Tiết lộ chưa từng công bố về đối tác muốn mua 20% cổ phần của PVN tại OceanBank

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm từng nhiều lần khẳng định có hai đối tác từng ngỏ ý muốn mua lại 20% cổ phần OceanBank từ tay PVN, tại phiên tòa xét xử vụ PVN-OceanBank lần này, tên tuổi 2 tổ chức này mới được tiết lộ.

LS_Phan_Trung_Hoai_22.jpg

Nhóm các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng. Luật sư Phan Trung Hoài (trái) và Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (áo trắng).
Thương vụ thoái vốn đổ bể

Với việc ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011 về chủ trương góp thêm vốn 100 tỷ đồng vào OceanBank, nâng tổng số vốn góp tại ngân hàng này lên 800 tỷ đồng, đồng thời duy trì tỷ lệ sở hữu 20%, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã vi phạm khoản 2 Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011.

Theo Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN, mặc dù chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, PVN đã chủ động thực hiện việc thoái vốn, trong đó có việc ban hành Nghị quyết 8922 ngày 6/12/2013 thông qua chủ trương chuyển nhượng 80 triệu cổ phần. Thông qua chủ trương thuê CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) tìm đối tác chuyển nhượng.

Kết quả là, ngày 22/4/2014 CTCP Đầu tư phát triển Phú Nguyên có Công văn số 06 gửi PVN bày tỏ thiện ý mua lại số cổ phần tương đương 15% vốn điều lệ của OceanBank từ Tập đoàn.

Cùng thời gian này, ngày 14/4/2014 EMC Holding (Singapore) có bản fax gửi PVN thể hiện muốn mua lại số cổ phần của PVN tại OceanBank.

Ngày 15/4/2014, chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm có công văn 309 gửi PVN và PSI, nội dung công văn thể hiện đã nhận được văn bản đề xuất của CTP Đầu tư phát triển Phú Nguyên ngày 22/4/2014 và EMC Holding (Singapore) ngày 14/4/2014 về nguyện vọng mua cổ phần OceanBank do PVN sở hữu. Qua đó đề nghị PVN sớm xem xét, chấp thuận và thực hiện việc thoái vốn. Công văn này có đóng dấu Tập đoàn dầu khí Việt Nam, công văn đến số 5428 ngày 26/4/2014.

Từ các bút lục tại Cơ quan điều tra cho thấy, ngày 7/5/2014, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN, có văn bản 2957 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại OceanBank. Văn bản này được đồng kính gửi tới các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Sau khi nhận được Công văn 2957, ngày 13/5/2014 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3393 gửi Bộ Công thương, Bộ tài chính. Ngày 23/5/2014 có công văn 3723 gửi Ngân hàng nhà nước đề nghị có ý kiến gửi về Văn phòng Chính phủ về Công văn 2957 của PVN.

Sau khi nhận được ý kiến của các Bộ, ngày 12/6/2014, Văn phòng Chính phủ có Công văn 4327 thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Võ Văn Ninh như sau:

“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện chuyển nhượng phần vốn đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương bằng hình thức đấu giá công khai theo quy định; trường hợp đấu giá không thành công thì lập phương án bán thỏa thuận cụ thể hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định” (Bút lục số 1601).

Tuy nhiên, PVN chưa kịp triển khai thực hiện việc thoái vốn thì ngày 25/6/2014 Văn phòng Chính phủ có Công văn 1116 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Võ Văn Ninh dừng việc thoái vốn của PVN tại OceanBank.

Ngày 06/02/2015, PVN có Công văn 339, Công văn 42 ngày 14/02/2015 gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ngân hàng có phương án và hướng dẫn để PVN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

3 tháng sau, ngày 06/5/2015 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Quyết định 663 mua toàn bộ cổ phần OceanBank với giá 0 đồng.

Thực tế, đến ngày 01/06/2015, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư số 06/2015/TT-NHNN hướng dẫn về thời hạn trình tự, thủ tục thoái vốn khỏi các ngân hàng TMCP.

Những tình tiết chưa từng công bố


Bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, Luật sư Phan Trung Hoài đã công bố nhiều tình tiết mới từ các bút lục do cơ quan điều tra cung cấp. Theo Luật sư Hoài, đây là những tài liệu chưa từng được công bố:

NHNN có Công văn số 7861 ngày 22/10/2013 chấp thuận cho OceanBank tăng vốn điều lệ năm 2013 từ 4.000 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng. Không những thế, Thống đốc NHNN còn có Công văn số 7878 ngày 23/10/2013 gửi NHNH Chi nhánh Hải Dương và OceanBank, trong đó chấp thuận Phương án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 của OceanBank với một trong các nội dung cơ bản: Tăng vốn điều lệ: Năm 2013, Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng để đảm bảo giảm tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông lớn (PVN, CTCP Tập đoàn Đại Dương và Công ty TNHH VNT) và cổ đông Hà Văn Thắm và người có liên quan theo đúng quy định của Luật các TCTD năm 2010.

Về phần PVN, nhóm các luật sư của bị cáo Đinh La Thăng cũng công bố tài liệu mới là: Ngày 14/3/2011, Đinh La Thăng ký ban hành Nghị quyết số 621/NQ-DKVN về công tác đổi mới doanh nghiệp và tái cấu trúc Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), dựa trên Biên bản cuộc họp số 601 ngày 11/3/2011. Theo đó, ông Đinh La Thăng kết luận:

“Để phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan đến sở hữu cổ phần tại các Ngân hàng, giao Tổng giám đốc PVN chỉ đạo thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của PVN tại Oceanbank cho PVFC, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Giao Phó TGĐ Nguyễn Tiến Dũng và Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo các Ban liên quan trình HĐTV xem xét, phê duyệt cơ chế hỗ trợ đối với Oceanbank để đảm bảo việc chuyển nhượng vốn này không ảnh hưởng đến các hoạt động kính doanh của Ngân hàng, không để xảy ra cạnh tranh nội bộ giữa PVFC và OceanBank, đảm bảo các cam kết của PVN đối với OceanBank”.

Như vậy, ngoài 2 doanh nghiệp là EMC Holding (Singapore) và CTCP Đầu tư phát triển Phú Nguyên, một công ty con của PVN là PVFC cũng suýt nữa trở thành đối tác chiến lược của OceanBank thông qua việc tiếp nhận số cổ phần của ngân hàng này từ PVN.

Theo tìm hiểu của Infonet, CTCP Đầu tư phát triển Phú Nguyên được thành lập vào cuối năm 2013, trụ sở công ty đặt tại tòa nhà VNT Tower, số 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là tòa nhà do Công ty TNHH VNT (Công ty riêng của Hà Văn Thắm) làm chủ đầu tư và quản lý. CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) cũng đặt trụ sở tại tòa nhà này. Theo hồ sơ CTCP Đầu tư phát triển Phú Nguyên, địa chỉ email liên hệ của công ty là email cá nhân, có tên miền @tosy.com. Đáng chú ý, Tosy là tên doanh nghiệp (CTCP Robot Tosy) của ông Hồ Vĩnh Hoàng, ông Hoàng là em vợ của ông Hà Văn Thắm.


Infonet.vn
 

Việc làm nổi bật

Top