Petrovietnam: Một năm vượt 'bão'

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Giữa cơn bão của cuộc khủng hoảng kép: Giá dầu suy giảm kéo dài và biến động về nhân sự ở Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam), người dầu khí vẫn hăng say lao động, sáng tạo cống hiến, vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khó khăn kép

Petrovietnam đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 42 năm xây dựng và phát triển. Năm 2017 - năm thứ ba liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng suy giảm giá dầu trên thế giới, đặc biệt vào các tháng đầu năm, đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Petrovietnam. Lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn là thăm dò, khai thác gặp khó khăn, kéo theo các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị dầu khí sụt giảm. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn, từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến dịch vụ khoan, địa chấn, khảo sát, chế tạo giàn…, đều bị ảnh hưởng nặng nề.

7506ffb44f60d3e9c955a708b3f6b1b1_Untitled-1.jpg

Ngoài yếu tố giá dầu suy giảm kéo dài thì các cuộc thanh tra, kiểm tra các dự án chưa hiệu quả; điều tra các vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân thuộc Tập đoàn… đã tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động của Petrovietnam, đặc biệt là tâm lý, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí.

Thực tế đó đòi hỏi có những giải pháp để Petrovietnam vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong các buổi làm việc với lãnh đạo Petrovietnam về hoạt động của ngành dầu khí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu đổi mới, nghiên cứu tìm ra các giải pháp đột phá đối với các vấn đề phát triển bền vững của Tập đoàn. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Petrovietnam ngày 12/10/2017, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Ngành dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, luôn vào Top đầu về nộp ngân sách nhà nước; mỗi 1 triệu tấn dầu đóng góp khoảng 0,25% GDP. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ: "Từ năm 2015 đến nay, Petrovietnam gặp nhiều khó khăn". Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đặt câu hỏi đối với Đảng bộ, Lãnh đạo Petrovietnam: "Đảng, Nhà nước và xã hội đang dõi theo các hoạt động của Tập đoàn để xem chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt lên không?"

Tiếp thu và quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn, Petrovietnam đã triển khai một loạt các giải pháp nhằm cụ thể hóa các định hướng, tinh thần chỉ đạo trên.

Bên cạnh nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước, năm 2017, Petrovietnam đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, xử lý 5 dự án chưa hiệu quả. Tập đoàn đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá các phương án, giải pháp xử lý dự án chưa hiệu quả và chủ động, tích cực, khẩn trương khắc phục các dự án này. Từ đó, các công trường, dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn đã mang một diện mạo mới, hối hả và nhộn nhịp hơn.

Đáng chú ý, với quyết tâm đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sớm về đích, Ban Lãnh đạo Petrovietnam đã ban hành Nghị quyết liên tịch về việc triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo đặc biệt Dự án Thái Bình 2. Giữa tháng 11/2017, lần đầu tiên, toàn bộ Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí đã cùng tham gia giám sát, thực hiện giao ban trên công trường Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Sự quan tâm sâu sát và quyết tâm đó đã tạo thêm động lực cho những nỗ lực vượt khó không ngừng tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trước những tình huống phát sinh trong tư tưởng cán bộ, đảng viên, Lãnh đạo Tập đoàn đã có nhiều giải pháp nhằm động viên, trấn an, khích lệ tinh thần cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Tập đoàn. Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thường xuyên giao ban, nắm tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, người lao động. Lãnh đạo Tập đoàn trực tiếp đến các đơn vị nắm bắt tình hình, động viên khích lệ người lao động...

Với những nỗ lực, giải pháp quyết liệt, năm 2017, mặc dù phải đối diện với bộn bề khó khăn, Petrovietnam vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, nhiều đơn vị đã về đích sớm. Điển hình như: Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 50 ngày, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) hoàn thành kế hoạch sản lượng đạm trước 53 ngày, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) hoàn thành kế hoạch sản lượng đạm trước 2 tháng, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí trước 44 ngày, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hoàn thành kế hoạch cả năm các chỉ tiêu tài chính trước 1 tháng…

Vươn tới chuẩn mực quốc tế

Trong bối cảnh hiện nay, khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nguồn năng lượng mới được phát triển, ngành dầu khí nói chung và ở Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn đó đến từ yếu tố chủ quan và cả những tác động khách quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu, rộng; sự cạnh tranh của các nguồn năng lượng khác, nhất là năng lượng sạch, tái tạo được và cả sự tác động của giá dầu giảm...

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã nêu rõ: Phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành dầu khí; xây dựng Petrovietnam… có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học - công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, đồng thời đáp ứng mong mỏi của Đảng, Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí tiếp tục chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế trong chuỗi dầu khí toàn cầu. Cùng với việc cải thiện cơ chế quản lý, chính sách của Nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý để tạo đột phá cho sự phát triển của ngành dầu khí, theo các chuyên gia kinh tế, Petrovietnam cần khẩn trương xây dựng hệ thống quản trị nhân sự theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí người đại diện và đại diện phần vốn của Petrovietnam trong các hoạt động dầu khí trong và ngoài nước… Toàn ngành cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu; tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm giảm giá thành thăm dò, khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài có tiềm lực lớn ngay trên sân nhà…

Những ngày cuối của năm 2017, Petrovietnam đã có tin vui khi Ban Tổ chức Trung ương đã bổ nhiệm người người lãnh đạo cao nhất Tập đoàn. Bộ máy ổn định và đoàn kết, đồng lòng sẽ là đòn bẩy để Petrovietnam khắc phục những tồn tại, bất cập, tiếp tục phát triển, để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Mặc dù đối diện với bộn bề khó khăn, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh, tài chính năm 2017 của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức từ 2 - 11% kế hoạch. Các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh; nhiều đơn vị đã về đích sớm các chỉ tiêu kế hoạch trước 1 - 2 tháng.

Lê Kim Liên
Báo Công Thương
 

Việc làm nổi bật

Top