PVI nói gì về việc đầu tư 450 tỷ vào công ty của Phạm Công Danh?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Ông Nguyễn Huy Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI khẳng định, khoản đầu tư 450 tỷ của Công ty Cổ phần PVI đã lấy lại được toàn bộ số tiền này.

Đã thu được 450 tỷ

Theo ông Tuấn, vì là công ty niêm yết nên tất cả hoạt động đều minh bạch. Thứ hai, công ty là công ty cổ phần, có 49% là cổ đông nước ngoài, 51% còn lại thì trong đó có 35% là vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là vốn nhà nước, còn lại là các cá nhân tổ chức khác.

Nói về khoản vốn hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với ông Phạm Công Danh, ông Tuấn cho biết, tại thời điểm năm 2011 ông Phạm Công Danh có hai dự án để triển khai, có nhu cầu cần nguồn vốn để hợp tác kinh doanh, mà ở thời điểm năm 2011, PVI đánh giá hai dự án của ông Phạm Công Danh là có hiệu quả nên đã hợp tác kinh doanh, tổng số vốn thời điểm đó là 450 tỷ nhưng chia làm hai hợp đồng. Một hợp đồng là 150 tỷ, một hợp đồng là 300 tỷ.

Để đảm bảo cho việc kinh doanh có hiệu quả cũng như đảm bảo cho việc nguồn vốn của mình đưa ra là có hiệu quả, thì PVI và Phạm Công Danh đã ký với nhau một hợp đồng thế chấp hai tài sản cũng là bất động sản gồm: Ngôi biệt thự có địa chỉ tại 27 Tú Xương, quận 3, TP HCM và khách sạn Green Plaza tại Đà Nẵng.

“Bởi lẽ có sự thế chấp như vậy là để đảm bảo cho việc trong trường hợp hợp tác kinh doanh không có hiệu quả thì Tập đoạn Thiên Thanh vẫn phải có nghĩa vụ trả lại số tiền gốc cho PVI và lợi nhuận hợp tác. Trong trường hợp Phạm Công Danh không trả được thì hai tài sản đó PVI được quyền thu hồi hoặc bán để làm sao số tiền bỏ ra có thể quay về”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, bản chất sự việc là như vậy và PVI hợp tác với Phạm Công Danh rất suôn sẻ. Trong quá trình hợp tác từ 2011 cho đến trước khi Phạm Công Danh bị bắt (2013) thì lợi nhuận hợp tác rất tốt, tỉ lệ khoảng 14-15%/năm, tổng số tiền lợi nhuận hợp tác đầu tư thu về gần 200 tỉ.

Theo giải thích của ông Tuấn, năm 2014, Phạm Công Danh bị bắt, khi đó thì tài sản đang đứng tên ông Phạm Công Danh, nên bị cơ quan CSĐT phong tỏa để phục vụ điều tra, xem xem việc tiền thất thoát từ Ngân hàng Xây dựng chạy về đâu. Sau đó, PVI cũng đã có thỏa thuận với Phạm Công Danh là chuyển nhượng hai tài sản đó về cho PVI. Khoảng 25.11.2013 Phạm Công Danh có kí thỏa thuận chuyển nhượng hai tài sản đó cho PVI để kết thúc nghĩa vụ trả nợ của Phạm Công Danh, thứ hai là để PVI thu hồi lại được vốn. Tuy nhiên, hai bên chưa kịp làm sổ đỏ vì một số lý do khách quan thì Phạm Công Danh đã bị bắt và tài sản cũng bị phong tỏa.

Sau đó PVI có làm đơn gửi cơ quan CSĐT, gửi Viện kiểm sát Tối cao cùng với Tập đoàn Thiên Thanh nói rằng hai tài sản này (ngôi biệt thự 27 Kiến Xương, khách sạn Green tại Đà Nẵng) Phạm Công Danh mua từ năm 2003 và một tài sản mua trước năm 2000. Tức là hai tài sản đó Phạm Công Danh đã mua từ rất lâu, bằng tiền kinh doanh từ vật liệu xây dựng, đến năm 2001 thì mới thế chấp cho PVI. Tức là chứng minh một điều hai tài sản này không phải Phạm Công Danh rút từ Ngân hàng xây dựng ra.

Sau khi PVI làm đơn gửi cơ quan CSĐT, VKSND TC thì cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh và xác định đó là đúng, trên sổ của Sở TNMT tỉnh Đà Nẵng và TP. HCM đúng là chuyển nhượng từ năm 2003, đã thế chấp cho PVI. Từ kết quả đó, cơ quan CSĐT, VKSNDTC đã đồng ý giải tỏa kê biên hai tài sản đó bởi vì nó không liên quan đến vụ án. Sau khi giải tỏa kê biên hai tài sản đó thì PVI đã nhận chuyển nhượng xong sổ đỏ đứng tên PVI.

co_seabank.jpg

Như vậy, phần tiền vốn PVI bỏ ra đã thu hồi và thậm chí còn có lãi bởi những năm trước PVI có lợi nhuận từ hợp tác kinh doanh lên đến 200 tỷ.

