng nguồn (thăm dò, khai thác) đến khâu trung nguồn (vận chuyển) và khâu hạ nguồn (chế biến và tiêu thụ).

Cũng trong năm 2017, PV GAS đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng với các dự án loại A, B, C với tổng số giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng. Năm qua, PV GAS đã giải ngân 4.838 tỷ, chuẩn bị đầu tư, đầu tư, thanh quyết toán 14 dự án nhóm A, 8 dự án nhóm B và các dự án nhóm C. Đặc biệt, Công ty đã hoàn thành dự án và đưa vào vận hành đường ống khí Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 (mỏ Thiên Ưng), góp phần bổ sung thêm nguồn khí Cửu Long; hoàn thành dự án cấp bù khí ẩm Nam Côn Sơn cho GPP Dinh Cố, góp phần gia tăng giá trị khí Nam Côn Sơn và đảm bảo hiệu quả hoạt động của GPP Dinh Cố.

Mới đây, PV GAS, PVN và đối tác nước ngoài là Mitsui Oil Exploration (Nhật Bản) và PTT Exploration and Production (Thái Lan) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép dự án xây dựng đường ống dẫn khí thiên nhiên lô B - Ô Môn, tại tỉnh Kiên Giang. Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất được phê duyệt trong năm 2017, với tổng vốn đăng ký lên tới 1,27 tỷ USD, và là dự án tỷ USD thứ hai đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm nay, sau dự án của Samsung Display. Dự kiến, đường ống dẫn khí thiên nhiên lô B - Ô Môn sẽ vận chuyển khoảng 20,3 triệu m3 khí/ngày để cung cấp khí nguyên liệu cho 2 nhà máy phát điện có tổng công suất 3.660 MW.

Ngoài ra, trong năm 2016, PV GAS đã được Thủ tướng Chính phủ cùng cơ quan ban ngành chấp thuận chính sách giá khí thị trường theo nguyên tắc không thấp hơn giá khí miệng giếng và đồng ý cước phí Phú Mỹ - thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2018, quyết toán khoản chênh lệch cước phí từ năm 2012 – 2015.

Theo đó, năm qua, PV GAS đã quyết toán và ký kết các hợp đồng sửa đổi với các nhà máy điện để thu hồi giá trị chênh lệch giữa tiền khí đã thanh toán và chính sách giá khí/cước phí được phê duyệt. Về dài hạn, PV GAS được đảm bảo hiệu quả kinh doanh, không còn rủi ro chịu lỗ khi bán khí cho các nhà máy điện khi giá dầu xuống thấp. PV GAS thu hồi được các chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Hồ Chí Minh được đảm bảo do cước phí đã được phê duyệt, tăng doanh thu và lợi nhuận hàng năm cho PV GAS.

Cuối cùng, nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị khí xuyên suốt từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn và thực hiện chiến lược phát triển và tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, phân phối khí thiên nhiên cho khách hàng công nghiệp giai đoạn 2015 – 2025, tháng 02/2016, PV GAS đã thực hiện việc mua công khai 15,12 triệu cổ phiếu CNG tương đương với 56% vốn điều lệ của CNG Việt Nam. Nhiệm vụ của CNG Việt Nam trong năm 2017 là tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối CNG cho khách hàng công nghiệp hướng đến việc gia tăng giá trị sử dụng và cung cấp loại hình nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo NDH​
 

Việc làm nổi bật

Top