Petrovietnam - bài học về quản trị doanh nghiệp

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tiến hành quá trình tái cơ cấu toàn diện, tăng cường sức cạnh tranh, lành mạnh tài chính. Trong đó, công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là công tác quản trị tài chính và đầu tư đối với các doanh nghiệp dầu khí đang, sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán là hết sức quan trọng.

Các doanh nghiệp (DN) Dầu khí đang và sẽ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK) là đại diện cho sức mạnh, tính hiệu quả của một ngành kinh tế then chốt trong nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, mọi hoạt động của các DN Dầu khí đều được chú ý và tạo hiệu ứng mạnh trên thị trường.

Khi DN Dầu khí niêm yết trên SGDCK, không ít cổ phiếu đã tạo được lòng tin ở các nhà đầu tư nhờ thông tin minh bạch, kịp thời. Như mới đây, 7 DN dầu khí đã được SGDCK TP HCM và SGDCK Hà Nội bình chọn Báo cáo thường niên năm 2017 trong Top 50 DN được trao giải. Đó là PV GAS, CNG Việt Nam, PVGas South, PVCFC, PV Drilling, PVFCCo và NT2. Đây là sự ghi nhận của thị trường dành cho các DN niêm yết minh bạch hóa thông tin, hướng đến quản trị hiệu quả và phát triển bền vững.

Kinh nghiệm cho thấy, để thu hút được các nhà đầu tư, các thông tin về tình hình tài chính và các hoạt động đầu tư của DN phải thật minh bạch, lành mạnh. Trong đó, công tác quản trị tài chính và đầu tư là hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững đối với hoạt động của mỗi DN. Việc đưa ra các quyết định tài chính, đầu tư, tổ chức thực hiện các quyết định đó nhằm đạt được mục tiêu hoạt động tài chính và đầu tư của DN là “xương sống” của mỗi DN.

Nhiều DN dầu khí đã hết sức chú trọng công tác này và tổ chức thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Chẳng hạn, PVFCCo đã sớm xây dựng các quy định, quy chế thuộc lĩnh vực tài chính kế toán, quản lý tài chính... Về đầu tư xây dựng cơ bản, PVFCCo luôn bám sát theo tiến độ và thực hiện giải ngân theo quyết toán, đồng thời rà soát, điều chỉnh những danh mục phù hợp với chiến lược của mình. Đặc biệt, sau khi áp dụng thành công hệ thống ERP (phần mềm hỗ trợ quản trị tài chính) từ năm 2011, mọi số liệu về tài chính, kế toán, quản lý dòng tiền, đầu tư luôn được quản trị, theo dõi thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, hiệu quả từ hoạt động sản xuất kinh doanh của PVFCCo được nâng cao, chi phí được tiết giảm, đầu tư đúng trọng điểm.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng phân đạm và UFC85 đều vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất phân đạm đạt 108% kế hoạch 6 tháng, khoảng 58% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. UFC85 đạt 102% kế hoạch 6 tháng và đạt 54% kế hoạch năm; doanh thu đạt 102% và lợi nhuận trước thuế đạt 104% kế hoạch 6 tháng.

Quá trình vận hành nhà máy hiệu quả, an toàn và sản phẩm bán ra có chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh trong thời gian qua là cơ sở vững chắc để PVFCCo tiếp tục mở rộng nhà máy với dự án trọng điểm là nâng cấp tổ hợp nhà máy NH3/NPK (vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng), dự kiến sẽ đưa vào vận hành từ đầu năm 2018 với công suất 250.000 tấn NPK và 90.000 tấn NH3. Đây sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu cho DPM với doanh thu kỳ vọng từ cả NH3 và NPK ước khoảng 7.000 tỉ đồng/năm.

petrovietnam-bai-hoc-ve-quan-tri-doanh-nghiep.jpg

Với PV GAS, công tác quản trị tài chính và đầu tư hiệu quả đã góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh. Là DN chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, PV GAS phải đối mặt với việc kiểm soát dòng tiền rất lớn, đồng thời chi phí, đầu tư tài sản luôn phải được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và giá thành sản phẩm cạnh tranh. Với số dư tiền mặt nhàn rỗi tạm thời rất lớn, việc lập kế hoạch dòng tiền cụ thể theo từng tháng sẽ giúp cho PV GAS có thể cân đối vốn cho các đơn vị một cách hài hòa nhất, bảo đảm thu chi.

Về quản trị tài chính, dựa trên biến động giá dầu, khi xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2016, PV GAS đã chủ động đặt ra các kịch bản giá dầu xuống thấp, kể cả mức 20USD/thùng. Thực tế, khi giá dầu năm 2016 xuống thấp kỷ lục khoảng 27USD/thùng và trung bình đạt 45USD/thùng, đều nằm trong kế hoạch ứng phó, do vậy, PV GAS không bị động và sớm triển khai các giải pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Ngoài ra, PV GAS đã chủ động thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí, thu hồi công nợ, thanh toán trước một số hợp đồng tín dụng, chủ động phối hợp xác định các dữ liệu đầu vào để thúc đẩy quá trình xem xét phê duyệt dự án… Về quản trị chi phí, PV GAS đã xem xét, phân giao kế hoạch tiết kiệm, tiết giảm chi phí năm 2016 cụ thể cho từng đơn vị, định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện về tổng công ty để có chỉ đạo kịp thời. Kết quả đã thực hiện tiết kiệm trên 264 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch năm.

Từ hiệu quả quản trị, PV GAS đã đạt được nhiều thành tích quan trọng cũng như hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và Tập đoàn (đóng góp khoảng 14% doanh thu và 25% lợi nhuận toàn Tập đoàn, nằm trong top đầu các đơn vị trong PVN có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu cao, trên 17%), góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn giá LPG trên thị trường trong nước (cung cấp khí để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, 70% thị phần LPG cả nước). Trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông 2017 vừa qua PV GAS tiếp tục gây ấn tượng mạnh trên thị trường chứng khoán khi công bố chi cổ tức năm 2016 lên đến 40% bằng tiền mặt.

Hiện nay, cả PVFCCo và PV GAS đều là những Blue-chips trên SGDCK, có giá cao, là cổ phiếu được săn đón của các quỹ đầu tư ETF và đại diện cho nhiều rổ chỉ số, trong đó có Vn-Index, PVN-Index và là cổ phiếu quan trọng trong nhóm VN30 - cơ sở giao dịch chứng khoán phái sinh.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm các DN Dầu khí được IPO và niêm yết trên SGDCK, trong đó nhiều DN đầu ngành như PV Power, PVOIL, BSR… Những bài học thành công của các DN dầu khí rất hữu ích không chỉ cho các DN chưa niêm yết mà còn hữu ích đối với cả những DN đã niêm yết.

Thành Trung - Petrotimes.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top