Ông Tuấn khẳng định, đến thời điểm hiện tại hai tài sản đã về, lợi nhuận có và thậm chí nếu hiện tại để PVI bán hai tài sản đó đi thì còn lãi hơn bởi giá trị hiện tại lớn hơn nhiều so với giá trị thời điểm PVI nhận hai tài sản đó.

Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo mới nhất của Ban kiểm soát nội bộ PVN, ngày 29.7.2016, cho biết trong tổng số 450 tỷ với 2 hợp đồng hợp tác với công ty của ông Phạm Công Danh thì hiện tại PVI đã giải quyết dứt điểm được 150 tỷ đồng với dự án đầu tư kinh doanh khách sạn Green Plaza. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định tất cả 450 tỷ đầu tư vào công ty của Phạm Công Danh đã đòi được hết.

Nhiều khoản đầu tư không hiệu quả?

Đại diện PVI cũng cho biết, một số khoảng đầu tư không hiệu quả, chưa thu hồi hết vốn, thậm chí còn bị “lừa”.

Theo tài liệu của phóng viên có được, một Báo cáo của PVN về sử dụng vốn của PVI khẳng định, lợi nhuận của PVI chủ yếu từ 2 công ty con là Tổng Công ty bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI và lãi tiền gửi ngân hàng. Còn các hoạt động đầu tư khác (hợp tác đầu tư, chứng khoán, ủy thác…) hầu như không mang lại hiệu quả, nhiều khoản mục đầu tư không có khả năng thu hồi vốn và PVI đã phải trích lập dự phòng cho các khoản mục này là 327,2 tỷ đồng.

Về hoạt động uỷ thác đầu tư, PVI hiện đã ủy thác cho SeaBank Hải Phòng để cho khách hàng là Công ty Cổ phần Đầu tư và vận tải DK Vinashin vay vốn mua tàu ngày 18.2.2008 số tiền gốc ban đầu là 160 tỷ đồng, thời hạn 60 tháng. Đến thời điểm 30.9.2015, dư nợ gốc quá hạn đã lên tới 77,44 tỷ đồng và lãi phải thu quá hạn là 9,99 tỷ đồng. Ngoài ra, PVI cũng ủy thác cho vay với SHB 100 tỷ đồng; ủy thác cho Công ty tài chính Cổ phần Sông Đà 100 tỷ đồng; PVI còn một khoản đầu tư cổ phiếu OTC với tổng giá trị 107 tỷ đồng… nhưng chưa rõ hiệu quả thế nào?

Liên quan tới một số khoản đầu tư khác được cho là không hiệu quả, ông Tuấn cũng giải thích: Đối với đầu tư vào Công ty Cổ phần chứng khoán (SME), PVI đầu tư 122 tỷ bao gồm cả lãi, gốc là 107,8 tỷ. Thời điểm đó, SME là công ty chứng khoán muốn bán ngắn hạn cho PVI. Công ty SME ngày đó cũng là một công ty “đình đám” nên PVI quyết định mua. Khi mua xong một thời gian thì mới phát hiện ra không có chứng khoán đó trong tài khoản, câu hỏi đặt ra là PVI đã bị SME lừa? Ngay sau đó chúng tôi đã báo công an để đề nghị làm rõ. Lúc đó SME ngay lập tức trả 65 tỷ tiền mặt cho PVI. Sau đó, công ty SME tiếp tục trả cho PVI 18 tỷ, tính đến thời điểm này PVI đã thu hồi được khoảng 80% số vốn bỏ ra.

Còn liên quan tới khoản đầu tư vào Seabank Hải Phòng, SHB để mua tàu, ông Tuấn cũng cho biết, hai còn tàu này mua cách đây khoảng 10 năm, tàu 1 thu được 70 % gốc, con tàu thứ hai được 40% gốc.

“Ngày đó PVI cũng có lý do để đầu tư mua hai con tàu, thứ nhất là do đầu tư vào tàu rất hiệu quả, giá vận tải tang vọt, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá tàu và giá vận chuyển tăng hàng ngày. Thứ hai là khi bán tàu mình có thể ăn giá chênh lệch”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cũng cho biết, còn tàu thứ nhất PVI đóng vốn 1 phần, Vinasin 1 phần, Seabank 3 phần, khi mua xong con tàu này rất có lãi nhưng sau đó khoảng nửa năm thì giá tàu rớt thảm hại nên quyết định bán tàu cắt lỗ. PVI thu được 70% - 80% tiền vốn “khoản đấy bây giờ bọn anh chỉ còn có 2 mấy tỷ, bé bé xinh xinh”, ông Tuấn nói.

Con tàu thứ hai mua cùng SHB, mua xong cũng phải bán và bắt lỗ, PVI thu được một phần vốn, con tàu này lỗ sâu hơn, bán chậm hơn, thu được tiền vốn ít hơn, khoảng 40%.

Vốn ủy thác cho công ty tài chính Sông Đà PVI đã thu hết 100% vốn, bởi sau khi công ty này được ngân hàng quân đội mua thì PVI đã đàm phán được với ngân hàng quân đội để thu lại toàn bộ số tiền gốc 100 tỷ.

Thu Trang - ANTT.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top