Sai phạm tại Ethanol Phú Thọ: PVB gây ra khoản thiệt hại 635 tỷ đồng dưới 'bóng ma' PVC

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra dự án ethanol tại Phú Thọ và dự án ethanol Dung Quất.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).

Như vậy, sau khi khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB), Vũ Thanh Hà là đối tượng đầu tiên bị bắt trong hàng loạt sai phạm nghìn tỷ tại các dự án ethanol ở Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.

Theo cơ quan điều tra, Vũ Thanh Hà, sinh ngày 21/3/1962, tại Nam Định. Vi phạm của ông Hà liên quan đến quá trình Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư thực hiện dự án NLSH ethanol Phú Thọ.

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 12/2007 đến tháng 12/2009 với tư cách thành viên HĐQT, Tổng giám đốc PVB, ông Hà đã ký quyết định phê duyệt kết quả chỉ định gói thầu TK 05 không tổ chức thẩm định theo quy định về trình tự, thủ tục chỉ định thầu, trái với quy định tại Nghị định số 58/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, ông Hà khi ký Quyết định số 04/QĐ-PVB-HĐQT ngày 8/6/2009 phê duyệt kết quả chỉ định thực hiện gói thầu EPC cho Liên danh PVC - Alfa Laval khi chưa có chủ trương đồng ý của HĐQT, không được Chủ tịch HĐQT ủy quyền cho ký là trái với qui định tại Điều lệ của Công ty PVB và qui định tại Luật Doanh nghiệp...

Mặc dù chưa có hạng mục nào hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng tính đến tháng 10/2014, PVB vẫn thanh toán cho Liên doanh PVC - Alfa Laval hơn 1,5 tỷ đồng.

15-06-18_img_7529.jpg

Dự án ethanol Phú Thọ đắp chiếu hàng chục năm trời
Những vi phạm trên dẫn đến việc PVC (nơi Trịnh Xuân Thanh từng làm Chủ tịch HĐQT) đơn phương dừng thi công từ tháng 11/2011 do nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính; trong khi tính đến thời điểm 30/4/2018, PVB đã chi cho dự án có tiền vay từ ngân hàng gần 772 tỷ đồng.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTC ban hành ngày 13/12/2017, mức độ thiệt hại được xác định bằng lãi suất đối với số tiền gần 772 tỷ đồng kể từ khi dự án dừng thi công đến ngày 30/4/2018 là khoảng 635 tỷ đồng.

Dự án ethanol Phú Thọ được khởi công từ tháng 6/2009 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỉ đồng do PVB làm chủ đầu tư trên diện tích gần 50ha đất nông nghiệp của các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (huyện Tam Nông).

Theo tài liệu của NNVN, để giao mặt bằng thực hiện dự án, tỉnh Phú Thọ từng phải tổ chức cưỡng chế người dân bàn giao đất, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay từ khi chuẩn bị triển khai dự án này, PVB đã để xảy ra hàng loạt sai phạm.

Năm 2008, chủ đầu tư PVB đã tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, Công ty CP Thiết kế công nghiệp Hóa chất (CECO) là đơn vị trúng thầu.

Sau khi CECO lập xong dự án đầu tư xây dựng, ngày 26/2/2009, Chủ tịch HĐQT PVB, ông Vũ Thanh Hà đã ban hành quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.317,5 tỷ đồng.

"Bi kịch" của dự án thực sự bắt đầu vào năm 2009 khi Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), dưới thời Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo đã xin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định thầu và được PVN chấp thuận giao cho thực hiện gói thầu EPC.

Nhờ PVN "giúp sức", PVC mặc dù chưa từng thực hiện các hợp đồng EPC thời điểm đó đã khiến tổng số tiền đã sử dụng vào dự án là 1.534,556 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt 217 tỷ đồng. Việc tổng mức đầu tư dự án vượt số tiền khổng lồ trên là do PVC điều chỉnh hàng loạt hạng mục thi công.

Cụ thể, tại 9 hạng mục điều chỉnh, số tiền đầu tư tăng tới 10,592 triệu USD. Hạng mục nhà kho chứa sắn và cụm nghiền có giá trị hợp đồng 1.495.000 USD được điều chỉnh thành 3 cụm máy với giá trị 2.560.000 USD, tăng 1.065.000 USD. Đơn giá theo hợp đồng là 747.500 USD/cụm, điều chỉnh thành 853.333 USD/cụm, 2 cụm tăng 211.667 USD là không đúng quy định của hợp đồng. Ngoài ra, việc bổ sung 1 cụm nghiền dự phòng khi lập thiết kế kỹ thuật với giá trị 853.333 USD là không tuân thủ đúng Thiết kế cơ sở và chưa cần thiết khi dự án đang thiếu vốn đầu tư.

Hạng mục xử lý nước thải, thu hồi Mathane, Decantor, sấy bã thải, giá trị hợp đồng 4.010.000 USD được điều chỉnh thành 5.550.000 USD, hạng mục Nhà máy điện, giá trị hợp đồng 4.835.000 tăng thành 6.790.000 USD đều không đúng với qui định của Hợp đồng EPC.

Gói xử lí nước thô, giá trị hợp đồng 370.000 USD điều chỉnh tăng thành 1.600.000 USD theo giá hợp đồng PVC đã ký với nhà thầu phụ, không xuất phát từ yêu cầu của dự án, làm thay đổi lớn thiết kế cơ sở và không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư nên không hề có cơ sở điều chỉnh tăng nhưng vẫn cứ tăng.

Thiết bị điện động lực có giá trị hợp đồng 1.450.000 USD, nhà thầu đã nâng lên thành 3.300.000 USD, PVC nâng bằng cách lập Thiết kế kỹ thuật tăng công suất tiêu thụ điện cao gấp 2,63 lần nhưng không hề căn cứ vào một cơ sở nào.

Ngoài ra, ở một số hạng mục khác như gia công chế tạo bồn, ống tại công trường tăng 700.000 USD; chi phí ban điều hành tăng 972.973 USD; thép bồn các loại tăng 820.000 USD; công trình tạm và chuẩn bị số liệu đầu vào thiết kế tăng 459.459 USD… tất cả đều thuộc phạm vi gói thầu và hợp đồng EPC, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện hoàn thành đã tự ý điều chỉnh tăng khi không có căn cứ để được chấp thuận...

Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra dự án ethanol tại Phú Thọ và dự án ethanol Dung Quất.

HOÀNG ANH
https://nongnghiep.vn/
 

Việc làm nổi bật

Top