Tương lai nào cho những dự án xăng sinh học nghìn tỷ “đắp chiếu”?

Oil Gas Vietnam

Administrator
Thành viên BQT
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho một nhà máy xăng sinh học nhưng cả 3 nhà máy có vốn góp của PVN đang trong tình trạng “đắp chiếu” do chi phí tăng cao, thiếu vốn, giá thành cao dẫn đến thua lỗ…

Báo cáo gửi lên Bộ Công Thương của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã hé lộ một số thông tin về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học chậm tiến độ, kém hiệu quả của Tập đoàn này.

Theo báo cáo, dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất dự kiến tái khởi động trong năm 2017 để có sản phẩm từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các cổ đông của CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (bao gồm BSR và PVOil) vẫn chưa thống nhất được kế hoạch khởi động vận hành sản xuất kinh doanh.

nha-may-nhien-lieu-sinh-hoc_boyc.jpg

PVN cũng cho biết, đã lên phương án hợp tác với Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành. Đoàn công tác của Tín Thành đã khảo sát làm việc với BSR-BF về phương án hợp tác vận hành nhà máy. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc liên quan đến việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và tỷ lệ chia lợi nhuận. Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục trao đổi với đối tác.

Đối với phương án để Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhận lại nhà máy để khởi động vận hành, đồng thời khắc phục hệ thống xử lý nước thải, hiện PTSC đang nghiên cứu tuy nhiên, PVN cho rằng, phương án này sẽ khó khả thi.

Báo cáo cũng cho biết một phương án khác được tính đến là hợp tác với Công ty Tùng Lâm. Theo đó, Tùng Lâm chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ chủ đầu tư khởi động lại nhà máy, tư vấn giải pháp tối ưu vận hành, xử lý nước thải.

Theo phương án này, thực chất vẫn là chủ đầu tư tự vận hành và các cổ đông phải góp vốn để vận hành lại, năm 2017 là 27,79 tỷ đồng, năm 2018 là 91,84 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các cổ đông (BSR, PVOil) vẫn chưa có ý kiến về phương án hợp tác với Công ty Tùng Lâm.

Đối với dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, theo PVN, tiếp theo chuyến khảo sát làm việc của Tổ công tác tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước với cổ đông chính của dự án là Công ty Toyo Thái Lan với cổ đông Licogi 16 ngày 19-20/7/2017, PVOil đã phối hợp với chủ đầu tư (Công ty OBF) rà soát, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy với mục tiêu khởi động, vận hành nhà máy từ 1/1/2018 và làm việc với công ty Tùng Lâm rà soát tìm giải pháp tiết giảm giá thành nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

“PVOil đã ký hợp đồng với CTCP Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) thực hiện thẩm định giá trị công ty OBF. Đến nay đã có kết quả thậm định sơ bộ, PVOil và SIVC đang hết sức khẩn trương phối hợp hoàn thành việc định giá”, báo cáo của PVN cho hay.

Cũng theo PVN, PVOil đã ký hợp đồng với CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) lập phương án thoái vốn tại OBF và các phương án xử lý khác nếu việc thoái vốn không thành công để trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trước ngày 31/8/2017 theo đúng chỉ đạo.

Kế hoạch tiếp theo được PVN đưa ra là PVOil và OBF hoàn thiện phương án khởi động vận hành tại Nhà máy bao gồm các giải pháp tiết giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do Công ty Tùng Lâm tư vấn, hỗ trợ. Trên cơ sở đó PVOil làm việc với các cổ đông Toyo Thái Lan, Licogi 16 để xem xét quyết định phương án vận hành lại, báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác định giá tài sản, xây dựng phương án chuyển nhượng, thoái vốn.

Đối với dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN cho biết, nhóm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với đầu mối là CTCP Đầu tư Thái Sơn tiếp tục nghiên cứu phương án hợp tác theo hướng tái cấu trục và tiếp tục đầu tư để đưa nhà máy vào vận hành.

“PVOil đang triển khai công tác định giá tài sản để làm cơ sở xây dựng phương án chuyển nhượng, thoái vốn”, báo cáo của PVN cho hay.

Theo PVN, kế hoạch của PVN là tiếp tục triển khai thuê định giá tài sản để làm cơ sở chuyển nhượng, thoái vốn, báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương.

NGUYỄN THẢO
Bizlive.vn​
 

Việc làm nổi bật

Top